Về phía Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Đỗ Đức Duy đã có bài tham luận nhấn mạnh vai trò của công tác quy hoạch và phát triển đô thị vùng ĐBSCL.
Tại hội thảo, các tham luận của các Bộ, ngành đã tập trung nêu rõ những thế mạnh, tiềm năng, những thành tựu đã đặt được trong phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL, đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập và đưa ra những quan điểm định hướng, giải pháp cụ thể trên cơ sở định hướng phát triển vai trò, vị trí của vùng nhằm thúc đẩy sự tăng trường kinh tế- xã hội toàn vùng. Mặc dù đóng góp gần 16% cho GDP cả nước, nhưng tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước cho địa phương chỉ chiếm 10% tổng chi đầu tư cả nước, thấp nhất so với các vùng khác. Kết cấu và quy mô vùng còn nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững; chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Ngoại trừ TP Cần Thơ, các tỉnh còn lại thu ngân sách chưa đáp ứng nhu cầu chi; chưa xác định rõ sản phẩm chủ lực; xây dựng nông nghiệp công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa còn nhiều khó khăn, chưa gắn kết được chuỗi giá trị cho nông sản; môi trường và cơ chế chính sách đầu tư chưa thực sự hấp dẫn để thu hút đầu tư (số dự án và số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn vùng chỉ chiếm khoảng 5% so với cả nước). Ngoài ra, kết cấu hạ tầng còn yếu và thiếu, chưa đồng bộ (70% khối lượng hàng hóa vẫn phải nhập qua TP Hồ Chí Minh dẫn tới chi phí vận tải tăng cao); chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế (tỷ lệ lao động được đào tạo mới chỉ 45,72%, thấp hơn mức trung bình cả nước);…
Toàn cảnh Hội thảo
Giai đoạn 2016-2020, ĐBSCL cũng đưa ra một số chỉ tiêu cơ bản như tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 10,5%/năm; GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 10,3 tỷ USD. Về công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản hướng vào xuất khẩu; công nghiệp điện và năng lượng, phát triển điện sinh khối; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%,… Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 9.300 USD…
Tham luận tại hội thảo,Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho rằng, phát triển đô thị là phương thức và là động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, mỗi khu vực, mỗi vùng miền. Đây là xu thế tất yếu của cả nước nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Chính vì vậy, phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm thành phố Cần Thơ, tỉnh Cà Mau, tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang cần phải được xem xét trong bối cảnh liên kết chung của toàn vùng trên cơ sở hệ thống các đô thị là các động lực phát triển
Đến nay, vùng ĐBSCL đã có 161 đô thị, trong đó có có 1 đô thị loại I trực thuộc TW, 17 đô thị loại II, III, 22 đô thị loại IV. Trong đó, từ năm 2009 đến nay, đã có 5 đô thị được thẩm định, nâng loại lên đô thj loại II, 3 đô thị nâng lên đô thị loại III và 18 đô thị nâng lên đô thị loại IV. Phân bố đô thị tương đối đồng đều, gắn với các hành lang giao thông thủy, bộ. Tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt 26,4% tăng 2,5% so với năm 2010 . Tốc độ tăng dân số đô thị vùng Kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL hàng năm cao hơn tốc độ tăng dân số đô thị của toàn vùng ĐBSCL và bình quân của cả nước
Nhấn mạnh yêu cầu cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và phát triển đô thị, theo Thứ trưởng Đỗ Đức Duy, trên cơ sở quy hoạch được duyệt mỗi đô thị trong vùng cần xác định rõ định hướng phát triển trong mối tương quan tổng thể quy hoạch vùng tỉnh và toàn vùng. Từ đó, xây dựng Chương trình phát triển đô thị, hình thành các khu vực phát triển đô thị với kế hoạch thực hiện cụ thể trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, từ đó mới xác định các dự án cụ thể để ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư đảm bảo đồng bộ theo lộ trình.
Thứ trưởng Đỗ Đức Duy cũng cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nghiên cứu, tổ chức các hội thảo tham vấn trong nước và quốc tế để lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng các yêu cầu quản lý và phát triển trong giai đoạn mới; Tiếp tục xúc tiến và hỗ trợ các địa phương tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, nguồn vốn ODA để thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng để rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; triển khai các chương trình, dự án cấp quốc gia và cấp vùng về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, thực hiện các chương trình phát triển nhà ở trọng điểm.
Quý Anh