Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, Đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh trong giai đoạn 2014 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 2015, trong đó đề ra giải pháp nghiên cứu, hợp tác với các nước phát triển trong việc áp dụng áp dụng và làm chủ các công nghệ và kỹ thuật hiện đại trong khoa học quản lý xây dựng và kinh tế xây dựng; ứng dụng mô hình thông tin công trình, ứng dụng phần mềm thiết kế, xây dựng ảo (VDC). Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án áp dụng mô hình BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình (Quyết định 2500 ngày 22/12/2016), trong đó đưa ra quan điểm Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các chủ thể liên quan đến hoạt động xây dựng áp dụng mô hình BIM, thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm nguồn lực trong hoạt động xây dựng, quản lý và vận hành công trình. Thông qua áp dụng mô hình BIM, có thể tiết kiệm được chi phí xây dựng, rút ngắn thời gian thi công xây dựng, giảm đáng kể việc điều chỉnh thiết kế, tăng cường tính minh bạch…
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cũng cho biết, trong giai đoạn 2017-2019, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Đề án áp dụng mô hình BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình, trong đó tập trung vào các hoạt động thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng hành lang pháp lý, xây dựng các hướng dẫn áp dụng BIM, xây dựng chương trình khung và đào tạo; trong giai đoạn 2018-2020 sẽ thí điểm áp dụng mô hình BIM trong thiết kế, thi công, quản lý dự án cho tối thiểu 20 công trình xây dựng mới và thí điểm áp dụng BIM cho quản lý vận hành 10 công trình quan trọng.
Trình bày tham luận "BIM trong quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị", Th.S Võ Thanh Tùng - Chủ tịch Hội Tin học Xây dựng Việt Nam cho biết, quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị là một công việc phức tạp và là nhiệm vụ quan trọng của các chính quyền đô thị. Công tác quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị bắt đầu từ quy hoạch, tiếp theo là đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, vận hành, duy tu bảo dưỡng. Việc áp dụng BIM sẽ cho phép quản lý thông tin về hệ thống hạ tầng kỹ thuật từ thông tin quy hoạch đến quản lý tài sản, tích hợp được thông tin từ nhiều nguồn dữ liệu, là nguồn dữ liệu quan trọng để phục vụ cho việc xây dựng đô thị thông minh.
Theo ông Vũ Thành Công - Công ty cổ phần công nghệ phần mềm Hài Hòa, quản lý hạ tầng kỹ thuật bao gồm quản lý toàn bộ vòng đời của sản phẩm từ quy hoạch đến thiết kế, thi công, vận hành công trình. BIM về bản chất nhằm mục đích trao đổi thông tin, đòi hỏi chất lượng thông tin, quy trình thông tin và chuẩn hóa thông tin. Tuy nhiên, không có quy trình BIM thì không có BIM. Do đó, hệ thống BIM nhấn mạnh đến quản lý quy trình, đòi hỏi sự tuân thủ quy trình, các công cụ quản lý quy trình cũng như bản thân quy trình phải được tối ưu hóa liên tục. Công ty Hài Hòa cũng đã giới hiệu các giải pháp phần mềm là sản phẩm do công ty phát triển áp dụng cho phần lớn các công đoạn của quy trình BIM.
Về những khó khăn, thách thức khi áp dụng BIM trong thực tiễn triển khai một số dự án tại Việt Nam, ông Phạm Ngọc Sáu - Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay đã có một số dự án được triển khai và áp dụng mô hình BIM, tuy nhiên do đang trong giai đoạn nghiên cứu thí điểm nên gặp một số khó khăn như chưa có tiêu chuẩn BIM thống nhất, dẫn đến việc vừa xây dựng mô hình, vừa xây dựng quy trình làm việc, vừa xây dựng thư viện template làm cho thời gian thực hiện bước mô hình chậm hơn so với cách làm truyền thống. Bên cạnh đó, để xây dựng đội ngũ BIM đòi hỏi phải có đầu tư về máy tính, máy chủ, đào tạo nhân lực. Việc nghiên cứu BIM hiện mới mang tính tự phát tại các công ty tư vấn thiết kế, chưa được sự quan tâm nhiều từ phía chủ đầu tư, nhà thầu thi công. Do nghiên cứu tự phát, nên khi xây dựng quy trình sẽ có nhiều khác biệt, dẫn đến khó có thể thống nhất giữa các đơn vị nếu cùng tham gia chung trong một dự án.
Một khó khăn khác là do công nghệ thi công hiện tại chủ yếu phụ thuộc vào bản vẽ 2D, nên mô hình 3D dựng xong lại phải chiết xuất thành bản vẽ 2D, khiến cho thời gian xuất hồ sơ không nhanh hơn so với cách làm truyền thống. Mặt khác, các công trình vốn ngân sách bắt buộc phải áp dụng định mức nhà nước nên việc bóc khối lượng từ mô hình 3D không đáp ứng được, đa số các hạng mục khối lượng phải tính thủ công. Việc áp giá cho các công tác cũng tương tự, nên khi thực hiện bước tiến độ (4D) và chi phí (5D) sẽ không phù hợp và phải chia nhỏ công tác ra…
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Mai Thị Liên Hương phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng cho biết, việc xây dựng và quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dựa trên nền tảng công nghệ là xu hướng tất yếu, và ứng dụng hệ thống BIM trong quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị là yếu tố quan trọng để hình thành thành phố thông minh, nơi mà hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền đóng vai trò hết sức quan trọng, là trung tâm, mang lại hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển kinh tế xã hội.
PGS.TS. Mai Thị Liên Hương cũng bày tỏ mong muốn, thông qua Hội thảo này, các đại biểu tham dự sẽ thu nhận được những thông tin bổ ích về các khả năng cũng như lợi ích của việc ứng dụng BIM trong quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị nói riêng, và trong hoạt động xây dựng nói chung./.
Toàn cảnh Hội thảo
Minh Tuấn