Theo báo cáo của KS. Hoàng Văn Thuật, chủ nhiệm đề tài: Các giải pháp nâng cao chất lượng thực tập nghề nghiệp và kỹ năng thực hành cho sinh viên bậc cao đẳng ngành công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, đề tài gồm 3 chương, nội dung chính của đề tài là nghiên cứu thực trạng và các yếu tố chính tác động vào quá trình đào tạo thực tập nghề nghiệp, kỹ năng thực hành cho kỹ thuật viên bậc cao đẳng ngành công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng tại các trường thuộc Bộ Xây dựng quản lý; đề ra các giải pháp đào tạo để nâng cao chất lượng thực tập nghề nghiệp, kỹ năng thực hành cho kỹ thuật viên. Với kết quả nghiên cứu mà đề tài đạt được, sẽ giúp xóa bỏ chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, đáp ứng được sự phát triển nguồn nhân lực mới và các yêu cầu hợp tác nhân lực quốc tế.
ThS. Nguyễn Văn Tuân chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu mô hình đào tạo nghề thủ công công mỹ nghệ và kỹ thuật xây dựng theo địa chỉ tại các làng nghề, doanh nghiệp cũng đã báo cáo trước Hội đồng về kết quả nghiên cứu mà đề tài đạt được. Theo nội dung báo cáo, bố cục của đề tài gồm có 6 phần, mục tiêu chính là nghiên cứu cơ cấu và bố trí lao động tại các làng nghề, các doanh nghiệp trong ngành xây dựng để xác định thực trạng việc sử dụng lao động; nghiên cứu lao động đã qua đào tạo tại các làng nghề truyền thống, các doanh nghiệp trong ngành xây dựng để đánh giá chất lượng đội ngũ lao động trực tiếp tại các làng nghề, các doanh nghiệp; xây dựng các mô hình đào tạo theo địa chỉ để áp dụng theo yêu cầu của người học, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo tay nghề cho người học, phục vụ kịp thời việc cung cấp nguồn nhân lực tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ và các doanh nghiệp. Thông qua đề tài, mô hình đào tạo theo địa chỉ nghề của nhóm biên soạn sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nói chung, đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực cho các làng nghề, doanh nghiệp và của thị trường lao động hiện nay.
Các thành viên trong Hội đồng đã đánh giá cao kết quả mà các chủ nhiệm đề tài đã thực hiện, đây là 2 đề tài được thực hiện khá công phu, phải thông qua nhiều cuộc điều tra khảo sát thực tế, trải qua các thực nghiệm cần thiết để nghiên cứu, thực hiện đào tạo thí điểm theo địa chỉ để nghiên cứu đánh giá chính xác, đưa ra các mô hình đào tạo tại các làng nghề và doanh nghiệp có căn cứ thực tiễn, khoa học, có tính khả thi, đã đáp ứng yêu cầu và đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, đối với đề tài của KS. Hoàng Văn Thuật cần làm rõ hơn nữa về các giải pháp thực hiện, tổ chức và cách quản lý sinh viên; đề tài của ThS. Nguyễn Văn Tuân cần lãm rõ hơn về mô hình đào tạo tại các doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Quang Minh - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường nhất trí với các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng và đề nghị các chủ nhiệm đề tài tiếp thu và chỉnh sửa và có những phân tích kỹ hơn về các phần còn sơ sài, để các đề tài được hoàn thiện và sớm đi vào cuộc sống.
Với kết quả đạt được, 02 đề tài đã được Hội đồng nhất trí nghiệm thu và xếp loại Khá./.
Bích Ngọc