Quảng Ninh: Xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội để phát triển bền vững

Thứ tư, 05/10/2022 14:56
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Những năm qua, Quảng Ninh luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư các công trình phúc lợi xã hội. Qua đó góp phần thúc đẩy văn hóa- xã hội trên địa bàn, mang lại cuộc sống phát triển toàn diện cho người dân.

Tỉnh đã tập trung đầu tư các công trình thiết chế văn hóa thể thao đồng bộ, hiện đại, trong đó nhiều công trình mang tầm khu vực và quốc tế. Hệ thống thiết chế văn hóa thể thao từ tỉnh đến cơ sở dần được hoàn thiện về số lượng cũng như chất lượng, phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa của nhân dân; trong đó nổi bật là một số hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cấp tỉnh thu hút đông đảo người dân, như: Bảo tàng; Thư viện tỉnh; Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm; Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao; Cung Văn hóa Thanh, thiếu nhi...

Bên cạnh đó, 12/13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã có trung tâm văn hóa thể thao, trong đó có 2 trung tâm đạt chuẩn. 61/177 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa cấp xã, trong đó 45 nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn.

Nhà thi đấu 5.000 chỗ khang trang trong khuôn viên Khu liên hợp thể thao tỉnh Quảng Ninh tại phường Đại Yên, TP Hạ Long. Ảnh: Hà Phong

Các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các khu di tích đặc biệt quốc gia cũng được đầu tư, tôn tạo, bảo tồn phát huy góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã triển khai trên 300 dự án với tổng số kinh phí trên 4.000 tỷ đồng gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước và kinh phí xã hội hóa. Ngoài ra, còn triển khai, thực hiện nhiều dự án tu bổ, tôn tạo các di tích khác.

Cùng với công trình thiết chế văn hóa, Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hệ thống trường học, trạm y tế trên địa bàn. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã đầu tư được hơn 1.400 phòng học thông minh, hơn 60 phòng thư viện đạt chuẩn tại 60 trường tiểu học. Hiện trên địa bàn tỉnh có 646 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT và 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, còn có 389 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, 135 trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, tư vấn du học, 177 trung tâm học tập cộng đồng...

Tiết học của học sinh Trường PTDT Bán trú THCS Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ). Ảnh: Lan Anh

Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh cơ bản được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 550 trường đạt chuẩn. Thi tốt nghiệp THPT năm 2022 xếp thứ 31/63 tỉnh thành, tăng 5 bậc so với năm 2021. Trường Đại học Hạ Long cũng được đầu tư theo hướng đa ngành và đào tạo nguồn nhân lực chất hrợng cao cho tỉnh. Đến nay, Trường đã mở được 10 ngành đào tạo trình độ đại học; thu hút được 20 tiến sĩ, thạc sĩ và 40 giảng viên phó giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng. Công tác liên kết, hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực được quan tâm, nhiều trường đại học, cao đẳng trong nước và quốc tế tổ chức đào tạo tại tỉnh. Trên địa bàn tỉnh cũng đã xây dựng 3 trường nghề đạt tầm quốc tế; hiện Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn đã đi vào hoạt động, bước đầu phát huy hiệu quả.

Cùng với đó, hạ tầng cho các cơ sở y tế công lập từ tỉnh đến huyện từng bước được nâng cấp, củng cố và hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân trên địa bàn và vùng lân cận. Tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 14 công trình gồm các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa sản nhi, một số trạm y tế; trong đó có những trung tâm điều trị chuyên sâu như: Dự án cơ sở vật chất cho và trang thiết bị y tế cho Trung tâm Ung bướu ở Bệnh viện Bãi Cháy; nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm CDC và một số đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Y tế; đầu tư xây dựng Bệnh viện Lão khoa tỉnh Quảng Ninh... Hiện toàn ngành Y tế có 33 đơn vị, trong đó tuyến tỉnh có 8 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa; tuyến huyện có 3 bệnh viện, 12 trung tâm y tế đa chức năng...

Chuẩn bị chụp cắt lớp cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, kỹ thuật y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị; sử dụng có hiệu quả trang thiết bị hiện đại... Qua đó chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân được nâng lên; giảm tối đa tỷ lệ chuyển tuyến. Tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến lên Trung ương hiện chỉ còn dưới 1%.

Hạ tầng viễn thông phát triển mạnh đã đáp ứng tốt việc truyền dẫn, cung cấp dịch vụ cho nhu cầu sử dụng của chính quyền các cấp, các cơ quan và người dân trên địa bàn tỉnh.

Việc đầu tư mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội góp phần giúp cuộc sống của người dân trên địa bàn từ thành thị đến nông thôn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng ổn định; tạo động lực để người dân tích cực thi đua sản xuất phát triển kinh tế.

Nguồn: Quangninh.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)