Ngày 19/1/2021, Bộ Xây dựng đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu mô hình nâng cao năng lực cạnh tranh cho các đô thị Việt Nam”, mã số RD 69-18, do Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) thực hiện.
Toàn cảnh họp Hội đồng nghiệm thu
Báo cáo Hội đồng, TS. Phạm Văn Bộ - Phó Giám đốc AMC, chủ nhiệm đề tài cho biết: hiện nay, nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị đã trở thành một trong những vấn đề trọng tâm trong chính sách công ở các quốc gia. Năng lực cạnh tranh đô thị ngày càng thể hiện rõ theo tiến trình toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới. Trước những đòi hỏi của thời kỳ mới, các thành phố đang đối mặt những thách thức mới, thách thức về cạnh tranh giữa các đô thị. Ở Việt Nam, trong hơn 20 năm qua, kinh tế tăng trưởng đã đưa đến tốc độ đô thị hóa tăng nhanh ở các đô thị lớn và lan tỏa trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, đô thị hóa nhanh cũng dẫn đến một số bất cập, tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người dân, môi trường và sản lượng kinh tế của khu vực đô thị nói riêng và quốc gia nói chung. Điều này làm hạn chế năng lực cạnh tranh giữa các đô thị trong từng vùng và của các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với các đô thị của các nước ASEAN. Để có được năng lực cạnh tranh cao, các đô thị Việt Nam cần tăng năng suất, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và đa dạng hóa các hoạt động kinh tế. Có thể nói, hiệu quả quá trình đô thị hóa phụ thuộc nhiều vào việc lựa chọn và hoàn thiện mô hình nâng cao năng lực cạnh tranh cho đô thị. Trong bối cảnh đó, đề tài “Nghiên cứu mô hình nâng cao năng lực cạnh tranh cho các đô thị Việt Nam” đề cập đến một vấn đề quan trọng hiện nay tại Việt Nam, đó là tìm kiếm mô hình phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các đô thị, nhất là các đô thị lớn.
Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài bao gồm 7 chương. Chương 1 trình bày hệ thống cơ sở khoa học về nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị, xem xét các yếu tố bên ngoài và bên trong đô thị. Chương 2 báo cáo xử lý phân tích số liệu điều tra thực trạng hiểu biết và nhận thức về cạnh tranh đô thị của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đô thị. Các chương 3,4,5,6 lần lượt đề cập đến các yếu tố trong mô hình cạnh tranh đô thị (yếu tố về con người, về kinh tế, về thiết chế, về vật chất). Chương 7 đề cập tới vấn đề xây dựng mô hình nâng cao năng lực cạnh tranh cho các đô thị Việt Nam.
Nhận xét về kết quả thực hiện đề tài, hai ủy viên phản biện là GS.TS.KTS Nguyễn Tố Lăng - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và PGS.TS Hoàng Vĩnh Hưng - Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đánh giá: đề tài được thực hiện nghiêm túc với nhiều thông tin phong phú. Các đề xuất tuy chưa cụ thể, chưa thật phù hợp với điều kiện Việt Nam nhưng đã góp phần giải đáp một vấn đề cấp thiết trong thực tiễn. Một số vấn đề được các ủy viên Hội đồng đưa ra thảo luận với nhóm tác giả như: cần làm rõ hơn tính cấp thiết của đề tài; các mục tiêu chung (nghiên cứu cơ sở khoa học và những nội dung liên quan đến hoạt động của đô thị…) và 6 mục tiêu cụ thể (nghiên cứu về nhận thức, đánh giá về kỹ năng, đánh giá nhu cầu bồi dưỡng, nghiên cứu lý thuyết, xây dựng mô hình, tổ chức thí điểm) chưa thống nhất, chưa khả thi. Phần trình bày các thông tin lý thuyết về các yếu tố con người, kinh tế, thiết chế, vật chất trong mô hình cạnh tranh đô thị trong các chương 3,4,5,6 còn dàn trải, chưa có trọng điểm và chưa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam. Bên cạnh đó, cấu trúc của báo cáo đề tài chưa chặt chẽ, cần rà soát, bổ sung các trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo.
Sau khi góp ý để nhóm tác giả tiếp thu, hoàn thiện báo cáo, Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu mô hình nâng cao năng lực cạnh tranh cho các đô thị Việt Nam” với kết quả xếp loại Khá.