Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; các tỉnh, thành phố có dự án do Phần Lan tài trợ; các nhà tài trợ quốc tế: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GIZ); các chuyên gia của Phần Lan và Việt Nam trong lĩnh vực cấp, thoát nước và vệ sinh môi trường.
Báo cáo tại Hội thảo về quá trình hợp tác giữa Phần Lan và Việt Nam, TS. Nguyễn Tường Văn – Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng cho biết, từ tháng 1/1973, Phần Lan và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao, từ đó đến nay đã trải qua 40 năm, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước luôn được duy trì và phát triển. Trong 40 năm quan hệ ngoại giao, Phần Lan đã đồng hành cùng với Việt Nam và có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của Việt Nam.
Trong suốt 40 năm hợp tác phát triển giữa Phần Lan và Việt Nam, ngành cấp thoát nước và vệ sinh môi trường luôn được Chính phủ hai nước quan tâm và là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu của viện trợ Phần Lan dành cho Việt Nam. Sự hợp tác trong lĩnh vực này kéo dài trong suốt 30 năm qua (1983-2013).
Sự hỗ trợ của Phần Lan dành cho ngành cấp thoát nước và vệ sinh môi trường của Việt Nam bao gồm hỗ trợ kỹ thuật để nghiên cứu thể chế, chính sách, mô hình xã hội hóa dịch vụ cấp nước và vệ sinh môi trường; tăng cường năng lực cho các công ty cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường của các tỉnh, thành phố, thị trấn trong sản xuất và kinh doanh một cách bền vững; đầu tư cải tạo và xây dựng mới một số công trình cấp thoát nước và vệ sinh môi trường ở nhiều địa phương khác nhau của Việt Nam.
Đại sự Phần Lan tại Việt Nam Kimmo Lahdevitra phát biểu chào mừng Hội thảo
Phương thức hỗ trợ vốn ODA của Phần Lan gồm viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi. Đã có nhiều tỉnh, thành phố được thụ hưởng vốn ODA Phần Lan như Hà Nội, Hải Phòng với hai Chương trình cấp nước cho hai thành phố này và hai giai đoạn của Chương trình nước và vệ sinh các thị trấn của Việt Nam của 08 tỉnh gồm : Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng.
Những kết quả hợp tác và nguồn vốn hỗ trợ của Phần Lan trong suốt 30 năm qua đã góp phần đáng kể cho việc cải thiện dịch vụ cấp nước sạch chất lượng cao và dịch vụ vệ sinh cho nhân dân, nhất là người nghèo đô thị, và thúc đẩy phát triển kinh tế của các tỉnh có dự án, góp phần quan trọng cải thiện đời sống nhân dân.
Tại Hội thảo này, các đại biểu đại diện các tỉnh, thành phố của Việt Nam - được thụ hưởng dự án cấp thoát nước và vệ sinh môi trường do Phần Lan tài trợ đều đánh giá cao hiệu quả của các dự án, đồng thời bày tỏ sự cám ơn Chính phủ Phần Lan, các chuyên gia Phần Lan trong việc giúp Việt Nam cải thiện chất lượng cấp nước và vệ sinh môi trường, đào tạo cán bộ vận hành, quản lý trong lĩnh vực cấp thoát nước và vệ sinh môi trường của các địa phương.
Phát biểu tại Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Cao Lại Quang đã gửi lời cám ơn Bộ Ngoại giao Phần Lan, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo này, cho cho rằng đây là dịp để hai bên cùng nhìn lại chặng đường đã qua, vui mừng và tự hào về những kết quả đã đạt được trong mối quan hệ lâu dài và bền vững giữa hai Chính phủ trong lĩnh vực cấp thoát nước và vệ sinh môi trường. Là một trong hai quốc gia đầu tiên hỗ trợ ODA cho Việt Nam từ 40 năm trước, Phần Lan luôn coi trọng chính sách viện trợ, xem đây là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình. Chương trình cấp nước Hà Nội (1985 -2001) là một trong những Chương trình khởi đầu của mối quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước trong lĩnh vực cấp thoát nước và vệ sinh môi trường.Với tổng số vốn cam kết ODA trị giá 385 triệu USD cho thời kỳ 1993-2012, Phần Lan đã giành ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển các công trình cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, xử lý rác thải trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Bên cạnh những công trình có quy mô lớn, đầu tư tại những đô thị trung tâm như Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Quảng Nam, những công trình cấp nước cho các đô thị nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số ở Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Yên Bái, Cao Bằng đã cho thấy chính sách hỗ trợ hợp tác toàn diện của Phần Lan, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nhất là mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Viện trợ phát triển của Phần Lan đang hỗ trợ hết sức hiệu quả choBộ Xây dựng và các cơ quan liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, tăng cường năng lực về thể chế, cải cách công tác quản lý, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp thoát nước và vệ sinh môi trường, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Cao Lại Quang, sự hỗ trợ của Phần Lan không chỉ là đồng vốn khi Việt Nam còn đang nghèo, sự hỗ trợ kỹ thuật khi Việt Nam còn đang khó khăn trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, mà còn mang đậm tình hữu nghị, tính nhân văn, tinh thần cộng đồng tương trợ, được phản ảnh thông qua những hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân Việt Nam về sự tận tụy, hết lòng vì công việc của các chuyên gia Phần Lan.
Thứ trưởng Cao Lại Quang trao Kỷ niệm chương và Bằng khen của Bộ Xây dựng cho Ngài Kimmo Lahdevitra – Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam và các chuyên gia Phần Lan
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ hợp tác phát triển Phần Lan – Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Cao Lại Quang đã trao tặng Kỷ niệm chương và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho Ngài Kimmo Lahdevitra - Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam và các chuyên gia Phần Lan – những người đã có những đóng góp quan trọng cho quan hệ hợp tác giữa Phần Lan và Việt Nam trong lĩnh vực cấp thoát nước và vệ sinh môi trường.
Thứ trưởng Cao Lại Quang và Đại sứ Kimmo Lahdevitra ký kết Hiệp định
Cũng tại Hội thảo này, các đại biểu tham dự đã chứng kiến sự kiện Thứ trưởng Cao Lại Quang và Đại sứ Phần Lan Kimmo Lahdevitra thừa ủy quyền của hai Chính phủ ký Hiệp định về việc Chính phủ Phần Lan tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai chương trình Nước và Vệ sinh các đô thị nhỏ của Việt Nam giai đoạn III./.
Minh Tuấn