Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh: “Sau hơn 5 năm thực hiện với sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các địa phương, Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL giai đoạn 2 đã đạt được kết quả tương đối tốt. Đến nay, công tác tôn nền đạt trên trên 95%, xây dựng hạ tầng thiết yếu đạt trên 80%, xây dựng nhà ở và bố trí dân vào ở đạt 70% so với kế hoạch đề ra. Như vậy, các mục tiêu chủ yếu của Chương trình đã cơ bản hoàn thành. Nhiều hộ dân trong khu vực ngập lũ và sạt lở đã được di dời vào ở trong các cụm, tuyến dân cư an toàn, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội phát triển kinh tế địa phương”.
Theo báo cáo, giai đoạn này được triển khai tại 8 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu long từ năm 2008. Trên 24.000 hộ dân trong khu vực ngập lũ và sạt lở đã được di dời vào ở trong các cụm, tuyến dân cư, đồng thời hơn 16.000 hộ dân được đảm bảo an toàn trong các bờ bao đã hoàn thành.
Nhờ vậy, thiệt hại do lũ, lụt gây ra hàng năm đã được giảm thiểu, đặc biệt là trong trận lũ lớn năm 2011 đã không gây thiệt hại đáng kể nào cho những hộ dân đã vào ở trong cụm, tuyến dân cư.
Giai đoạn 2, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu long xây dựng 188 dự án, trong đó có 139 cụm, tuyến và 49 bờ bao. Công tác tôn nền đắp bờ bao đạt trên 95%, xây dựng đường giao thông nội bộ trong cụm, tuyến dân cư đạt 85%, công trình thoát nước thải đạt 86%,cấp nước sạch đạt 77%, điện 87%... Chính vì vậy dân đã vào ở đạt trên 74%, trong đó có trên 24.000 hộ dân vào ở trong cụm, tuyến và gần 17.000 hộ dân được đảm bảo an toàn trong các bờ bao đã hoàn thành.
Toàn cảnh giao ban kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 tại tỉnh Đồng Tháp ngày 21/3/2014.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ đã giúp các tỉnh góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế địa phương.
Đây là chương trình có quy mô lớn, thực hiện triển khai trong nhiều tỉnh với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp các ngành và địa phương. Hội nghị kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện chương trình là dịp để các tỉnh cùng nhìn lại kết quả đạt được, qua đây cùng chia sẽ kinh nghiệm, học tập để cùng giúp nhau phát triển, ổn định kinh tế.
Trong quá trình triển khai, nhiều tỉnh đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện sớm, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên không làm tăng giá thành tôn nền. Điển hình như Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang...
Do giá thành tôn nền thấp nên sau khi hoàn thành đủ diện tích cho số hộ dân theo kế hoạch vào ở, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang vẫn chưa sử dụng hết số vốn ngân sách trung ương cấp nên đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép sử dụng số vốn chưa sử dụng hết để đầu tư mở rộng diện tích tôn nền trong cụm, tuyến dân cư.
Đánh giá nguyên nhân dẫn đến chương trình triển khai chậm, ông Vũ Xuân Thiện, Cục phó Cục quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Giá bồi thường giải phóng mặt bằng, giá vật liệu, nhân công tăng cao trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các dự án.
Việc bố trí vốn từ Ngân sách trung ương cho các địa phương chưa kịp thời nên các địa phương chậm có vốn để thực hiện; Vốn vay để kè chống sạt lở các cụm, tuyến và để xây dựng bãi rác có lãi suất cao nên các địa phương chưa muốn vay để thực hiện; Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành với các huyện chưa chặt chẽ và chưa đạt được hiệu quả cao tại một số địa phương, còn tình trạng phải chờ đợi, mất nhiều thời gian trong việc xem xét, phê duyệt các thủ tục.
Đặc biệt là chậm tính toán, công bố giá nền; Việc khảo sát, chọn địa điểm chưa kỹ, chưa thực hiện tốt khâu quy hoạch, nên một số địa phương phải chuyển đổi vị trí xây dựng cụm, tuyến nên tốn nhiều thời gian...
Để triển khai Chương trình đúng theo kế hoạch, Thứ trưởng Nam đề nghị các tỉnh cần khẩn trương rà soát khối lượng công việc còn lại, xây dựng tiến độ thực hiện và có phương án, biện pháp thực hiện cụ thể, phù hợp đối với từng dự án. Định kỳ hàng tháng kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện theo tiến độ đề ra.
Tập trung thực hiện công tác huy động vốn từ vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, cũng như nguồn vốn lồng ghép thuộc các chương trình mục tiêu như: Xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn, nước sạch nông thôn, vệ sinh môi trường nông thôn, y tế, giáo dục… để thực hiện.
Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành liên quan với nhau và giữa các sở, ban, ngành liên quan với các huyện. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương thực hiện.
Bên cạnh đó, các tỉnh cần phát động đợt thi đua nước rút, đảm bảo các dự án cụm, tuyến dân cư trên địa bàn hoàn thành trước thời điểm 31/12/2014.
Theo : Báo Xây dựng điện tử