Tại lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, Văn phòng Chính phủ, Cổng TTĐT Chính phủ ngay sau buổi khai trương, phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo, để tạo nên sự chuyển biến về chất lượng và hiệu quả phục vụ của Cổng TTĐT Chính phủ, trong đó đặc biệt chú trọng kiện toàn bộ máy tổ chức của Cổng TTĐT Chính phủ, nhằm đáp ứng với nhiệm vụ, quy mô và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; triển khai đầy đủ QĐ 83/2008/QĐ-TTg.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chỉ tính riêng năm 2008, Cổng TTĐT Chính phủ đã đưa lên mạng gần 10.000 tin, bài, hơn 2.000 ảnh, gần 3.000 văn bản quy phạm pháp luật và hơn 2.000 văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, được giới truyền thông, nhân dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước đánh giá là địa chỉ cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, trở thành cơ quan cung cấp thông tin chính thống của Chính phủ trên Internet. Cổng TTĐT Chính phủ đã tiếp nhận hơn 8.000 thư bạn đọc, trong đó gửi đến các Bộ, ngành, địa phương xử lý hơn 2.000 thư trả lời bạn đọc, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Ngày 9/2/2007, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tuyến với nhân dân qua website Chính phủ và một số cơ quan truyền thông điện tử, mở đầu thời kỳ website Chính phủ và sau đó là website các Bộ, ngành, địa phương trở thành phương tiện đối thoại điện tử thường xuyên giữa chính quyền và nhân dân, phục vụ đắc lực hoạt động chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương.
Được biết, từ nay đến tháng 12/2010, sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang phiên bản nâng cao của công nghệ Cổng TTĐT, đồng bộ cấu trúc thông tin từ các website, Cổng TTĐT của các Bộ, ngành, địa phương, hình thành mạng thông tin hành chính Chính phủ trên internet.
Tính năng mới của giao diện Cổng TTĐT Chính phủ Giao diện mới của Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tích hợp hệ thống bản đồ hành chính Việt Nam, sử dụng công nghệ GIS để thể hiện đầy đủ nội dung bản đồ của các cấp hành chính của nước ta. Một trong những điểm nổi bật là có các cửa giao dịch điện tử theo công nghệ dịch vụ Web giữa các chủ thể (các cơ quan Chính phủ và chính quyền – G2G; dịch vụ Chính phủ với công dân-G2C; Chính phủ với doanh nghiệp-G2B; Chính phủ với người ngoài nước -G2NR) theo kiến trúc cổng tương tác thông tin. |
Theo VOVNews