Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quang Hùng biểu dương ngành Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua những khó khăn thách thức của năm 2020 để hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Không chậm trễ, không tồn đọng hồ sơ
Báo cáo trước Hội nghị, ông Lê Trần Kiên – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng ngành Xây dựng đã chủ trì gần 500 cuộc họp để kiểm tra tiến độ thực hiện các đề án, chương trình; giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyên môn cũng như hồ sơ, góp phần thúc đẩy công việc được giải quyết đúng quy định, không chậm trễ, không tồn đọng, không để ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Trong năm, Sở đã nhận 19.512 hồ sơ hành chính và đã giải quyết 18.867 hồ sơ, đang thụ lý giải quyết 645 hồ sơ. Qua kết quả thăm dò sự hài lòng của 11.902 khách hàng, có 11.572 phiếu khảo sát có ý kiến (trong đó có 11.319 phiếu khảo sát có ý kiến hài lòng), tỷ lệ khách hàng hài lòng đạt 97,81%.
Ngoài công tác cải cách thủ tục hành chính, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã hoàn thành các công tác khác như phát triển nhà ở, công tác quản lý đầu tư xây dựng, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành… Về công tác phát triển đô thị, đã đề xuất kiến nghị Bộ Xây dựng quy trình lập, thẩm định, phê duyệt Đề án phân loại đô thị để thành lập thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng: “Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, có vai trò là đầu tàu kinh tế, là trung tâm của cả nước thể hiện trên nhiều mặt. Thành phố xác định năm 2020 là cơ hội thi đua nước rút hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; Trong bối cảnh đó, Sở Xây dựng với 1.162 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, 13 phòng chuyên môn và 02 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở cũng đã nỗ lực bám sát công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy và kế hoạch chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyên môn góp phần thúc đẩy công việc được giải quyết đúng quy định, không chậm trễ, không tồn đọng.”
Bên cạnh đó, các chương trình đột phá “giảm ngập nước” và chương trình “chỉnh trang và phát triển đô thị” cũng đạt được kết quả khả quan.
Đối với chương trình giảm ngập nước thì ngành Xây dựng đã triển khai thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vị trí thường xuyên bị ngập nước. Tổ chức vận hành 345 van ngăn triều, 34 trạm bơm với 39 máy bơm cố định và di động (công suất từ 168m3/h đến 84.000 m3/h, tổng công suất 302.880 m3/h) cùng với việc vận hành đồng bộ 05 cống kiểm soát triều lớn (Bình Triệu, Bình Lợi, Rạch Lăng, Rạch Nhảy - Ruột Ngựa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vận hành trạm bơm tại đường Nguyễn Hữu Cảnh để hỗ trợ chống ngập), đảm bảo theo quy trình và an toàn, phát huy hiệu quả chống ngập do triều.
Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2020 đã triển khai tích cực góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị và nâng cao đời sống người dân. Trong năm 2020, thành phố phát triển được gần 9 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích nhà ở trên địa bàn thành phố khoảng 190 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân là 20,63 m2/người.
100% công trình xây dựng đều được kiểm tra và xử lý
Xác định năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, Sở Xây dựng đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triền kinh tế - xã hội của thành phố; góp phần thay đổi bộ mặt đô thị để hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Theo đó, Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện triệt để Chỉ thị số 23-CT/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố; Thực hiện đề án chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2045 và kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030; Tham mưu UBND thành phố các Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050, chương trình phát triển đô thị thành phố Thủ Đức, kế hoạch phát triển nhà; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với các quan điểm đổi mới, sáng tạo, tinh gọn thủ tục hành chính, lấy sự hài lòng của công dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả trong công tác cải cách hành chính…
Mục tiêu là phát triển thêm 8 triệu m2 diện tích sàn xây dựng nhà ở và nâng diện tích nhà ở bình quân là 21,04 m2/người; Diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,55m2/người trong năm 2021; 100% công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được kiểm tra và xử lý kịp thời, đúng quy định; Hoàn thành khối lượng quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khối lượng xử lý nước thải, bùn thải theo kế hoạch đề ra, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% tổng số vốn kế hoạch được giao.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Lê Quang Hùng lưu ý ngành Xây dựng rằng: Hệ thống hạ tầng thoát nước chưa đáp ứng kịp so với tốc độ phát triển đô thị hóa của thành phố; tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số thành phố hiện nay đã trên 10 triệu người, dẫn đến áp lực về hạ tầng kỹ thuật rất lớn; công tác xử lý tình trạng xâm hại hệ thống thoát nước còn chậm, việc xả chất thải xuống sông, kênh, rạch, hố ga, cống thoát nước, ảnh hưởng đến khả năng thoát nước, nhiều tuyến đường bị ngập…
“Bộ Xây dựng đề nghị lãnh đạo Sở Xây dựng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng điều hành, thực hiện nhiệm vụ và giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; Kiên quyết xử lý những hành vi kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, gây phiền hà, nhũng nhiễu; góp phần nâng cao tăng trưởng của ngành Xây dựng năm 2021 đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh”, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh.
Hàng ngàn căn nhà được xây mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2020.
Theo ông Kiên, thời gian tới ngành Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung phát triển nhà ở, trong đó tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà tái định cư. Đặc biệt là rà soát quỹ đất 20% diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố; Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Kinh doanh bất động sản, liên quan đến quản lý dự án đầu tư xây dựng, chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo phân công, phân cấp quản lý. Tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng theo phân công, phân cấp, kịp thời phối hợp, hướng dẫn xử lý sự cố công trình xây dựng.
Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, phát hiện và kịp thời xử lý triệt để hành vi vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng, đảm bảo 100% công trình xây dựng đều phải được kiểm tra và xử lý theo quy định (trừ công trình bí mật Nhà nước, quốc phòng, an ninh); nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng công trình trong việc chấp hành quy định pháp luật…