Ngày 19/1/2021, tại Hà Nội, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD) tổ chức hội thảo “Giải pháp xây dựng khả năng chống chịu cho các đô thị”. Dự hội thảo có đại diện các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương và chuyên gia, khách mời trong nước, quốc tế.
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Quốc Thái cho biết, Việt Nam hiện có 862 đô thị các loại, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40%. Khu vực đô thị được coi là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, những năm vừa qua, các đô thị Việt Nam đang đối mặt nhiều vấn đề nghiêm trọng do thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã tích cực tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu theo Quyết định của Hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu 2015 (COP 21).
Tuy đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, song tại các đô thị Việt Nam hiện nay vẫn đang tồn tại nhiều bất cập: mô hình tăng trưởng của các đô thị chưa đa dạng, có nguy cơ rơi vào mô hình tăng trưởng thiếu bền vững; phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên; năng lực dự trữ và tầm nhìn dài hạn còn hạn chế; thực trạng sử dụng tài nguyên đất đai chưa hiệu quả, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu, kết nối giao thông giữa các khu vực đô thị còn yếu làm gia tăng chi phí, tình trạng ô nhiễm môi trường phổ biến ở các đô thị lớn; đầu tư cho các vấn đề cấp bách về hạ tầng kỹ thuật chưa được các đô thị ưu tiên giải quyết triệt để, đồng bộ dẫn đến các hệ quả về lâu dài.
Trước thực trạng nêu trên, việc tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu cho các đô thị ngày càng được các cấp chính quyền Trung ương và địa phương chú trọng.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu khách mời trong nước và quốc tế đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến các giải pháp xây dựng khả năng chống chịu cho các đô thị của Việt Nam, như: thực trạng và kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật; phát triển đô thị Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu; ảnh hưởng của thiên tai, các giải pháp phòng chống thiên tai tại Việt Nam; phát triển đô thị bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu; xây dựng khả năng chống chịu cho khu vực đô thị trong bối cảnh thực hiện Luật Quy hoạch - cơ hội và thách thức; xây dựng khả năng chống chịu cho khu vực đô thị thông qua các giải pháp dựa vào thiên nhiên...
Phát biểu tại hội thảo, ông Fabrice Richy - Trưởng đại diện AFD đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết cùng cộng đồng quốc tế thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đồng thời cho biết, những năm qua, Liên minh châu Âu và AFD đã triển khai các hoạt động hỗ trợ cho một số tỉnh, thành phố của Việt Nam thông qua việc tài trợ và chuẩn bị tài trợ cho các dự án tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi trước biến đổi khí hậu của các đô thị tại Việt Nam.
Nhận định nhiều đô thị của Việt Nam vẫn đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng hiện nay, ông Fabrice Richy mong muốn sẽ cùng với các tỉnh thành Việt Nam thực hiện các dự án đã, đang và sẽ triển khai một cách hiệu quả; khẳng định AFD luôn đồng hành với tất cả chính sách, chiến lược của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Các đại biểu hội thảo chụp ảnh lưu niệm
AFD là nhà tài trợ song phương thực hiện các chính sách phát triển của Chính phủ Pháp. Hoạt động của AFD hoàn toàn nằm trong khuôn khổ các mục tiêu phát triển bền vững. AFD có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, đã tài trợ cho 84 dự án với tổng mức cam kết hơn 2 tỷ euro. Trong giai đoạn 2006 - 2019, tổng số vốn giải ngân của AFD lên tới 1,056 tỷ euro cho 30 dự án và chương trình phát triển góp phần hỗ trợ Việt Nam chống biến đổi khí hậu và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu. Những lĩnh vực ưu tiên tài trợ của AFD là chuyển tiếp năng lượng, tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các đô thị và địa phương, sự phát triển của thế hệ trẻ.