Kon Tum phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới

Thứ tư, 04/05/2016 14:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tỉnh Kon Tum đề ra mục tiêu giai đoạn 2016-2020 có thêm 25 xã; năm 2025 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, Tỉnh ủy Kon Tum xác định xây dựng nông thôn mới với tinh thần phát huy nội lực của cộng đồng, ý chí tự chủ, tự lực của nhân dân, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước và phù hợp điều kiện từng địa phương; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên nước, rừng. Tỉnh ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã nghèo thuộc các huyện nghèo…



Tất cả các xã ở tỉnh Kon Tum đã có đường giao thông tới trung tâm xã. Tỷ lệ đồng bào được sử dụng nước sạch và sử dụng điện lưới quốc gia tăng mạnh, đạt từ 80 đến 85%. Trong ảnh: Tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Sau 5 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn của tỉnh được đầu tư, cải thiện; diện mạo nhiều vùng nông thôn có sự chuyển biến tích cực. Người dân đã xác định được vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới, tạo phong trào thi đua sâu rộng trong toàn dân. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Kon Tum mới có chín xã đạt chuẩn nông thôn mới. Khi triển khai chương trình này, các địa phương gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết liệt của chính quyền địa phương, nhiều vùng nông thôn trong tỉnh đã có sự chuyển biến rõ rệt, đời sống nhân dân được cải thiện.

* Điện Biên phấn đấu mỗi năm giảm 3% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới 

Tỉnh Điện Biên có kế hoạch giảm bình quân 3% số hộ nghèo/năm. Trong đó, số hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân hơn 4%/năm. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đạt 6,8%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 1.800 USD đến 2.000 USD/người/năm; 30% số xã cơ bản đạt các tiêu chí nông thôn mới (từ 15 tiêu chí đến 19 tiêu chí). Đến năm 2020, TP Điện Biên Phủ và thị xã Mường Lay phấn đấu đạt tiêu chí nông thôn mới.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, tỉnh Điện Biên có chính sách tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận thuận tiện với các dịch vụ xã hội; xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ huyện nghèo, xã nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm; gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị; đa dạng hóa các nguồn vốn thực hiện chương trình, tranh thủ sự đầu tư của Trung ương, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương... Mục tiêu của tỉnh là giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo.

Kết quả tổng điều tra năm 2015 (theo tiêu chuẩn mới giai đoạn 2016 - 2020), Điện Biên còn 57.214 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 48,14% và 9.135 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 7,69%.


Theo Nhân dân điện tử
 

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)