Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) chia sẻ về quá trình xây dựng dự thảo Quyết định 776/QĐ-TTg - Ảnh: VGP
Kết quả đánh giá công khai, nâng cao mức độ hài lòng của người dân
Ngày 23/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 766/QĐ-TTg phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.
Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp gồm 5 nhóm chỉ số thành phần gồm: 1- Công khai, minh bạch; 2- Tiến độ, kết quả giải quyết; 3- Số hóa hồ sơ; 4- Cung cấp dịch vụ trực tuyến; 5- Mức độ hài lòng.
Đối tượng được đánh giá là các bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, UBND các cấp và các cơ quan, đơn vị trực thuộc các cơ quan trên; các cơ quan, đơn vị khác có cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.
Là đơn vị xây dựng dự thảo Quyết định 766/QĐ-TTg, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) cho biết, các bộ, ngành, địa phương đều nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Quyết định phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC.
Theo ông Ngô Hải Phan, trong quá trình chuyển đổi số như hiện nay thì thực hiện chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu theo thời gian thực là một yêu cầu tất yếu.
Nhất là khi kết quả đánh giá được công khai trên cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh (Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh); Cổng Thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương phục vụ chỉ đạo, điều hành, đánh giá kết quả cải cách thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị; theo dõi, giám sát, đánh giá của cá nhân, tổ chức và nâng cao chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Ông Ngô Hải Phan cho biết, dự thảo Quyết định đã được xây dựng đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Các nội dung góp ý đã được Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo.
Đồng thời, từ tháng 12/2021 đến nay, cả 3 nhóm chỉ số (Tiến độ, kết quả giải quyết; cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến) đã được Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, vận hành thử nghiệm thành công theo phương pháp đánh giá dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.
Việc vận hành thử nghiệm này làm cơ sở để tiếp tục xây dựng, vận hành các nhóm chỉ số khác khi dự thảo Quyết định được ban hành.
Từ đó, dự thảo có đủ cơ sở để trình Chính phủ ban hành. Quyết định 766/QĐ-TTg đã được ban hành nhằm đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước các cấp dựa trên dữ liệu theo thời gian thực đối với việc đánh giá, giám sát chất lượng thực thi thủ tục hành chính, giúp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm giải trình, nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
"Quyết định Quyết định 766/QĐ-TTg góp phần cải thiện "điểm nghẽn" lớn nhất trong thực thi cải cách TTHC hiện nay", ông Ngô Hải Phan cho biết.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công - Ảnh: VGP
Bộ chỉ số đánh giá lần đầu áp dụng ở Việt Nam
Tại Quyết định 766/QĐ-TTg, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ xây dựng, quản lý, vận hành Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp; đưa hệ thống vào vận hành chính thức kể từ ngày 01/8/2022.
Theo ông Ngô Hải Phan, trước đó, trong Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ đã giao VPCP xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công để đổi mới công tác theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực thi thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương - khâu yếu nhất của cải cách thủ tục hành chính hiện nay.
"Bộ chỉ số đánh giá dựa trên dữ liệu theo thời gian thực là một vấn đề mới, lần đầu tiên áp dụng với thực hiện TTHC ở Việt Nam", ông Ngô Hải Phan cho biết.
Để xây dựng Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với bộ ngành địa phương với 3 nội dung cụ thể: 1- Xây dựng và đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống đánh giá bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp; 2- phối hợp với bộ, ngành, địa phương xây dựng, thống nhất chỉ tiêu, phương pháp, cách thức đánh giá; 3- tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống để đưa vào triển khai chính thức từ ngày 1/8/2022.
Đánh giá dựa trên dữ liệu theo thời gian thực trên môi trường điện tử
Theo ông Ngô Hải Phan, ở các Bộ Chỉ số khác mà có chỉ số thành phần liên quan đến thủ tục hành chính, dịch vụ công (Parindex, SIPAS, PAPI, PCI) đều thực hiện theo phương pháp tự đánh giá (Parindex) hoặc điều tra xã hội học; thực hiện đánh giá hàng năm, công bố có độ trễ vào năm tiếp theo.
Các chỉ số (SIPAS, PAPI, PCI,...) chỉ đánh giá một số nhóm TTHC (ví dụ: PCI chỉ đánh giá một số nhóm TTHC như cấp phép xây dựng; PAPI chỉ đánh giá một số nhóm TTHC tại cấp xã như hộ tịch,...); hoặc một số đối tượng thực hiện TTHC (PCI đối với doanh nghiệp,...) hoặc một mặt của thực thi thủ tục hành chính (SIPAS đánh giá mức độ hài lòng từ phía bên ngoài đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước...).
Còn Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp ở Quyết định 766/QĐ-TTg thực hiện đánh giá dựa trên dữ liệu theo thời gian thực trên môi trường điện tử (dữ liệu được đồng bộ, chia sẻ từ các Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành...); thực hiện công khai để cá nhân, tổ chức theo dõi, giám sát và phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp hàng ngày.
Việc đánh giá được thực hiện với tất cả các TTHC, dịch vụ công mà cơ quan nhà nước cung cấp (hiện có 6.700 TTHC thực hiện ở các cấp chính quyền) và xem xét toàn diện từ 2 phía: Quá trình, nỗ lực, kết quả thực thi, cung cấp của cơ quan nhà nước và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Bộ Chỉ số ban hành tại dự thảo Quyết định này sẽ phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công.
Đồng thời, Bộ Chỉ số này sẽ giúp tổng hợp, kiểm chứng, thẩm định thêm việc đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của các Chỉ số khác như: Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước... đang được thực hiện hàng năm.
Bên cạnh đó, Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công dựa trên dữ liệu theo thời gian thực giúp kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập trong thực thi thủ tục hành chính; đồng thời cho phép cá thể hóa trách nhiệm đến từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Đây cũng là một trong những biện pháp cải cách hành chính quan trọng giúp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và đổi mới lề lối, phương thức làm việc của các bộ, ngành, địa phương.
"Đây cũng là bước mở đầu để có thể hướng tới nhân rộng thực hiện chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu theo thời gian thực ở các lĩnh vực quản lý nhà nước", ông Ngô Hải Phan chia sẻ.