Ngày 19/1/2021, Bộ Xây dựng đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu hoàn thiện cơ sở dữ liệu các tác động tự nhiên của Việt Nam phục vụ xây dựng công trình”, mã số TĐ 01-17, do Viện Khoa học công nghệ xây dựng thực hiện. PGS.TS Vũ Ngọc Anh -Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh họp Hội đồng nghiệm thu
Tại Hội đồng, TS. Nguyễn Đại Minh – Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng đã báo cáo về sự cần thiết và kết quả thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, việc ban hành số liệu điều kiện tự nhiên của mỗi địa phương trên lãnh thổ Việt Nam là cần thiết đối với việc thiết kế, lập biện pháp thi công và các hoạt động xây dựng khác ở Việt Nam, nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả. Quy chuẩn QCVN 02:2009/BXD ban hành từ năm 2009, với nhiều số liệu gió và động đất đã cũ. Số liệu gió trong quy chuẩn này được lấy từ tiêu chuẩn TCVN 2737:1995; số liệu động đất được lấy từ tiêu chuẩn TCXDVN 375:2006. Như vậy, số liệu gió đã 25 năm chưa được cập nhật, còn số liệu động đất đã hơn 20 năm vẫn chưa thay đổi, mặc dù hiện tượng biến đổi khí hậu và hoạt động địa chấn xảy ra ngày càng bất thường, khó dự đoán; còn các số liệu gió và động đất là những số liệu liên quan trực tiếp đến an toàn chịu lực, an toàn khai thác sử dụng công trình.
Trong vòng 20 năm qua, công tác quan trắc, thu thập và xử lý số liệu đã có những tiến bộ lớn cả về công nghệ và thiết bị, có sự hợp tác quốc tế về nghiên cứu và dự báo, phương pháp và mô hình xử lý số hiện đại. Hiện tại, cả nước có hơn 100 trạm quan trắc khí tượng, nhiều hơn hẳn so với thời điểm trước năm 1995. Viện Vật lý địa cầu đã thiết lập một hệ thống các trạm đo địa chấn và cảnh báo sóng thần tại nhiều khu vực nhạy cảm trên lãnh thổ; nguồn số liệu khí tượng, gió bão, động đất thu được rất phong phú...
Vì những lý do trên, việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện cơ sở dữ liệu các tác động tự nhiên của Việt Nam phục vụ xây dựng công trình rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phát triển của ngành Xây dựng, đồng thời là cơ sở để xây dựng dự thảo quy chuẩn mới - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng.
Nhiệm vụ được Viện Khoa học công nghệ xây dựng chủ trì thực hiện, với sự hợp tác của Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) và Hội Môi trường xây dựng Việt Nam.
Kết quả của nhiệm vụ là dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng, bao gồm số liệu khí hậu, số liệu thời tiết và hiện tượng tự nhiên bất lợi, số liệu mật độ sét đánh, số liệu gió và số liệu động đất dùng trong thiết kế.
Nhận xét về kết quả thực hiện nhiệm vụ, Hội đồng đánh giá đây là một đề tài lớn với nhiều mảng khác nhau, các tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu, xử lý số liệu, mô hình tính toán hiện đại để tập hợp và xử lý một nguồn số liệu tự nhiên khá đồ sộ. Ngoài việc triển khai một số phương pháp mới, cập nhật các kết quả nghiên cứu được triển khai những năm gần đây, nhóm tác giả cũng đã kế thừa nhiều biện pháp và kết quả nghiên cứu trước đó nhằm đạt kết quả tối ưu.
Góp ý cho nhiệm vụ, ý kiến của các chuyên gia tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: các số liệu điều kiện tự nhiên được cập nhật cần phải có xử lý kỹ thuật dữ liệu; số liệu đưa vào bản đồ phân vùng gió, động đất dùng để thiết kế phải đảm bảo các nguyên tắc an toàn cho công trình, đảm bảo yếu tố kinh tế kỹ thuật, sự ổn định trong quá trình sử dụng số liệu này trong thiết kế, xây dựng; làm rõ sự khác biệt so với số liệu cũ; dự đoán vùng có khả năng xảy ra động đất…Bên cạnh đó, một số bản đồ, bộ số liệu còn sử dụng lại từ QCVN 02:2009/BXD chưa được cập nhật, trong khi điều kiện khí hậu, thời tiết có nhiều biến đổi.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Vũ Ngọc Anh đánh giá cao sự cố gắng của các cơ quan tham gia thực hiện nhiệm vụ, đề nghị nhóm tác giả nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Hội đồng để chỉnh sửa, nâng cao hơn chất lượng đề tài.
Nhiệm vụ “Nghiên cứu hoàn thiện cơ sở dữ liệu các tác động tự nhiên của Việt Nam phục vụ xây dựng công trình” đã được Hội đồng nhất trí nghiệm thu, với kết quả đạt loại Khá.