Cụ thể, xây dựng Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, thay thế các nghị định liên quan hiện hành. Trong đó, sẽ rà soát và quy định nhằm bảo đảm việc giảm thiểu quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện tuyển dụng, nâng ngạch công chức; cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong tuyển dụng, nâng ngạch.
Đồng thời, rà soát, bổ sung các quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ đối với công chức lãnh đạo, quản lý để bảo đảm phù hợp với quy định mới của Đảng về công tác cán bộ; quy định chi tiết các chính sách ưu đãi đối với người dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, xây dựng Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức, rà soát và quy định nhằm bảo đảm việc giảm thiểu quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện tuyển dụng, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong tuyển dụng, nâng ngạch; quy định chi tiết các chính sách ưu đãi đối với người dân tộc thiểu số.
Đồng thời, xây dựng Nghị định quy định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, thay thế các văn bản liên quan hiện hành và rà soát kết hợp quy trình đánh giá Đảng, đoàn thể, chính quyền để bảo đảm không trùng lắp, giảm thủ tục hành chính; quy định chi tiết tiêu chí các mức phân loại đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.
Xây dựng Nghị định quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, thay thế các nghị định liên quan hiện hành và quy định chi tiết khoản 15 Điều 1; khoản 11 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung; rà soát quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ; Xây dựng Nghị định quy định về quản lý người giữ chức danh, chức vụ, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN, quy định chi tiết khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị định và các tài liệu liên quan sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, trình Chính phủ trong tháng 4-2020.
Bộ trưởng Nội vụ cũng cho rằng, công tác đánh giá cán bộ là khâu còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, viên chức đã quy định nguyên tắc việc thực hiện đánh giá phải theo tiêu chí cụ thể, gắn với kết quả, sản phẩm, thực hiện hàng năm, trước khi luân chuyển, bổ nhiệm. Đồng thời, giao cho người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quy định tiêu chí đánh giá cụ thể bảo đảm đáp ứng nguyên tắc của Luật đề ra và quyết định thực hiện đánh giá theo quý, tháng, tuần phù hợp với đặc thù công việc cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Vì vậy, trong các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ quy định chi tiết nhất có thể. Kết quả đánh giá xuất sắc gắn với các tiêu chí như hiện nay phải có đề tài, đề án được đăng ký, đánh giá như vậy cũng tiệm cận đến với tiêu chí bằng kết quả, sản phẩm cụ thể. Nhưng cũng cần phải có tiêu chí cụ thể hơn, có những đề tài, đề án mà thực hiện là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức thì như vậy có phải là căn cứ để đánh giá xuất sắc hay không? Rồi có những đề tài, đề án không có hiệu quả áp dụng cũng được đăng ký và là căn cứ để đánh giá xuất sắc cũng không phù hợp…
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, việc thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp Vụ, cấp Phòng theo Thông báo kết luận số 202-KL/TW, ngày 26-5-2015 của Bộ Chính trị và Công văn số 3135-CV/VPTW ngày 16-1-2017 của Ban Bí thư đã xác định 14 cơ quan Bộ, ban, ngành Trung ương và 22 địa phương thực hiện thí điểm.
Hiện nay, theo đúng tiến độ, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả thực hiện thí điểm. Căn cứ vào kết quả thực hiện, và những thuận lợi, khó khăn sẽ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét quyết định việc tiếp tục thực hiện, mở rộng đối tượng thực hiện hay không đối với chủ trương thí điểm này.
Theo Phapluatxahoi.vn