Trả lời đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) về áp dụng các biện pháp để xử lý các chủ đầu tư chiếm đoạt quỹ bảo trì tòa chung cư bị xét xử theo đúng quy định của Điều 175 Bộ luật Hình sự, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết rất ủng hộ việc chuyển cơ quan điều tra xử lý chủ đầu tư cố tình vi phạm.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đến hết năm 2019, cả nước có khoảng 4.422 nhà chung cư, trong số đó hơn 90% số lượng nhà chung cư được quản lý, vận hành an toàn, ổn định.
Có khoảng gần 10% có tranh chấp, có vấn đề tồn tại, cụ thể: Một là, chậm tổ chức hội nghị chung cư, chậm thành lập Ban Quản trị; Hai là, đóng góp bàn giao, quản lý và sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư; Ba là, xác định sở hữu chung, sở hữu riêng.
Ngoài ra, còn một số tranh chấp, như thu chi tài chính, quy chế hoạt động của Ban Quản trị, giá dịch vụ, đơn vị vận hành, cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, chất lượng công trình...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn
“Một số nguyên nhân của những hạn chế này là một số quy định pháp lý về quản lý và sử dụng nhà chung cư còn chưa thật đầy đủ, rõ ràng, vừa là cách tính diện tích căn hộ diện tích lô gia, kỹ thuật, diện tích riêng, v.v.. Một số chủ đầu tư cũng chưa đủ năng lực để thực hiện dự án và chưa quan tâm thích đáng tới nghĩa vụ sau bán hàng và không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời.
Cũng theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, một số hợp đồng mua bán căn hộ chung cư chưa tuân thủ đầy đủ các quy định và thường có một số khoản chưa rõ ràng, thiên về bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư và còn tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước về chung cư. Một số chủ đầu tư, Ban Quản trị quản lý vận hành nhà chung cư chưa thực hiện tốt vai trò trách nhiệm của mình theo quy định.
Về việc này cũng gây ra bức xúc trong dư luận và truyền thông, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đã tổ chức một phiên giải trình về lĩnh vực này và sau đó thì chúng ta đã xử lý một số các giải pháp; Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 29, về tăng cường quản lý nhà nước về nhà chung cư; Bộ Xây dựng cũng đã ban hành các Thông tư số 06, sửa đổi các thông tư trước đó về quản lý nhà chung cư, cũng đã ban hành quy chuẩn về nhà chung cư và đã bổ sung chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với quản lý nhà chung cư và các địa phương.
Thực tế, trong thời gian vừa qua cũng đã có rất nhiều cố gắng để tăng cường công tác quản lý nhà chung cư. Hà Nội cũng đã chuyển một số các vụ vi phạm về quản lý quỹ bảo trì nhà chung cư cho các cơ quan điều tra để xem xét, xử lý.
Theo Bộ trưởng, đến nay, sau hàng loạt các giải pháp như vậy, với sự cố gắng của các địa phương thì tình hình tranh chấp về nhà chung cư cũng đã giảm hẳn, cũng còn nhưng không còn các điểm nóng gây bức xúc nữa.
Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục sửa đổi Nghị định số 99 về hướng dẫn Luật Nhà ở để bổ sung, sửa đổi các quy định về nhà chung cư, nhất là về kinh phí bảo trì nhà chung cư, rõ hơn về mức thu, phương thức thu, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư, mô hình quản trị nhà chung cư.
“Riêng tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì, hiện nay có khoảng 5 dạng tranh chấp trong lĩnh vực này. Chúng tôi cũng đã tham mưu và Chính phủ đã có Nghị định số 139, Nghị định số 20, quy định những mức xử lý hành chính trong vi phạm về việc này và quan điểm của chúng tôi rất ủng hộ việc các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra và chuyển cơ quan điều tra để xem xét, xử lý các chủ đầu tư cố tình vi phạm quy định về quản lý và sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói.