Thay mặt nhóm biên soạn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội – ông Nguyễn Thế Hùng đã trình bày sự cần thiết cũng như các căn cứ để xây dựng dự thảo tiêu chuẩn. Theo ông Hùng, tro bay là thải phẩm bụi mịn thu được tại các bộ phận thiết bị lắng bụi thải của nhà máy nhiệt điện từ quá trình đốt than; thải phẩm này là thách thức lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, số liệu thống kê năm 2010 ước tính khoảng 2,3 triệu tấn tro xỉ thải từ các nhà máy nhiệt điện. Với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 xét đến năm 2030 thì tổng công suất nhiệt điện đốt than đến 2020 đạt khoảng 39.000 MW, lượng than tiêu thụ đạt xấp xỉ 67 triệu tấn; lượng tro xỉ được thu hồi ước tính trên 20 triệu tấn. Tro bay được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, riêng trong công nghiệp xây dựng tỷ trọng tro bay được sử dụng đã chiếm tới hơn 75% tổng lượng tro bay. Lợi ích kinh tế - kỹ thuật tro bay mang lại trong ứng dụng làm bê tông, xi măng và vữa xây rất lớn, ví du: giúp giảm tỷ lệ nước/xi măng từ đó giảm được hiện tượng nứt vì co ngót; cải thiện tính bám dính giữa các lần đổ bê tông do tác dụng làm chậm đông kết của tro bay đối với xi măng; tăng cường độ tuổi muộn; tăng khả năng chống thấm, chống ăn mòn, tăng độ bền sun phát và Cl- ; giảm giá thành sản phẩm…Tuy nguồn tài nguyên thải phẩm tro bay đang ngày một gia tăng về khối lượng, song Việt Nam lại chưa có tiêu chuẩn quốc gia của thải phẩm này. Do đó, việc xây dựng TCVN về tro bay là thực sự cần thiết, sẽ là cơ sở định hướng và mở rộng khả năng tiêu thụ tro bay của nước ta.
Thông qua nghiên cứu tình hình sản xuất thực tế trong nước, kết hợp tham khảo các tài liệu khoa học liên quan tới quá trình chế biến, sử dụng tro bay, các sách kỹ thuật giới thiệu ứng dụng tro bay vào sản xuất bê tông, xi măng và vữa xây; đống thời tìm hiểu tiêu chuẩn của nhiều nước trên thế giới và trong khu vực về vấn đề liên quan như GOST 25818-91 (Nga), ASTM.C 618 (Mỹ), GB/T1596:2005 (Trung Quốc), KSL 5405 (Hàn Quốc)…; nhóm biên soạn đã phân tích và lựa chọn các thông số kỹ thuật đặc trưng, các mức giới hạn cho phép để đề xuất đưa vào dự thảo TCVN, đảm bảo tính thực tiễn và khả thi khi áp dụng tiêu chuẩn vào thực tế, đồng thời kế thừa sự tiến bộ, đảm bảo hội nhập với các tiêu chuẩn nước ngoài.
TCVN …:2013 “ Tro bay dùng cho bê tông, xi măng và vữa xây ” được xây dựng với đầy đủ các nội dung cơ bản: tên gọi, phạm vi áp dụng, tài liệu viện dẫn, thuật ngữ định nghĩa, yêu cầu kỹ thuật, phân loại ký hiệu, quy tắc nghiệm thu, phương pháp thử, bao bì – ghi nhãn - vận chuyển - bảo quản. Tiêu chuẩn áp dụng cho tro bay đã qua xử lý và tro bay chưa qua xử lý nhưng đạt yêu cầu chất lượng để sử dụng ngay.
Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều đánh giá cao tính cấp thiết và ý nghĩa thực tế của đề tài, cũng như sự nghiêm túc, phương pháp tiến hành công việc rất khoa học của nhóm biên soạn. Để dự thảo tiêu chuẩn được hoàn thiện, Hội đồng đã đóng góp một số ý kiến về các nội dung nên lược bỏ hoặc nghiên cứu chỉnh sửa thêm cho phù hợp điều kiện của Việt Nam. Một số câu chữ, thuật ngữ cũng được Hội đồng kiến nghị rà soát, chỉnh sửa; kiến nghị thống nhất cách dùng một số ký hiệu; bổ sung chỉ số cường độ, xem lại một số nhóm (chỉ số hàm lượng Cl- , chỉ số thể tích).
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng - TS.Nguyễn Trung Hòa nhất trí với toàn thể Hội đồng, lưu ý nhóm tác giả hoàn chỉnh đề tài trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp trước tháng 1/2014, để Bộ Xây dựng trình Bộ Khoa học & Công nghệ sớm ban hành.
Đề tài đã được nghiệm thu với kết quả xếp loại Xuất sắc.
Phòng TT-TL