Cần chủ động trong quy hoạch phát triển đô thị
Trao đổi với Sở Xây dựng Bình Dương, Bộ trưởng khẳng định: Bình Dương là tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, tỉnh luôn quan tâm đến đầu tư xây dựng nói chung trong đó có phát triển đô thị. Đô thị Bình Dương ngày càng mở rộng quy mô nâng cao chất lượng, hệ thống hạ tầng từng bước đồng bộ, bảo đảm trong tương lai Bình Dương sẽ trở thành TP trực thuộc Trung ương.
Bộ trưởng đánh giá cao những đóng góp tích cực của ngành Xây dựng Bình Dương trong sự phát triển của tỉnh. Bộ trưởng lưu ý: Từ nay và trong những năm tới, yêu cầu phát triển các lĩnh vực của ngành xây dựng ngày càng đòi hỏi cao hơn đối với các địa phương nói chung, nhất là với tỉnh Bình Dương đứng đầu về phát triển công nghiệp, phát triển đô thị. Yêu cầu đặt ra là vừa phát triển các KCN vừa phải gắn kết với phát triển đô thị, bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Để thực hiện được điều này cần có sự đầu tư lớn trong đó tập trung quản lý đúng theo quy định về đầu tư xây dựng cũng như quy định quản lý phát triển đô thị và phát triển nhà ở. Ngành Xây dựng cần tăng cường nâng cao chất lượng công tác quản lý đầu tư xây dựng, tập trung cho công tác quản lý phát triển đô thị và phát triển nhà ở.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thăm căn hộ nhà ở xã hội do Becamex IDC xây dựng và được bán với giá trên 3 triệu đồng/ m2.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Ngành Xây dựng cần chủ động trong công tác quy hoạch phát triển đô thị, kết nối khung hạ tầng cơ bản. Việc phát triển đô thị lõi cần có quy hoạch để tạo ra đô thị trung tâm kết nối với đô thị Thủ Dầu Một và các ĐTM xung quanh để tạo ra đô thị quy mô hơn, yêu cầu chất lượng tốt hơn, thể hiện ở chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Đây là nhiệm vụ lớn của ngành”. Bộ trưởng cũng cho biết: Bộ đang trình Chính phủ ban hành Nghị định quản lý phát triển đô thị, NĐ sẽ có nhiều điểm mới, tạo bước tiến để tăng cường quản lý phát triển đô thị với mục tiêu lập lại trật tự trong quá trình phát triển đô thị, tiết kiệm các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, giải phóng sức sản xuất, thu hút các nguồn lực cho đầu tư, phát triển, bảo đảm nhân tố phát triển bền vững. Nghị định lần này khác với trước, phát triển đô thị phải theo quy hoạch nhưng phải có kế hoạch, tránh tình trạng đô thị, dự án treo. Quy định đặt ra yêu cầu phải xác đinh từng giai đoạn phát triển, dài hạn, trung hạn và ngắn hạn để từ đó giải phóng mặt bằng phù hợp với khả năng phát triển, hạn chế GPMB hoặc không thông báo được tiến độ đầu tư, làm lãng phí nguồn lực.
Mô hình về phát triển nhà ở xã hội
Một nhiệm vụ quan trọng được Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đối với ngành Xây dựng Bình Dương và các doanh nghiệp trên địa bàn đó là tập trung triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho CNLĐ, đây là vấn đề bức xúc được đặt ra. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng các dự án nhà ở cho CNLĐ đồng bộ về hạ tầng. Bộ trưởng yêu cầu, Sở cần tiếp tục tham mưu cho tỉnh để có nhiều khu nhà ở cho CNLĐ, huy động nhiều DN tham gia. Đất các dự án nhà cao cấp có thể chuyển sang xây nhà giá rẻ, không thu tiền sử dụng đất để các DN làm ra các căn hộ nhỏ, gía rẻ phù hợp với khả năng thanh toán của người lao động.
Sau khi làm việc với Tcty Đầu tư và PTCN Becamex IDC, Bộ trưởng và đoàn công tác đã đến khảo sát cụ thể dự án nhà ở an sinh xã hội do Becamex đầu tư xây dựng tại TP mới Bình Dương có quy mô 240 ha với vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, cung cấp 64.000 căn hộ cho CNLĐ. Dự án được triển khai rất hoàn chỉnh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, chỗ ở và nơi làm việc của CNLĐ gần nhau, tạo thuận lợi cho đời sống CNLĐ. Nếu tính giá thành, chỉ trên 3 triệu đồng/m2, mức giá mà CNLĐ có thể tiếp cận được nhà ở…Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Becamex IDC cho biết: Khi tìm địa điểm đầu tư, các nhà đầu tư tính rất kỹ, CNLĐ sẽ ở đâu, sinh hoạt, đi lại thế nào, sẽ có những thuận lợi, tiện ích gì… Khi Becamex đưa ra quy hoạch, xây dựng KCN gắn với đô thị, các nhà đầu tư rất thích sự gắn kết hạ tầng trong KCN, đây chính là cách thu hút được các nhà đầu tư.
Ông Lê Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cũng cho biết: Để hỗ trợ các DN thực hiện các dự án nhà ở XH, tỉnh giao đất sạch, đã GPMB, hỗ trợ về thiết kế, hỗ trợ lãi xuất cho DN. Khó khăn nhất đối với các DN là nguồn vốn vay, lãi xuất thì cao trong khi thời gian thu hồi vốn quá dài. Sở Xây dựng đang kiến nghị hỗ trợ các DN từ lãi xuất thương mại xuống còn cho vay ưu đãi để mời gọi đầu tư, thời gian thu hồi vốn cũng giảm xuống, lợi nhuận DN được hưởng tăng lên 20%...Ngoài ra Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ người lao động được vay 70% căn hộ, thế chấp bằng chính căn hộ và được trả dần trong nhiều năm.
Với những kiến nghị của địa phương và DN, Bộ trưởng cho biết :Sắp tới sẽ ban hành Nghị định về nhà ở XH. Nghị định quy định rõ 3 loại nhà ở: Nhà ở do Nhà nước đứng ra thực hiện ( chủ yếu là nhà cho thuê, nhà công vụ…); Nhà ở do DN được hỗ trợ đầu tư xây dựng và nhà ở do người dân tự làm nhưng có sự quản lý để yêu cầu có sự đồng bộ về hạ tầng và chất lượng. Trước hết các DN Nhà nước cần chủ đạo thực hiện trách nhiệm xã hội, triển khai các dự án nhà ở XH, lấy mô hình của Becamex nhân rộng ra các địa phương.
Theo : Báo Xây dựng điện tử