Bộ Xây dựng nghiệm thu Dự thảo TCVN…:2016 của Trường Đại học Xây dựng

Thứ sáu, 21/10/2016 18:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 21/10/2016, Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu Dự thảo TCVN… :2016 về Gia cố nền đất yếu – phương pháp gia cố nông toàn khối, mã số TC 78-16 do Trường Xây dựng thực hiện. TS. Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường, Bộ Xây dựng Đại học làm Chủ tịch Hội đồng.  

Toàn cảnh cuộc họp của Hội đồng

PGS.TS Hoàng Tùng - chủ nhiệm dự án, cho biết, Việt Nam là quốc gia có nhiều vùng đất yếu, nhất là lưu vực sông Hồng và sông Mê Kông, các vùng trầm tích trẻ vùng duyên hải. Đặc điểm địa chất của các vùng đất yếu này cũng rất khác nhau, dẫn đến việc sử dụng các biện pháp gia cố đất truyền thống (trụ xi măng đất, giếng cát, bấc thấm) gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải sử dụng nhiều chất kết dính và vật liệu tự nhiên (cát) vốn đã và đang rất khan hiếm. Trước thực trạng đó, việc nghiên cứu áp dụng công nghệ gia cố nông và việc biên soạn tiêu chuẩn Gia cố nền đất yếu - Phương pháp gia cố nông toàn khối là rất cần thiết.

Theo TS. Hoàng Tùng, công nghệ xử lý nền đất yếu theo phương pháp ổn định toàn khối đã được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu, và đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong lĩnh vực xây dựng của các quốc gia này. Công nghệ gia cố nông, xử lý nền đất yếu theo phương pháp ổn định toàn khối sẽ giúp phần cải tạo, biến đổi nền đất bùn, đất yếu thành nền đất có cường độ cao, khắc phục được hiện tượng sụt lún, chịu được tải trọng của các dạng công trình khác nhau từ các công trình xây dựng dân dụng cho đến các công trình giao thông, sân bay, cầu cảng… Công nghệ này giúp tận dụng đất bùn phế thải, là loại đất chỉ có thể đổ bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường, thành một loại đất mới có thể sử dụng được làm nền và móng cho công trình xây dựng. Ngoài ra, đối với các loại đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, hoặc bị ô nhiễm, sử dụng công nghệ này cũng góp phần giúp cải tạo và khai thác những loại đất đó một cách có hiệu quả. Công nghệ này còn góp phần bảo vệ môi trường do tận dụng phế thải của các ngành công nghiệp khác như tro bay, xỉ than của các nhà máy nhiệt điện làm chất phụ gia, kết dính để sử dụng cho chính việc xử lý nền đất yếu này.

Dự thảo tiêu chuẩn gồm 08 phần chính. Ngoài các phần như phạm vi áp dụng, tài liệu viện dẫn, thuật ngữ định nghĩa, quy định chung, nhóm biên soạn đã tập trung đi sâu vào các nội dung chuyên môn: Thiết kế gia cố nông toàn khối; Trình tự thi công gia cố nông; Quản lý chất lượng, kiểm tra và nghiệm thu; Các biện pháp an toàn lao động. Dự thảo tiêu chuẩn quy định những yêu cầu kỹ thuật về thiết kế, thi công và nghiệm thu phương pháp gia cố nông dung để xử lý – gia cố nền đất yếu trong xây dựng nhà ở và công trình có tải trọng nhẹ, khối đắp,…với chiều sâu xử lý từ 2-8m; trong trường hợp chiều sâu đất yếu lớn hơn cần phải kết hợp với các giải pháp gia cố khác. Công nghệ thi công xét đến trong tiêu chuẩn là công nghệ trộn toàn khối. Hệ thống máy thi công bao gồm thiết bị trộn được ghép với máy đào và hệ thống bơm vữa áp lực cao.

Nhận xét về Dự thảo, các ủy viên phản biện và các thành viên của Hội đồng nhất trí về sự cần thiết biên soạn tiêu chuẩn này, đánh giá nội dung Dự thảo tiêu chuẩn được biên soạn phù hợp với mục tiêu đề ra, kết cấu, bố cục của Dự thảo tuân thủ đúng quy định của văn bản tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đóng góp một số ý kiến về thuật ngữ, định nghĩa, văn phong, về một số nội dung cần bổ sung hoặc lược bỏ để nhóm thực hiện có hoàn thiện Dự thảo.

Kết luận cuộc họp, TS. Lê Trung Thành lưu ý nhóm biên soạn tiếp thu, chỉnh sửa Dự thảo theo các ý kiến đóng góp của Hội đồng trình Bộ Xây dựng để gửi Bộ Khoa học - Công nghệ thẩm định và ban hành tiêu chuẩn.

Dự thảo được Hội đồng thông qua, kết quả bỏ phiếu xếp loại xuất sắc.


Hoàng Hạnh

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)