Vùng thủ đô Hà Nội: Sẽ là vùng đô thị lớn – đa cực tích hợp
Theo báo cáo của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (đơn vị tư vấn), diện tích vùng thủ đô Hà Nội mở rộng (theo quyết định QĐ 1758/QĐ-TTg) gồm 9 tỉnh và TP Hà Nội (mở rộng thêm 3 tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang), tăng thêm khoảng 80% với diện tích đất tự nhiên toàn vùng hơn 24,314 nghìn km2, dân số 17,495 triệu người.
Để hoàn thiện đồ án, đơn vị tư vấn đã làm việc với 9 tỉnh và TP Hà Nội cùng các chuyên gia về quy hoạch, y tế, công thương… Theo đó, đến năm 2050, vùng thủ đô Hà Nội sẽ là vùng đô thị lớn – đa cực tích hợp với các cụm động lực phát triển như trung tâm đào tạo – nghiên cứu phát triển công nghệ cao, trung tâm phát triển công nghiệp (Thái Nguyên), trung tâm phát triển công nghiệp – dịch vụ - ICD, logistic (Bắc Giang – Bắc Ninh), trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, KĐT dịch vụ tổng hợp… Đồng thời, TP Hà Nội sẽ không còn “độc cực” mà hình thành tam giác mới (Hà Nội – Bắc Ninh – Vĩnh Yên).
Tư vấn cũng đã tiến hành so sánh giữa tổng hợp rà soát quy hoạch xây dựng vùng các tỉnh và dự thảo quy hoạch vùng. Kết quả cho thấy, quy hoạch vùng bền vững hơn, có tính khả thi hơn và chặt chẽ hơn vì việc phát triển đô thị, công nghiệp và logistic được quy hoạch và phân giai đoạn đầu tư dựa trên phát triển hạ tầng giao thông để đảm bảo tiếp cận tốt nhất đến các khu vực phát triển mới.
Các định hướng quy hoạch về hạ tầng kinh tế xã hội, du lịch vùng, giáo dục vùng, nông lâm ngư nghiệp vùng, nông thôn… và các định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, môi trường vùng như quy hoạch giao thông, quy hoạch xử lý chất thải rắn, quy hoạch nghĩa trang, quy hoạch cấp điện, nước, quy hoạch xử lý nước thải… cũng được tư vấn đưa ra những định hướng chi tiết, cụ thể trong đồ án.
Cần tập hợp ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành để hoàn thiện đồ án
Theo nhận định của các đại biểu tham dự Hội nghị, đồ án đã được nghiên cứu công phu, bám sát nhiệm vụ Thủ tướng phê duyệt. Các đại biểu cũng cơ bản thống nhất với định hướng quy hoạch mà đồ án đã đưa ra.
Đồng ý kiến với định hướng của tư vấn đưa ra về đường vành đai 5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng phương án đi về phía Nam Phủ Lý phù hợp hơn, mở rộng được không gian cho vùng thủ đô.
Ông Trường cũng đề xuất đường vành đai 5 không nên đi qua hầm chui Tam Đảo vì liên quan đến vùng bảo tồn và quốc phòng an ninh. Hơn nữa, nếu đi qua hầm thì rất tốn kém. Theo ông Trường, về lâu dài nên tránh khu vực bảo tồn mà đi vòng ra phía ngoài sẽ hợp lý hơn, vừa giải quyết được vấn đề du lịch cho Tam Đảo, vừa kết nối được với các tỉnh.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, đồ án cần tiếp tục cập nhật số liệu các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch vùng tỉnh để phù hợp với tình hình thực tế.
Đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị: Theo quy hoạch chung tỉnh Vĩnh Phúc, quy mô KCN là khoảng 7.000 ha, tuy nhiên trong đồ án quy hoạch vùng thủ đô đang đề xuất là 6.000 ha, vì vậy đơn vị tư vấn cần xem lại cụ thể số liệu. Nếu giảm diện tích KCN thì sẽ giảm cái nào, giảm ở đâu?
Hay như trong quy hoạch thoát nước yêu cầu Vĩnh Phúc khơi thông dòng chảy ra sông Cầu. Nhưng đặc thù của tỉnh là vào mùa mưa nước bị chảy ngược vào trong chứ không ra sông được, nên tỉnh đã xác định phải xây dựng hồ điều hòa và trạm bơm cưỡng bức để tiêu cưỡng bức ra sông Hồng.
Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị tư vấn cần cập nhật, đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh và của Hà Nội, phối hợp với các bộ ngành rà soát khớp nối các quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt. Ông Khôi đề nghị: Cần sớm có dự thảo quy chế phối hợp giữa các tỉnh trong vùng để tổ chức thực hiện quy hoạch.
Đóng góp ý kiến cho đồ án, đại diện Bộ Tài Chính nhận định: Bản dự thảo đồ án được làm rất chi tiết, công phu, tuy nhiên cần có đánh giá cụ thể quyết định 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050) trên các khía cạnh vì quy hoạch này đã thực hiện 5 năm rồi. Còn trong Điều chỉnh quy hoạch, cần phải xây dựng được quy chế phối hợp với các địa phương trong việc thực hiện quy hoạch vùng.
Về tài chính, nguồn lực đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị tư vấn cần làm rõ hơn, để các địa phương sau này có cơ sở pháp lý để thực hiện, đồng thời có nghiên cứu lộ trình, phân kỳ đầu tư vì đây là một quy hoạch dài hạn.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết: Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo tư vấn thực hiện, làm rõ hơn các vấn đề theo đề xuất của các bộ và các tỉnh, đồng thời đưa ra mô hình hoạt động theo ban chỉ đạo hay ban điều phối…
“Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Xây dựng và tư vấn”
Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực của Bộ Xây dựng và đơn vị tư vấn. Theo Phó Thủ tướng, đây là một đồ án quy hoạch lớn, phức tạp và khó nhưng tư vấn đã bám sát nhiệm vụ quy hoạch Thủ tướng đã phê duyệt, đánh giá được hiện trạng và quy hoạch chung, nêu ra được các điểm đạt được và hạn chế nhưng cần mạnh dạn hơn nữa trong việc đưa ra những tồn tại của mô hình cũ.
Phó Thủ tướng chỉ đạo: Bộ Xây dựng cần gửi ngay báo cáo để các bộ, ngành có ý kiến đóng góp cho đồ án, đồng thời tiếp thu ý kiến các đại biểu tại Hội nghị để tiếp tục hoàn chỉnh đồ án. Tư vấn rà soát lại các số liệu cho chính xác trong phương pháp dự báo và có đánh giá rõ hơn, mạnh hơn những hạn chế còn tồn tại của đồ án cũ để từ đó đưa ra phương án giải quyết những điểm yếu.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tư vấn cần rà soát lại các số liệu về tổng đất lúa và đất lúa hai vụ, các quy hoạch thủy lợi chống lũ, cấp điện và bệnh viện…, cập nhật và thể hiện rõ trong đồ án.
Quy hoạch cũng cần đưa ra con số dự báo về tài chính theo từng giai đoạn thực hiện; cần xác định được mô hình quản lý của vùng thủ đô Hà Nội, là ban chỉ đạo hay hội đồng vùng… phải có sự phân tích kỹ hơn.
Ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn cho biết: Vào ngày 26/4, tại Hà Nội sẽ diễn ra hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia về mô hình nào cho phù hợp và Viện sẽ có báo cáo cụ thể.
Theo : Báo Xây dựng điện tử