Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam ngày càng phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, sự tăng nhanh về số lượng các đô thị cùng với quy mô dân số lại chưa tương xứng với chất lượng sống của người dân ở chính các đô thị đó. Trên thực tế, không ít đô thị ở Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, thiếu không gian xanh.
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho biết thêm: Trong những năm qua, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng triển khai rà soát điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây là 2 đô thị có mật độ đô thị hóa, mật đô dân số cao, đã tác động rất lớn đến giao thông công cộng, khiến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn thiếu những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, do vấn đề quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu tính kết nối, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, thiếu nguồn lực đầu tư, văn hóa giao thông công cộng còn hạn chế.
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh bày tỏ mong muốn, Hội thảo quốc tế về giao thông công cộng hướng tới phát triển đô thị xanh, bền vững là dịp để các nhà quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá và tìm ra mô hình phát triển giao thông phù hợp với tình hình của các đô thị ở Việt Nam hiện nay, qua đó đề ra những giải pháp phát triển hệ thống giao thông công cộng, hướng tới phát triển đô thị xanh, bền vững cho các đô thị.
Quang cảnh Hội thảo
Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị Chính phủ cần có những chỉ đạo: Điều chỉnh nội dung và quy trình lập quy hoạch đô thị, đảm bảo khả năng tích hợp giữa các bộ phận quy hoạch đô thị trên nền tảng quy hoạch phát triển giao thông vận tải đô thị; ban hành các văn bản pháp quy để thể chế hóa những ưu tiên đối với các chương trình, dự án phát triển giao thông vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng thân thiện với môi trường; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chuẩn và tiêu chuẩn thiết kế đường bộ đô thị trong đó quy định cụ thể quyền ưu tiên về sử dụng cơ sở hạ tầng đường bộ cho xe buýt công cộng; ban hành quy định văn bản về hệ thống vận tải hành khách công cộng đô thị đa phương thức cùng các hướng dẫn, định mức chi phí cụ thể về lập quy hoạch giao thông vận tải nói chung cũng như lập quy hoạch và lập dự án đầu tư vận tải hành khách công cộng đô thị.
Bên cạnh đó, ông Khuất Việt Hùng cũng đưa ra các kiến nghị đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần khẳng định chủ trương lấy phát triển vận tải hành khách công cộng là khâu trung tâm trong hệ thống giao thông vận tải đô thị, nhanh chóng lập quy hoạch tổng thể phát triển vận tải hành khách công cộng thành phố đến năm 2030, đồng thời hoàn thiện bộ khung chính sách phát triển giao thông vận tải đô thị trên cơ sở vận tải hành khách công cộng và phát triển các cơ chế, công cụ cần thiết đảm bảo khả năng thẩm định, kiểm tra và giám sát mối quan hệ giữa các dự án với mục tiêu và tầm nhìn phát triển đô thị dài hạn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển giao thông công cộng hướng tới phát triển xanh, bền vững như: Trao đổi về hiện trạng giao thông đô thị Việt Nam hiện nay; những hạn chế khiến giao thông cộng cộng ở Việt Nam chưa phát triển đúng kỳ vọng; định hướng phát triển giao thông công cộng tại các thành phố lớn của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng nhìn từ công tác quy hoạch xây dựng; áp dụng kinh nghiệp quốc tế cho các đô thị của Việt Nam trong việc phát triển xe buýt nhanh, đồng thời đề xuất những kiến nghị, giải pháp để vận tải công cộng thực sự gần gũi với người dân, hướng tới phát triển đô thị xanh, bền vững.
Trần Đình Hà