Ưu tiên giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Thứ tư, 17/03/2021 14:18
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện thủ tục hành chính không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là nhiệm vụ cấp bách.

Người dân tham gia dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Năm 2020, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân nói riêng tiếp tục là ưu tiên của Chính phủ. Điều này được thể hiện xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam theo xếp hạng năm 2019 tăng 3,5 điểm và tăng 10 bậc. Kết quả cải thiện môi trường kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2020 tăng 1,2 điểm...

Tuy vậy, chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn tiếp tục thuộc nhóm thấp và trung bình thấp, chỉ xếp thứ 5 hoặc thứ 6 trong các nước ASEAN. Thực tế này đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ và có những đột phá thực sự để đạt mục tiêu vào nhóm 4 nước đứng đầu khu vực.

APCI 2020 có sự cải thiện

 Tại Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Chính phủ đã giao Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện khảo sát, đánh giá và công bố thường niên Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI).

APCI cho thấy một bức tranh chân thực và sinh động về chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thông qua các số liệu và thông tin thực tế, APCI phản ánh khách quan mức độ cải cách, cải thiện các thủ tục hành chính, quy định của pháp luật về môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi pháp luật, chính sách của các bộ, ngành, địa phương.

Bà Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cho biết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ đặt ra mục tiêu kép vừa phải khống chế dịch bệnh, vừa phải duy trì tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là năm cuối cùng của nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV.

Báo cáo APCI 2020 mang một thông điệp quan trọng: ghi nhận những thành công cũng như tiếp tục phát hiện những điểm cần cải thiện của Chính phủ kiến tạo, qua ý kiến đánh giá của các doanh nghiệp đã trải nghiệm quá trình giải quyết thủ tục hành chính/dịch vụ hành chính ở 9 nhóm quan trọng: đầu tư; giao dịch thương mại qua biên giới; khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; môi trường; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đất đai; xây dựng; thuế và kiểm tra chuyên ngành.

Kết quả APCI 2020 phản ánh những cải cách liên tục, bền bỉ và quyết liệt của Chính phủ hướng tới doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục thúc đẩy cải cách nền hành chính, chuyển đổi số và cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
 
Báo cáo được kỳ vọng sẽ giúp cho Chính phủ có được kênh thông tin tham khảo hiệu quả nhằm tiếp tục đưa ra các quyết sách phù hợp để tiếp tục thúc đẩy mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

"Kết quả APCI 2020 tốt hơn năm 2018 và 2019, phản ánh những nỗ lực cải cách của Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương trong thời gian qua. Thông tin đầu vào của APCI xuất phát từ những trải nghiệm thực tế của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính để phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh và hỗ trợ việc định vị 63 địa phương thực thi 9 nhóm thủ tục hành chính ở trên một ma trận bốn góc riêng biệt," bà Phạm Ngọc Thủy cho hay.

Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã nhận được ý kiến và chia sẻ thông tin thông qua phiếu khảo sát của gần 3.000 doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính trên cả nước trong sáu tháng cuối năm 2019 (từ tháng 7 đến tháng 12/2019) về thời gian và các chi phí cần thiết để thực hiện thủ tục hành chính.

Nhóm tư vấn cũng tiếp nhận các ý kiến trực tiếp thông qua khảo sát chuyên sâu với các cơ quan quản lý nhà nước thuộc địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia và các doanh nghiệp tại 7 tỉnh/thành (Lạng Sơn, Nam Định, Hà Nội, Đắk Lắk, Kon Tum, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh).

Giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử là ưu tiên hàng đầu

Theo Giám đốc Văn phòng Ban IV Phạm Ngọc Thủy, khảo sát đối với nhóm thủ tục hành chính thuế cho thấy đây là nhóm dẫn đầu với điểm số cao và mức phí tuân thủ thấp. Mức độ cải thiện chung của nhóm này được đánh giá ở mức cao nhất trong số 9 nhóm thủ tục hành chính.

Theo lý giải của bà Phạm Ngọc Thủy, sự cải thiện của nhóm thuế là do có sự giảm lớn tất cả các chi phí thành phần là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp. Thời gian thực hiện thủ tục giảm 19% và chi phí trực tiếp giảm tới 79%, kéo tổng chi phí cho việc thực hiện một thủ tục hành chính giảm 66% so với năm 2019.

Thành công đó có được nhờ vào việc áp dụng việc xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” được liên tục duy trì và cải thiện trong những năm gần đây.

Hầu hết các trường hợp thực hiện nhóm thủ tục hành chính thuế đều không phát sinh chi phí trực tiếp (do không phát sinh nghĩa vụ về phí/lệ phí với các thủ tục hành chính). Chi phí trực tiếp trên thực tế chỉ phát sinh ở một số trường hợp đặc biệt như thủ tục hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với doanh nghiệp (có doanh nghiệp cho biết chi phí xin sao kê, đóng bộ hồ sơ hết 2 triệu đồng).

Đặc biệt, 100% doanh nghiệp được khảo sát đều khẳng định không phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ cơ quan nhà nước khi thực hiện các thủ tục khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ và hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với doanh nghiệp.

Khảo sát APCI 2020 ghi nhận sự thay đổi tích cực về quá trình làm việc với đoàn kiểm tra của cơ quan thuế xuống làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp trong thủ tục hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp phải làm việc trực tiếp với đoàn kiểm tra của cơ quan thuế tại doanh nghiệp, chi phí thời gian và chi phí trực tiếp dành cho việc tiếp đón đều giảm đáng kể.

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết tính đến tháng 11/2019, có 99,9% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử; 99,6% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, 93,6% doanh nghiệp hoàn thuế điện tử trên toàn quốc.

Ngành thuế đã từng bước hoàn thiện mô hình thủ tục thuế điện tử và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính, giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân.

Làm thủ tục xuất khẩu hàng nông sản cho các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Thái Thuần/TTXVN)

Mặc dù có những cải thiện đáng kể về điểm APCI trong năm 2020, báo cáo cũng cho thấy còn có nhiều cơ hội cải cách thủ tục hành chính để giúp cho doanh nghiệp có thể phát triển trong bối cảnh Việt Nam vừa phải thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch, vừa đối mặt với các vấn đề phát sinh từ đại dịch COVID-19.

"Việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, các bộ, ngành. Điều này đã cho thấy sự đúng đắn trong chỉ đạo, đã góp phần rất lớn thúc đẩy một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và tạo dựng niềm tin để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh," Giám đốc Văn phòng Ban IV cho hay./.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)