TP Hồ Chí Minh : Đồ án quy hoạch thành phố đến năm 2025: Mở rộng, hài hòa với thiên nhiên

Thứ bẩy, 31/10/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo Đồ án quy hoạch chung xây dựng đến 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ phát triển gần như ra cả 4 phía. Phía Bắc trong tương lai sẽ có đô thị Tây bắc Củ Chi, phía Đông có dãy đô thị công nghệ cao, phía Tây có nhiều khu dân cư mới ở Bình Chánh và phía Nam, hướng ra biển đã có Phú Mỹ Hưng và sắp tới là đô thị cảng Hiệp Phước.

Hướng ra biển để phát triển kinh tế biển

Hướng ra biển là một quyết định táo bạo của TP khi mà còn không ít băn khoăn về những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến công tác thoát nước. Hướng Nam vốn là vùng trũng của thành phố. Hầu như toàn bộ lượng nước mưa của TP đều thoát ra đây. Tuy nhiên, hướng Nam lại có biển - nơi có nhiều tiềm năng có thể tiếp tục phát triển hệ thống cảng biển, vốn là một trong những thế mạnh về kinh tế của TP. Hằng năm, chỉ tính riêng thuế xuất nhập khẩu tại các cảng, TP Hồ Chí Minh đã thu về vài chục ngàn tỷ đồng. Do vậy, lãnh đạo TP vẫn quyết định phát triển ra hướng biển và tất nhiên kèm theo đấy là những giải pháp phát triển đô thị hài hòa với thiên nhiên, hạn chế đến mức tối đa các ảnh hưởng tiêu cực mà các nhà khoa học lo lắng.

Những ngày này, Cảng container trung tâm quốc tế Sài Gòn (SPCT) đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để đi vào hoạt động vào tháng 11. Đây là cảng container tầm cỡ khu vực, có khả năng đón tàu đến 80.000 tấn và hơn nữa ra, vào. Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước cũng đã đóng được khoảng 40% cọc của 300m cầu cảng đầu tiên. Theo ông Huỳnh Văn Nhượng, Chủ tịch HĐQT Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, bãi xử lý hàng của cảng đã xử lý xong phần nền móng. Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước là cảng tổng hợp, có khả năng tiếp nhận tàu đến 50.000 tấn ra, vào. Con đường Nguyễn Văn Tạo, hiện là trục giao thông duy nhất nối đến khu cảng Hiệp Phước đã cơ bản không còn "ổ gà", "ổ voi". Đích thân Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Quân cũng đã xuống tận hiện trường để đốc thúc tiến độ xây dựng đường mới dài 2,2km. Đây là trục giao thông chính nối khu cảng Hiệp Phước với đường trục Bắc - Nam để đưa hàng hóa tới miền Đông Nam bộ ra miền Trung và miền Bắc. Nhà thầu công trình là Tổng Công ty Xây dựng số 1 đã cam kết một mốc thời gian thi công kỷ lục: chỉ hơn 2 tháng sẽ xong trước 2/4 làn xe của cả trục đường. Đến ngày 30-11-2009 hai làn xe này sẽ được đưa vào sử dụng để chia tải cho đường Nguyễn Văn Tạo đang quá tải.

Phát triển công nghiệp để tạo khách hàng cho cảng biển

Ông Phan Hồng Quân, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận, chủ đầu tư đô thị cảng Hiệp Phước và cũng là chủ đầu tư xây dựng KCN Hiệp Phước cho biết, KCN Hiệp Phước giai đoạn 1 rộng 311 ha, hiện đã kín nhà đầu tư. Giai đoạn 2, mở rộng 600ha đang trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng. Và giai đoạn 3 (diện tích 800-900 ha) đang trong quá trình lập dự án. Tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong KCN này sẽ là khách hàng quan trọng của khu cảng biển Hiệp Phước.

Bên cạnh các hoạt động công nghiệp nêu trên, việc phát triển các trung tâm dịch vụ hàng hải (logistic) phục vụ cho hoạt động cảng biển cũng đang được khẩn trương xây dựng. Theo ông Phan Hồng Quân, khu cảng Hiệp Phước sẽ là một hệ thống liên hoàn từ cảng cho đến các khu logistic, bảo đảm có tất cả các điều kiện cần thiết để phát triển thành một khu cảng biển tầm vóc của khu vực.

Đô thị cảng Hiệp Phước là một cơ sở quan trọng khác, ngoài hệ thống cảng biển, cho việc phát triển về hướng Nam của nhiều thế hệ lãnh đạo TP. Hiện nay, ý tưởng quy hoạch đô thị cảng Hiệp Phước đã được TP phê duyệt.  Trên nền ý tưởng ấy, quy hoạch đô thị cảng Hiệp Phước đang được triển khai xây dựng. TP Hồ Chí Minh cũng vừa xin phép Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu để có tiền đền bù, giải phóng mặt bằng. Theo quy hoạch, TP có khá nhiều đô thị mới nhưng chỉ có Thủ Thiêm và đô thị cảng Hiệp Phước là thành phố xin phép phát hành trái phiếu để lấy vốn xây dựng.

Thực ra, phát triển về phía Nam Sài Gòn không chỉ có đô thị cảng Hiệp Phước, hệ thống cảng biển và khu công nghiệp mà còn có đô thị Phú Mỹ Hưng và nhiều khu dân cư mới của các doanh nghiệp: Hoàng Anh Gia Lai, Vạn Phát Hưng… Hiện nay, hầu hết các khu dân cư này đã định hình. Đây là tín hiệu tốt nhưng cũng là một sự cảnh báo cho việc phát triển đô thị trong khu vực. Một cán bộ ở Viện Quy hoạch TP cho biết, dường như ở cục bộ từng nơi đã có sự phát triển không theo quy hoạch ban đầu: nhà cửa quá nhiều, mật độ cũng như tầng cao xây dựng… quá cao. E rằng, nếu không được chấn chỉnh kịp thời chúng sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến việc thoát nước của thành phố.

Theo Hà Nội Mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)