Chiều ngày 30/6/2022, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt cùng các Phó Chủ tịch: Nguyễn Minh Luân, Lê Văn Sử chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030; thảo luận giải pháp cải thiện chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Cà Mau. Tại điểm cầu tỉnh Cà Mau, Phó Trưởng Ban pháp chế, thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Ngọc Thạch; Giám đốc chi nhánh VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam đã đến dự.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt phát biểu tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ giai đoạn 2011 - 2020, công tác CCHC của tỉnh Cà Mau đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả lĩnh vực, góp phần quan trọng thu hút các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Nhiều điểm nhấn và sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành đã tạo những kết quả nổi bật trong thực hiện CCHC trong đó phải kể đến việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh; triển khai thí điểm quản lý xe ô tô công tập trung; thực hiện tiếp nhận TTHC “phi địa giới hành chính”; liên thông trong giải quyết TTHC (nộp hồ sơ một lần nhưng nhận 2 hoặc 3 kết quả)... Từ đó, mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể.
Năm 2021, Chỉ số CCHC của tỉnh đạt 85,58%, xếp hạng 46/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 2,12% so với năm 2020); xếp thứ 7 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh đạt 87,92%, xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xếp thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ số PCI tỉnh Cà Mau đạt 64,74 điểm (tăng 1,92 điểm), xếp thứ 32/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 11 hạng) so với năm 2020, xếp thứ 7/13 (tăng 01 bậc) so với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong các tỉnh, thành phố thuộc nhóm điều hành khá trên bản đồ PCI cả nước.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.
Tại hội nghị, tỉnh Cà Mau đã triển khai Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 trong đó tập trung vào 06 nhiệm vụ, 08 giải pháp đột phá. Bên cạnh đó, các chuyên gia và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, đề xuất giải pháp khắc phục tồn tại hạn chế để phấn đấu đến năm 2025, chỉ số CCHC của tỉnh thuộc nhóm 25; đến năm 2030, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số CCHC.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt đề nghị: Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện CCHC, phải có tư duy đổi mới, mạnh dạn thí điểm những vấn đề thực tiễn đặt ra, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, có thêm nguồn lực để phát triển. Triển khai thực hiện cải cách TTHC một cách quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn; xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, thân thiện và tận tình phục vụ nhân dân. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh. Ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số theo lộ trình đề ra. Hướng đến đổi mới mạnh mẽ phương thức chỉ đạo, điều hành, quản lý từ thủ công truyền thống sang điện tử và dựa trên dữ liệu số.