Với dân số đô thị là 560.000 người và ngày một tăng theo xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động, số lượng và chất lượng nhà ở đô thị Thanh Hoá hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu người dân.
Gần 40.000 người có nhu cầu về nhà ở
Hiện nay, Thanh Hoá có 33 đô thị và một khu Kinh tế Nghi Sơn, diện tích bình quân đầu người là 17m2, cao hơn diện tích bình quân của cả nước (11,5), tuy nhiên chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị và chưa đảm bảo chỉ tiêu bình quân quốc gia về nhà ở do Bộ Xây dựng đề ra cho địa phương.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Thanh Hoá, chất lượng nhà ở tại đây cũng chưa đảm bảo và chưa đồng đều ở các đô thị. Tỷ lệ nhà kiên cố ở Thanh Hoá chỉ chiếm chưa đầy 50% và thấp hơn tỷ lệ nhà kiên cố của cả nước (52%) và Hà Nội ( 75%), Bắc Ninh( 72%).
Hiện trạng quy hoạch kiến trúc đô thị còn nhiều chắp vá và manh mún. Có tới 90% nhà ở đô thị là do dân tự xây nên khâu thiết kế chưa được chú trọng mà phần nhiều còn mang tính tự phát, bắt chước. Các chỉ giới xây dựng như chiều cao, kích thước… chưa được tôn trọng dẫn đến diện mạo kiến trúc ở các khu đô thị chưa có sự thống nhất về quy mô, hình thức và quy cách. Xuất hiện rải rác giữa các khu đô thị là những ngôi biệt thự được đầu tư kỹ lưỡng về mặt thiết kế nhưng lại trở thành lạc lõng giữa không gian chung.
Chiếm 10% diện tích còn lại là các khu nhà chung cư 2-3 tầng được xây dựng từ thập niên 60 của thế kỷ trước nay đã xuống cấp trầm trọng và đang bị cơi nới trái phép cùng với các dãy nhà tạm, tranh tre, nứa lá có niên hạn sử dụng dưới 5 năm. Các khu nhà này vừa không đảm bảo độ an toàn vừa gây mất thẩm mỹ cảnh quan, không gian khu vực.
Địa phương cũng chưa có đủ quỹ đất để phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách, đặc biệt là công nhân lao động, sinh viên, người có thu nhập thấp. Hiện nay, tỉnh còn có 1.000 hộ gia đình sinh sống trên sông có nhu cầu nhà ở trên bờ nhưng chưa được cấp đất, trong đó có tới 44% hộ thuộc diện đói nghèo. Tính đến 2008 có 30.652 sinh viên và 6.000 công nhân có nhu cầu về nhà ở chưa được đáp ứng, con số này ngày càng tăng theo tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương. Như vậy, tính tới thời điểm này có gần 40.000 người tại Thanh Hoá có nhu cầu về nhà ở.
Với tốc độ đô thị hoá như hiện nay dự báo đến năm 2020 địa phương sẽ có 84 đô thị và cần 20 triệu m2 đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 944.000 người dân đô thị.
Một khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại TP. Thanh Hóa - Ảnh: Chinhphu.vn
Hơn 21.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở hiện tại và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương, tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt chương trình phát triển nhà ở đô thị đến năm 2020. Theo đó, tỉnh sẽ mở rộng thêm 4.870 ha đất ở các đô thị và đầu tư 21.000 tỷ đồng theo nguyên tắc huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng và vốn ngân sách của địa phương, cố gắng đạt chỉ tiêu huy động bình quân mỗi năm là 2.500 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp chiếm tới 91%.
Tỉnh rất lạc quan về khả năng huy động nguồn vốn vì theo như ông Lê Thế Thiệp - PGĐ Sở Xây dựng cho biết, từ thực tiễn triển khai 4 dự án đô thị mới đây cho thấy chính sách hỗ trợ của địa phương đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư. Cụ thể địa phương sẽ chủ động đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đường xá giao thông, doanh nghiệp chỉ việc bỏ vốn xây dựng nhà ở, giá thành nhà ở được tính trên giá thành xây dựng cơ bản của doanh nghiệp. Tỉnh cũng trực tiếp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, giao “đất sạch” - đất quy hoạch dự án, không có tranh chấp cho chủ đầu tư, miễn giảm tiền thuê đất, đơn giản hoá thời gian, thủ tục xét duyệt dự án…
Đối với các hộ dân đã có sẵn nhà, đất ở, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi trong việc xin phép xây dựng và cải tạo nhà ở; chuẩn bị quỹ đất và tổ chức đấu thầu công khai để các hộ dân có đủ năng lực tài chính tham gia đấu thầu xây dựng nhà ở theo quy hoạch; thực hiện cho vay thế chấp bằng nhà ở…
Nhằm phát triển quỹ đất đô thị và đưa TP Thanh Hoá trở thành đô thị loại I, tỉnh có kế hoạch mở rộng TP thêm 19 xã thuộc 4 huyện lân cận; phát triển thành phố theo hướng Đông – Nam tiến tới sáp nhập thị xã Sầm Sơn; tập trung xây dựng các cụm công trình trọng điểm ở bốn cửa ngõ của đô thị. Thành phố cũng chủ trương tiến tới không giao đất làm nhà riêng lẻ cho các hộ gia đình, dành quỹ đất phát triển chung cư cao tầng. Đối với các khu dân cư cũ sẽ kết hợp giữa xây mới và cải tạo nhà ở, nâng cấp hệ thống hạ tầng hiện có.
Là một trong số ít địa phương có đủ địa hình: đồng bằng, trung du, miền núi… tỉnh Thanh Hoá chủ động phát triển kiến trúc đô thị phù hợp với đặc trưng vùng miền, theo đó đô thị đồng bằng ưu tiên xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thoát nước phát triển loại hình nhà ở chung cư; đô thị ven biển đảm bảo kết cấu nhà vững chắc, tránh bão kết hợp với việc hình thành các khu du lịch và xây dựng kế hoạch lấn biển để tạo quỹ đất; với các đô thị trung du, miền núi chú trọng xây dựng nhà vườn, nhà trên sườn núi đồng thời có phương án tránh sạt lở, lũ quét.
Cũng theo kế hoạch phát triển nhà ở, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 nâng tỉ lệ nhà ở kiên cố chiếm 75%, diện tích bình quân nhà ở 20m2/người. Thanh Hoá cũng dành nhiều ưu đãi cho nhà ở xã hội như tiến tới xây dựng 1 khu nhà ở công vụ cho cán bộ công chức, dành 148 ha đất xây dựng nhà ở cho công nhân, 47 ha đất cho người có thu nhập thấp và 40 ha xây dựng ký túc xá cho sinh viên.
Để chương trình thực hiện đúng mục tiêu đề ra, ông Lê Thế Thiệp cho biết trong quá trình triển khai sẽ chủ động tham khảo kinh nghiệm quy hoạch xây dựng đã mang lại hiệu quả cao ở các tỉnh bạn như Bắc Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng đồng thời đảm bảo quá trình đô thị hoá gắn liền với việc xây dựng và giữ gìn bản sắc văn hoá đặc trưng của địa phương.
Giải quyết tốt bài toán về nhà ở sẽ là tiền đề quan trọng ổn định xã hội, tiến tới phát triển bền vững đô thị, đưa Thanh Hoá trở thành địa phương đầu tàu ở khu vực kinh tế Bắc miền Trung.
Theo : www.chinhphu.vn