Phạm vi lập quy hoạch vùng này bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Phạm vi nghiên cứu bao gồm cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các khu vực liên quan đến không gian phát triển kinh tế - xã hội của vùng trong tầm nhìn hướng tới 2050.
Dự kiến dân số trong vùng đến năm 2020 khoảng 20 - 21 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 7 - 7,5 triệu người, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 33%-35%. Dự kiến dân số trong vùng đến năm 2050 khoảng 30 - 32 triệu người. Mô hình phát triển vùng theo hình thức đa cực - tập trung kết hợp với các hành lang kinh tế. Cấu trúc không gian vùng gắn bó chặt chẽ với vùng TPHCM, biển Đông, biển Tây và biên giới Campuchia thông qua các trục quốc lộ, tuyến cao tốc nối vùng trung tâm và các trung tâm tiểu vùng. Vùng đô thị trung tâm với TP Cần Thơ là đô thị hạt nhân, kết nối với Cao Lãnh, Long Xuyên, Vĩnh Long và Sa Đéc...
Quy hoạch này chỉ rõ không gian phát triển, định hướng phát triển của vùng về tất cả mọi lĩnh vực. Trong đó, với giao thông hàng không, sẽ nâng cấp Cảng hàng không Cần Thơ thành sân bay quốc tế của vùng. Xây dựng Cảng hàng không Phú Quốc tại Dương Tơ thành sân bay quốc tế. Cảng hàng không Cà Mau, Rạch Giá là sân bay nội địa...
Cùng ngày, Chính phủ cũng quyết định trích 37,5 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2009 hỗ trợ kinh phí bơm, tát nước chống ngập úng cho một số địa phương ĐBSCL.
Theo Sài Gòn Giải Phóng