Báo cáo tại Hội nghị, ThS. Nguyễn Sơn Lâm - Viện Khoa học Công nghệ xây dựng, chủ trì đề tài, cho biết: Do yêu cầu của hội nhập, các tiêu chuẩn của Việt Nam cần chuyển dịch theo hướng hài hòa với thế giới và các nước trong khu vực, do đó việc chuyển dịch theo hướng tiêu chuẩn ISO là cần thiết. Các tiêu chuẩn của những nước châu Âu như: Anh, Pháp, Đức… đều được biên soạn dựa trên nền tảng Tiêu chuẩn ISO.
Bộ Tiêu chuẩn ISO 140 có nhiều phần, bao gồm: Yêu cầu đối với phòng thí nghiệm đo hệ số cách âm; xác định và áp dụng số liệu đo chính xác; các phép đo trong phòng thí nghiệm về cách âm không khí của cấu kiện xây dựng; các phép đo hiện trường cách âm không khí giữa các phòng; các phép đo hiện trường cách âm không khí của cấu kiện mặt tiền và mặt tiền công trình; các phép đo trong phòng thí nghiệm hệ số cách âm va chạm; các phép đo hiện trường cách âm va chạm giữa các tầng; các phép đo trong phòng thí nghiệm mức giảm âm va chạm truyền qua do lớp phủ trờn bề mặt sàn cứng tiêu chuẩn; các phép đo trong phòng thí nghiệm cách âm không khí từ phòng sang phòng của trần treo; các phép đo trong phòng thí nghiệm cách âm không khí của cấu kiện nhỏ.
Phần 14: Hướng dẫn đo trong các trường hợp đặc biệt tại hiện trường quy định các phép đo hiện trường cách âm không khí và va chạm. Đây là phần bổ sung cho các phần ISO 140 - 4 (các phép đo hiện trường cách âm không khí giữa các phòng) và ISO 140 - 7 (các phép đo hiện trường cách âm va chạm giữa các tầng), do các phần ISO 140 - 4 và ISO 140 - 7 mới chỉ đưa ra các quy trình đo hiện trường cách âm không khí và và chạm trong điều kiện lý tưởng cho các phòng có quy mô là phòng ở thông thường, còn đối với các phòng có diện tích lớn, dài và hẹp, khu cầu thang… thì chưa có hướng dẫn cụ thể. Tiêu chuẩn này được áp dụng cho các phép đo trong các phòng của nhà ở riêng lẻ, trường học, khách sạn… có khối tích nhỏ hơn 250m3, nhưng không mang tính bắt buộc sử dụng với các phép đo tuân theo ISO 140 - 4 và ISO 140 - 7, trừ khi được yêu cầu sử dụng.
Mục đích của việc chuyển dịch Tiêu chuẩn ISO sang tiếng Việt nhằm đồng hóa bộ tiêu chuẩn Việt Nam với các tiêu chuẩn nước ngoài và thống nhất về thuật ngữ sử dụng. Đây là nhiệm vụ tiếp nối các nhiệm vụ đang triển khai nhằm biên soạn trọn vẹn bộ tiêu chuẩn bao quát toàn bộ lĩnh vực đo cách âm cho công trình và cấu kiện trong phòng thí nghiệm và hiện trường.
Tại Hội nghị, các chuyên gia phản biện, các thành viên Hội đồng KHCN Bộ Xây dựng đánh giá cao sự cần thiết của đề tài, đồng thời đưa ra những góp ý, nhận xét giúp nhóm tác giả hoàn chỉnh dự thảo, đặc biệt là việc chuyển ngữ cần được chú ý Việt hóa để người đọc dễ hiểu, dễ áp dụng, sử dụng thuật ngữ chuyên ngành một cách chính xác hơn nữa, cũng như lưu ý khoảng cách, kích thước trong các biểu đồ minh họa.
Kệt luận tại Hội nghị, ông Hoàng Quang Nhu đánh giá đề tài đã thực hiện đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ được giao và đạt kết quả tốt. Nhóm tác giả có nhiều cố gắng trong việc chuyển dịch, diễn đạt từ bản gốc sang tiếng Việt. Ông Hoàng Quang Nhu yêu cầu nhóm tác giả tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các chuyên gia phản biện, các thành viên Hội đồng KHCN Bộ Xây dựng để sớm hoàn chỉnh dự thảo, gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, ban hành.
Hội đồng KHCN Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu Tiêu chuẩn Âm học - Đo cách âm trong các công trình xây dựng và cấu kiện xây dựng - phần 14: Hướng dẫn đo trong các trường hợp đặc biệt tại hiện trường, với điểm số đạt loại Khá.
Trần Đình Hà