Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội: Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công

Thứ năm, 27/02/2020 12:12
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ước tính đến cuối tháng 02/2020, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội có tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn ước đạt 2.148.787 tỷ đồng, tăng 1,74% so với 31/12/2019. Trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1.927.977 tỷ đồng chiếm 89,72% và tăng 1,91%, dư nợ ngắn hạn tăng 1,97%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,86%; dư nợ VND tăng 2,14%, dư nợ ngoại tệ tăng 0,05%.

Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 gây tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội sẽ triển khai. Dự kiến đến 29/02/2020, nợ quá hạn của các TCTD trên địa bàn chiếm 1,98%/tổng dư nợ. Tình hình thanh khoản của các TCTD trên địa bàn đảm bảo.

 Trong tháng 02, các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. Dự kiến dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 175.446 tỷ đồng, chiếm 9,1%; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 102.337 tỷ đồng, chiếm 5,31%; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 367.742 tỷ đồng, chiếm 19,07%; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 48.614 tỷ đồng, chiếm 2,52%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 7.808 tỷ đồng, chiếm 0,41%; cho vay chính sách xã hội đạt 7.924 tỷ đồng, chiếm 0,41%.

Dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đến 29/02/2020 ước đạt 546.020 tỷ đồng. Lãi suất cho vay phổ biến 5%-6%/năm đối với vay ngắn hạn, 8%-9%/năm đối với vay trung và dài hạn. Đặc biệt, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên và có xếp hạng tín dụng tốt vay vốn các NHTM lớn được hưởng lãi suất ưu đãi thấp hơn.

Các TCTD trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp huy động vốn, tăng cường tiếp cận các khách hàng có nguồn vốn nhàn rỗi nên nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn có xu hướng tăng so với cuối năm 2019. Dự kiến đến 29/02/2020, tổng nguồn vốn huy động đạt 3.566.181 tỷ đồng, tăng 1,75% so với 31/12/2019, tăng 13,03% so với cùng kỳ năm trước; Trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 1,74%, tiền gửi thanh toán tăng 1,89%, tiền gửi bằng VND tăng 2,09% so với 31/12/2019.

Nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, khách hàng, các nhu cầu đầu tư khác cũng như đảm bảo thanh khoản của các TCTD.

Trong tháng 3 và những tháng tiếp theo, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2020 theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam, bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng. Thường xuyên đánh giá về tình hình tín dụng theo ngành, lĩnh vực để điều chỉnh kế hoạch tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, diễn biến tình hình thực tế. Mở rộng tín dụng có hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả chương trình kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 gây tác động không nhỏ đến hoạt động SXKD của DN.

Tiếp tục triển khai phương án cơ cấu lại, thực hiện các giải pháp để xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và các văn bản chỉ đạo của NHNN Việt Nam; phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc thi hành các bản án có hiệu lực; kịp thời báo cáo NHNN TP Hà Nội những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý trong quá trình cơ cấu lại, xử lý nợ xấu.

Chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị cung cấp dịch vụ của Thành phố triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng thanh toán điện tử phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các lĩnh vực như chi trả tiền lương hưu, bảo hiểm xã hội, thanh toán tiền điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí.


Theo Hà Nội portal

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)