Hướng dẫn Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng

Thứ sáu, 01/03/2019 13:19
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 28/02/2019, Bộ Xây dựng đã có công văn 360/BXD-KTXD gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang hướng dẫn một số khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện hợp đồng thi công xây dựng công trình hồ chứa nước Bãi Nhà xã Lạng Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.

Theo đó, việc thanh toán, quyết toán và điều chỉnh hợp đồng xây dựng thực hiện theo nội dung hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký kết giữa các bên, phù hợp với hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và quy định của pháp luật áp dụng cho hợp đồng. Việc điều chỉnh thiết kế và dự toán xây dựng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 84 Luật Xây dựng.

Theo nội dung và hồ sơ gửi kèm theo văn bản số 100/SNNPTNT-QLXDCT thì:

Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt tại Quyết định số 2239/QĐ-SNN&PTNT ngày 30/12/2015 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang.

Gói thầu xây lắp công trình được tổ chức đấu thầu vào tháng 4/2016 và hợp đồng giữa các bên được ký ngày 06/6/2016 với hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.

Do tính chất phức tạp về địa chất, giải pháp kỹ thuật công trình, các yêu cầu kỹ thuật về chống thấm, … nên Tư vấn thiết kế phải lập nhiều phương án, chỉnh sửa thay đổi nhiều lần làm kéo dài thời gian thực hiện, đến tháng 7/2017 mới phê duyệt xong hồ sơ thiết kế điều chỉnh. Theo đó, do không đủ đất đắp nên phải tận dụng đá trong lòng hồ để đắp đập gồm khối đá chân mái thượng lưu và khối đá chân mái hạ lưu. Công tác đào phá đá cũng được điều chỉnh: loại đá có đường kính ≤ 1m áp dụng hàm kẹp, loại đá có đường kính > 1m áp dụng búa căn (đo đạc khối lượng, phân loại tại hiện trường). Theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, 02 khối đá thượng hạ lưu đập được quy định đường kính lớn nhất viên đá khối đá đắp ở phía thượng lưu Dmax: 40cm, khối đá đắp ở phía hạ lưu Dmax: 60cm; hệ rỗng khối đá đắp ở phía thượng lưu: n ≤ 25% và hạ lưu: n ≤ 28%.

Quá trình đắp đá chân đập, do đá được đào từ lòng hồ không có đá nhỏ nên cấp phối không liên tục, khi đầm nện không đạt được độ rỗng thiết kế, do đó phải bổ sung thiết kế phá đá lần 2.

Việc điều chỉnh thiết kế và dự toán đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang (chủ đầu tư) chấp thuận và phê duyệt tại Quyết định số 407a/QĐ-SNN&PTNT ngày 14/4/2017. Trên cơ sở đó, các bên đã đàm phán và ký phụ lục hợp đồng số 13b/PLHĐ ngày 18/4/2017, trong đó công tác đào phá đá lòng hồ được thực hiện bằng cả 02 biện pháp: phá đá bằng hàm kẹp và búa căn. Đồng thời đá sau khi đào lên sẽ được phá lần 2 để đảm bảo cấp phối theo thiết kế được duyệt.

Công tác đào phá đá lòng hồ bằng hàm kẹp và búa căn đã được nghiệm thu thanh toán 97% khối lượng; công tác phá đá lần 2 tạo cấp phối để đắp 02 đống đá đã được nghiệm thu thanh toán 87% khối lượng.

Theo đó đối với trường hợp cụ thể Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang nêu tại văn bản số 100/SNNPTNT-QLXDCT như sau:

Đối với công tác đào phá đá lòng hồ: Tại điểm c khoản 2 Điều 113 Luật Xây dựng 2014 đã quy định: “Thi công xây dựng theo đúng thiết kế, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn và bảo vệ môi trường.” Như vậy, trường hợp hồ sơ mời thầu (hồ sơ thiết kế, tiên lượng mời thầu) không nêu cụ thể biện pháp đào phá đá, mà biện pháp đào phá đá do nhà thầu đề xuất trong hồ sơ dự thầu, thì khi thanh toán thực hiện trên cơ sở đơn giá hợp đồng đã ký kết (bao gồm cả những điều chỉnh theo đúng thỏa thuận hợp đồng) và khối lượng thực tế được nghiệm thu; Trường hợp hồ sơ mời thầu (hồ sơ thiết kế, tiên lượng mời thầu) yêu cầu cụ thể việc đào phá được thực hiện bằng một biện pháp nhất định, đồng thời quá trình thi công công trình nhà thầu không đề xuất thay đổi biện pháp thi công, mà việc điều chỉnh biện pháp thi công là do điều chỉnh thiết kế thì nhà thầu phải thực hiện theo hồ sơ thiết kế điều chỉnh được phê duyệt. Khi đó, các bên căn cứ vào hợp đồng đã ký kết (bao gồm cả phụ lục hợp đồng nếu có) và biện pháp thi công theo hồ sơ thiết kế điều chỉnh được phê duyệt để nghiệm thu, thanh toán cho phù hợp.

Đối với công tác phá đá lần 2 để tạo cấp phối đắp các đống đá trong thân đập: Theo nội dung văn bản số 100/SNNPTNT-QLXDCT do yêu cầu đắp đập, nên đá sau khi đào phá từ lòng hồ phải tiếp tục phá lần 2 để đảm bảo cấp phối theo thiết kế được duyệt; việc phá đá lần 2 đã được phê duyệt trong hồ sơ thiết kế, các bên đã đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng và nghiệm thu thanh toán đạt 87%. Do đó, việc bổ sung công tác phá đá lần 2 là phù hợp nếu các công tác khác trong hợp đồng chưa bao gồm công tác này.

Đối với khối lượng đào phá đá thực tế thi công >20% khối lượng trong hợp đồng đã ký: Tại điểm b khoản 2 Điều 38 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP đã quy định: “Trường hợp khối lượng công việc thực tế thực hiện tăng hoặc giảm lớn hơn 20% khối lượng công việc tương ứng ghi trong hợp đồng hoặc khối lượng phát sinh chưa có đơn giá trong hợp đồng thì các bên thống nhất xác định đơn giá mới theo nguyên tắc đã thỏa thuận trong hợp đồng về đơn giá cho các khối lượng này để thanh toán.” Do đó, đối với những khối lượng công tác đã có trong hợp đồng nhưng khối lượng thực tế thực hiện lớn hơn 20% so với khối lượng trong hợp đồng đã ký thì các bên căn cứ vào điểm a khoản 9.3 Điều 9 Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 20/2016/HĐ-XD để thực hiện.


Trung tâm Thông tin

Nguồn: Công văn 360/BXD-KTXD.

Tài liệu đính kèm bài viết
BXD_360-BXD-KTXD_28022019.signed.pdfTải về
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)