Tăng cường công tác quản lý nhà nước về cấp thoát nước và chống ngập úng đô thị

Thứ ba, 29/12/2020 13:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Sáng ngày 29/12, tại Thành phố Đà Nẵng, Bộ Xây dựng và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) phối hợp tổ chức Hội thảo "Tăng cường công tác quản lý nhà nước về cấp thoát nước và chống ngập úng đô thị theo hướng bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu". Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng - PGS.TS. Mai Thị Liên Hương chủ trì và phát biểu khai mạc Hội thảo.


Cục trưởng Cục HTKT Bộ Xây dựng Mai Thị Liên Hương phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đông đảo đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương: Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế; các tổ chức quốc tế: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ); các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu và các trường đại học; các Hội chuyên ngành: Hội Môi trường Việt Nam, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, Tổng hội xây dựng; đại diện UBND tỉnh, Sở Xây dựng, các công ty cấp nước, thoát nước của nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau…,

Thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Mai Thị Liên Hương cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 750 nhà máy nước sạch đô thị với tổng công suất cấp nước đạt khoảng 10,6 triệu m3/ngđ (tăng 3,2 triệu m3/ngđ so với năm 2015); tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 90% (tăng 8,5% so với năm 2015); tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch còn 18% (giảm 7% so với năm 2015); Về thoát nước và xử lý nước thải: cả nước có khoảng 63 nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các đô thị từ loại IV trở lên đang vận hành với tổng công suất xử lý theo thiết kế khoảng 1.334.130 m3/ngđ (tăng khoảng 33 nhà máy và hơn 500.000 m3/ngđ công suất xử lý so với năm 2015).

Tuy đã đạt được những thành tựu đáng kể về đầu tư phát triển hạ tầng cấp thoát nước so với các giai đoạn trước đây ở các địa phương cũng như trên toàn quốc, nhưng lĩnh vực này vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế: Các văn bản quy định về quản lý, vận hành, khai thác hệ thống cấp thoát nước có tính pháp lý chưa cao, mới dừng ở mức nghị định; việc tổ chức thực hiện ở các địa phương còn thiếu đồng bộ; việc lồng ghép nội dung về thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến lĩnh vực cấp thoát nước chưa đáp ứng được yêu cầu so với diễn biến ngày càng khó lường của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Các quy hoạch chuyên ngành cấp thoát nước hiện không còn nằm trong hệ thống quy hoạch, việc lập các quy hoạch này chỉ quy định đối với thành phố trực thuộc Trung ương, đây cũng là những khó khăn ban đầu trong công tác quản lý cũng như triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật; Việc quản lý, đầu tư phát triển hệ thống cấp thoát nước cũng còn nhiều hạn chế: an ninh, an toàn về nguồn nước, chất lượng nước, tính liên tục trong cấp nước,…chưa đảm bảo;  một số sự cố cấp nước chưa được kiểm soát, xử lý kịp thời; ở nhiều nơi, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Nam Trung Bộ, người dân còn thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô hạn, xâm nhập mặn; tình trạng ngập úng đô thị thường xuyên xảy ra, kể cả đối với đô thị miền núi; cao độ nền xây dựng đô thị chưa được quản lý chặt chẽ; mạng lưới thoát nước chủ yếu vẫn là thoát nước chung cho nước mưa và nước thải; tỷ lệ đấu nối, thu gom và xử lý nước thải đô thị rất thấp, gây ô nhiễm môi trường…


Toàn cảnh Hội thảo

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, trong công tác quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, Bộ Xây dựng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/8/2020 về Tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục; trình phê duyệt Đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn; và đang nghiên cứu, hoàn thiện Đề án tăng cường quản lý nhà nước về cấp nước khi thực hiện chủ trương xã hội hóa. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực cấp thoát nước, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý cấp nước sạch; và sửa đổi, bổ sung Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải.

PGS.TS. Mai Thị Liên Hương bày tỏ mong muốn, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận cũng như phát biểu ý kiến về thực tiễn thi hành chính sách pháp luật trong lĩnh vực cấp thoát nước hiện hành, trên cơ sở đó sẽ giúp Bộ Xây dựng tiếp thu, hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực cấp thoát nước trong thời gian tới.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)