Dự Hội thảo có TS. Samantha Stratton-Short – Phó Giám đốc Tổ chức phát triển quốc tế (ARUP); TS. Michael Digregorio – Trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam (TAF) và đông đảo chuyên gia trong nước, quốc tế, đại diện các thành phố tham gia Dự án.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm chia sẻ các kết quả của Dự án VN-CRI, đánh giá những yếu tố thuận lợi, khó khăn trong quá trình xây dựng Bộ chỉ số VN-CRI cho Việt Nam, đồng thời đúc rút bài học kinh nghiệm và định hướng áp dụng Bộ chỉ số VN-CRI trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bà Trần Thị Lan Anh cho biết, ngày 31/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2623/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020" (viết tắt là Đề án), giao Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh/thành phố triển khai thực hiện Đề án.
Cục Phát triển đô thị được Bộ Xây dựng giao là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Đề án. Căn cứ các nhiệm vụ của Đề án, đồng thời để tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế tiến hành nghiên cứu khoa học về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu và triển khai thí điểm tại địa phương, Cục Phát triển đô thị đã phối hợp với Quỹ châu Á và Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội triển khai Dự án VN-CRI.
TS. Michael Digregorio – Trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo
Mục tiêu của Dự án là xây dựng và thử nghiệm chỉ số phục hồi đô thị (CRI), nhằm hỗ trợ các cơ quan chính quyền cấp địa phương và Trung ương tại Việt Nam nâng cao hiểu biết trong việc đánh giá, giám sát và tăng cường khả năng phục hồi biến đổi khí hậu. Quỹ Châu Á đưa ra Lý thuyết về sự thay đổi, theo đó, bằng cách thiết lập VN-CRI trong bối cảnh phù hợp với nhiệm vụ của Bộ Xây dựng, các cơ quan Trung ương và địa phương sẽ được trang bị kiến thức tốt hơn để hiểu biết, đánh giá và giám sát hiệu quả khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của đô thị. Hơn nữa, bằng cách tích hợp các chỉ số với các quy định pháp luật, Dự án sẽ khuyến khích các cơ quan địa phương lồng ghép nội dung phục hồi biến đổi khí hậu vào quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị một cách có hiệu quả.
Dự án VN-CRI được triển khai từ năm 2015, trong giai đoạn 1, Dự án xây dựng Bộ chỉ số VN-CRI và phương pháp thu thập số liệu tại các địa phương, tổ chức 3 đợt tập huấn cho 136 học viên là cán bộ đến từ UBND các thành phố/thị xã, Sở Xây dựng, các Sở, ngành liên quan và áp dụng thí điểm Bộ chỉ số tại 5 đô thị trên cả nước gồm: TP Lào Cai, TP Quảng Ninh, TP Hội An, TX Gia Nghĩa, TP Cà Mau.
Toàn cảnh Hội thảo
Giai đoạn 2, Dự án đã triển khai các hoạt động: Nghiên cứu, tham vấn ý kiến các bên liên quan về kế hoạch nhân rộng bộ chỉ số; tổ chức 3 khóa tập huấn (Bắc, Trung, Nam) với gần 60 học viên đến từ Sở Xây dựng, UBND thành phố/thị xã của 28 đô thị nhân rộng thuộc danh mục Quyết định số 2623/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng Báo cáo đánh giá khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của các đô thị và rà soát khuyến nghị lồng ghép vào Hệ thống chỉ tiêu về quản lý phát triển đô thị. Hiện nay, Dự án đang bước vào giai đoạn 3, giai đoạn nhân rộng và phát triển.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Michael Digregorio – Trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam: Trước khi đưa Bộ chỉ số CRI áp dụng ở Việt Nam, chúng tôi đã dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, xác định những dữ liệu, biến số cần lựa chọn, phân tích dữ liệu nào phù hợp, dữ liệu nào không. Sau khi đã xây dựng xong Bộ chỉ số CRI dành riêng cho Việt Nam, chúng tôi tiếp tục tiếp thu góp ý từ các địa phương, các đơn vị liên quan và ý kiến học viên trong quá trình tập huấn để hoàn thiện Bộ chỉ số, đảm bảo sự phù hợp tối đa và mang tính khả thi cao nhất trong điều kiện thực tế Việt Nam.
Trần Đình Hà