Hội nghị góp ý kiến cho Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050

Thứ sáu, 21/03/2014 15:48
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 21/3/2014 tại Trụ sở cơ quan Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị góp ý kiến cho Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng và Văn phòng Bộ Xây dựng, các chuyên gia đến từ các Hội, Hiệp hội chuyên ngành. Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh có ông Đỗ Thông – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo các Sở ngành và 14 thành phố, thị xã, huyện trực thuộc tỉnh Quảng Ninh và các chuyên gia của đơn vị tư vấn lập quy hoạch Nikken Seikkei (Nhật Bản).

Báo cáo về nội dung của Đồ án, đại diện đơn vị tư vấn Nikken Seikkei cho biết, Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050 được lập cho toàn bộ địa giới tỉnh Quảng Ninh với diện tích khoảng 6.100km2 trải dài trên hơn 250km bờ biển. Trên cơ sở đánh giá các điều kiện tự nhiên, hiện trạng và rà soát quy hoạch của các dự án liên quan cho thấy, về điều kiện và nguồn lực phát triển vùng, tỉnh Quảng Ninh có những thế mạnh về vị trí chiến lược và quỹ đất đa dạng, giàu tài nguyên khoáng sản, có tài nguyên du lịch phong phú và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển du lịch. Tuy nhiên, điểm yếu của Quảng Ninh là quỹ đất thuận lợi cho xây dựng hạn chế, lực lượng lao động lớn nhưng chất lượng còn thấp, hệ thống hạ tầng còn thiếu đồng bộ, chưa thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường. Về cơ hội, hiện nay Việt Nam cũng như Quảng Ninh đang tham gia các tổ chức kinh tế thế giới có thế mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Bên cạnh đó, chính sách thu hút đầu tư ưu tiên cho phát triển hạ tầng và các chiến lược phát triển xanh, bảo vệ môi trường của Chính phủ là cơ hội mà Quảng Ninh cần phải nắm bắt để phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội. Về thách thức, sự bất ổn về kinh tế và cạnh tranh của các nước trong khu vực là những ảnh hưởng không nhỏ đối với Quảng Ninh. Ngoài ra, Quảng Ninh là một tỉnh có hơn 250 km bờ biển nên còn chịu những tác động của biến đối khí hậu toàn cầu và nước biển dâng.
 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thông phát biểu tại Hội nghị



Trên cơ sở vị trí, điều kiện tự nhiên và đánh giá tổng hợp đất đai, tư vấn Nikken Seikkei đã xây dựng các mục tiêu phát triển của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đồ án đã cụ thể hóa các mục tiêu trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Quảng Ninh để đưa ra định hướng phát triển không gian cho định hướng phát triển Quảng Ninh đến năm 2030 trở thành một tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những đầu tàu phát triển của miền Bắc và cả nước, tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thực hiện giảm nghèo bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu-nghèo, giữ gìn và phát huy tối đa bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy bền vững di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Đến năm 2050 và ngoài 2050, tỉnh Quảng Ninh sẽ trở là một đô thị lớn mang tầm vóc quốc tế, vùng động lực phát triển kinh tế quốc gia với định hướng phát triển du lịch - công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; vùng di sản thiên nhiên văn hóa - lịch sử quốc tế, kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Về các chỉ tiêu dự báo phát triển vùng đến năm 2030 và 2050, đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có GDP bình quân là 20.000USD, dân số 1.990.000 người, tỷ lệ đô thị hóa 77%, diện tích phát triển công nghiệp ưu tiên 9.000ha, diện tích đất đô thị mới khoảng 10.000ha,

Dựa trên các chỉ tiêu dự báo phát triển vùng và mô hình phát triển liên vùng “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai điểm đột phá”, tư vấn Nikken Seikkei đã đề xuất định hướng phát triển không gian cho tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 sẽ gồm 1 vùng đô thị trung tâm, 4 tiểu vùng độc lập, 2 vành đai, 1 phân khu rừng và 1 phân khu biển.

Vùng đô thị trung tâm của Quảng Ninh – vùng đô thị Hạ Long - bao gồm thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và huyện Hoành Bồ. Đây sẽ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả tỉnh, là vùng phát triển mạnh với thế mạnh khai thác than, phát triển công nghiệp cảng biển và công nghiệp hỗ trợ cảng biển, du lịch biển, là nơi tập trung hàng hóa, thương mại, dịch vụ, giao lưu quốc tế của tỉnh Quảng Ninh.

Các tiểu vùng bao gồm: Tiểu vùng các Khu kinh tế cửa khẩu với Trung Quốc; Tiểu vùng Khu Kinh tế Vân Đồn và huyện đảo Cô Tô; Tiểu vùng phía Tây với thành phố Uông Bí là trung tâm; Tiểu vùng phía Bắc với huyện Tiên Yên là trung tâm.

Hai vành đai phát triển bảo gồm vành đai phát triển công nghiệp – đô thị và vành đai cảnh quan và du lịch biển xuyên suốt từ Tây sang Đông.

Phân khu rừng bao gồm khu vực rừng bảo tồn, rừng đặc dụng, rừng sản xuất, rừng đầu nguồn ở phía Bắc tỉnh Quảng Ninh, là các khu thiên nhiên có cảnh quan phong phú, nhiều khu du lịch văn hóa – lịch sử quan trọng; Phân khu biển bao gồm vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, hệ thống các đảo với cảnh quan phong phú, hấp dẫn khách du lịch.

Để thực hiện các mục tiêu và định hướng phát triển vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong Đồ án này, đơn vị tư vấn đã đề xuất cụ thể các chiến lược phát triển về công nghiệp và xây dựng, thương mại – dịch vụ và du lịch, nông lâm – thủy sản, đô thị và nông thôn, quy hoạch bảo tồn và phát triển không gian biển, định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật cho từng tiểu vùng, các dự án ưu tiên đầu tư và biện pháp quản lý và thực hiện quy hoạch.

Phát biểu đóng góp ý kiến cho Đồ án, các chuyên gia và đại biểu tham dự Hội nghị đều đánh giá cao sự nghiêm túc, khoa học và công phu của đơn vị tư vấn trong dự án nghiên cứu lập Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050. Các ý kiến phát biểu bày tỏ tán thành với các nội dung của Đồ án, đáp ứng được yêu cầu của Nhiệm vụ lập Đồ án đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, cập nhật đầy đủ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ninh, Đồ án quy hoạch vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là công cụ quản lý giúp tỉnh Quảng Ninh phát triển bền vững trong tương lai và thu hút các nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, các ý kiến phát biểu cũng lưu ý đơn vị tư vấn và tỉnh Quảng Ninh cần bổ sung vào Đồ án các giải pháp cho vấn đề bảo vệ các hệ sinh thái đặc thù – các hệ sinh thái biển, đảo, hải đảo, nông thôn, dân tộc ít người…; việc chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh” là một xu thế và cần phải có những giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể; xác định quỹ đất dự trữ cho phát triển, bổ sung các liên kết ngang và xác định các mục tiêu ưu tiên….

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh Quảng Ninh đối với công tác quy hoạch nói chung và đối với Đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh này nói riêng. Đồng thời, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng đánh giá, Đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050 do tư vấn Nikken Seikkei lập đã có phương pháp tiếp cận khoa học, nghiên cứu nghiêm túc và công phu, nội dung phong phú, gắn kết giữa lý luận và thực tiễn để đưa ra một Đồ án quy hoạch có sức sống.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng nhất trí với các ý kiến phát biểu của các chuyên gia, đại biểu dự Hội nghị, và đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp với Vụ Kiến trúc Quy hoạch Bộ Xây dựng tiếp thu và hoàn thiện các vấn đề về kỹ thuật, làm rõ các dự báo về tình hình thế giới và khu vực trong tương lai mà có ảnh hưởng đến sự phát triển của Quảng Ninh, không chỉ về kinh tế - xã hội mà còn về quốc phòng – an ninh. Bên cạnh đó, đồ án cần đưa ra các giải pháp cụ thể và lộ trình chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”; chú ý tránh việc phát triển nóng làm xâm phạm hoặc ảnh hưởng đến việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên vịnh Hạ Long và các hệ sinh thái đặc thù,;quy định rõ các yêu cầu bảo vệ, khai thác rừng và biển; có giải pháp đối với khu vực dân cư nông thôn sinh sống ổn định, lâu dài; nghiên cứu thêm các mục tiêu ưu tiên để cân đối nguồn lực đầu tư phát triển…

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, đồ án này sau khi được bổ sung, hoàn thiện và được phê duyệt, ban hành sẽ là một công cụ quản lý tốt đối với các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh Quảng Ninh, giúp cho tỉnh khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững./.
 

Minh Tuấn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)