Chủ tịch Hội đồng Thẩm định - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị
Báo cáo tóm tắt đề án, đại diện UBND thành phố Tuyên Quang cho biết: thành phố Tuyên Quang có diện tích tự nhiên 184,38km2, gồm 10 phường và 5 xã, nằm ở phía Nam tỉnh Tuyên Quang, cách Thủ đô Hà Nội 165km về phía Nam theo QL2, cách thành phố Hà Giang 154km về phía Bắc theo QL2, cách thành phố Thái Nguyên 60km về phía Đông theo QL37, cách thành phố Yên Bái 40km về phía Tây theo QL37.
Thành phố Tuyên Quang là trung tâm hành chính, chính trị, giao lưu kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, đồng thời là đầu mối giao thông, dịch vụ trung chuyển quan trọng phụ trợ cho tuyến hành lang phát triển Hà Nội, Lào Cai; có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Tuyên Quang.
Những năm qua, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang, thành phố Tuyên Quang đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những bước tiến mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực: thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 72,3 triệu đồng/người/năm, bằng 1,42 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước; mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt 12,51%; dân số toàn đô thị 232.230 người (cuối năm 2019), bao gồm cả dân số thường trú và tạm trú quy đổi; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 80,04%; tỷ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt 97,48%; tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng đạt 96,2%; đặc biệt tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đạt 100%.
Đánh giá thực tiễn phát triển của thành phố Tuyên Quang theo các tiêu chí của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, UBND tỉnh Tuyên Quang tự chấm thành phố Tuyên Quang đã đạt các tiêu chí của đô thị loại II, với 32/59 tiêu chuẩn đạt và vượt điểm tối đa; còn 4/59 tiêu chuẩn chưa đạt (tỷ lệ gia tăng dân số hàng năm; tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thành; mật độ đường giao thông; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật).
Theo đại diện UBND thành phố Tuyên Quang, việc công nhận thành phố Tuyên Quang là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Tuyên Quang sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển của thành phố, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, gia tăng ngân sách từ thuế, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế; đồng thời huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang nâng cấp đô thị ngày càng khanh trang, hiện đại, nâng cao chất lượng đời sống của người dân trên địa bàn thành phố.
Hội đồng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về các lĩnh vực giao thông vận tải, đầu tư xây dựng, quy hoạch, kiến trúc, tài nguyên môi trường, tài chính, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, an ninh quốc phòng, nhằm giúp UBND tỉnh Tuyên Quang, UBND thành phố Tuyên Quang tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo thuyết minh, đồng thời tăng cường các biện pháp đầu tư phát triển kinh tế xã hội, nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chuẩn đã đạt, khắc phục các chỉ tiêu chưa đạt.
Theo nhận xét chung của Hội đồng, sau gần 11 năm trở thành đô thị loại III, đến nay thành phố Tuyên Quang đã cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, đời sống nhân dân được nâng cao, diện mạo đô thị phát triển. Do đó, chủ trương xây dựng và phát triển thành phố Tuyên Quang trở thành đô thị loại II của tỉnh Tuyên Quang là phù hợp với thực tiễn và các chương trình, định hướng của quốc gia, của tỉnh về phát triển đô thị.
Hồ sơ thẩm định Đề án đảm bảo đầy đủ trình tự thủ tục và các căn cứ pháp lý. Báo cáo thuyết minh được thực hiện công phu, thông tin, số liệu phong phú, đa dạng, phản ánh rõ nét những nỗ lực của chính quyền và nhân thành phố Tuyên Quang nói riêng, tỉnh Tuyên Quang nói chung trong việc xây dựng và phát triển thành phố Tuyên Quang đạt tiêu chí đô thị loại II.
Bên cạnh việc ghi nhận các thành tựu thành phố đạt được, Hội đồng cũng góp ý: thành phố Tuyên Quang cần tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng đến khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đô thị có bản sắc văn hóa chiến khu Việt Bắc; tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển đô thị, từng bước xây dựng thành phố đáp ứng yêu cầu mới, hướng đến đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
Toàn cảnh hội nghị
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao vai trò, vị trí, chức năng quan trọng của thành phố Tuyên Quang đối với tỉnh Tuyên Quang và vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đồng thời cho biết, trong những năm qua, các cấp lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, thành phố Tuyên Quang đã có nhiều giải pháp phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thành phố Tuyên Quang nói riêng, tỉnh Tuyên Quang nói chung.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang, UBND thành phố Tuyên Quang tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng, chú trọng đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư, phát triển kinh tế xã hội; khai thác hiệu quả hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh của thành phố; đầu tư cải thiện hệ thống hạ tầng dịch vụ đô thị, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cải thiện các tiêu chuẩn chưa đạt; tăng cường công tác quản lý đô thị, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý đô thị, đồng thời tổ chức rà soát quy hoạch xây dựng thành phố Tuyên Quang và các đô thị khác thuộc tỉnh.
Hội đồng Thẩm định Bộ Xây dựng nhất trí bỏ phiếu thông qua Đề án đề nghị công nhận thành phố Tuyên Quang là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Tuyên Quang, với điểm số 84,66/100 điểm.