Trong đó, các phương án đơn giản hóa TTHC thuộc lĩnh vực nhà ở, xây dựng nhà ở tập trung theo hướng quy định rõ ràng hơn về trình tự, cách thức thực hiện, về thành phần, số lượng hồ sơ, giảm thiểu thời gian thực hiện TTHC... nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cá nhân, tổ chức.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đã kiến nghị bãi bỏ quy định về việc thu phí xây dựng, bãi bỏ quy định về "thời hạn có hiệu lực khởi công" của giấy phép xây dựng, qua đó bãi bỏ nhóm thủ tục về gia hạn giấy phép xây dựng. Việc bãi bỏ này giúp cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện nhóm thủ tục cấp giấy phép xây dựng.
Ngoài ra, theo phương án đơn giản hóa, Bộ Xây dựng đã tách các dự án phát triển nhà ở theo nguồn vốn đầu tư, gồm loại dự án thuộc nguồn vốn ngân sách và loại không thuộc nguồn vốn ngân sách.
Trong đó với nhóm dự án phát triển nhà ở thuộc nguồn vốn ngân sách, TTHC được đơn giản hóa là gắn nội dung thẩm định và phê duyệt thành 1 quy trình thống nhất (trước đây, thủ tục thực hiện 2 nội dung này riêng rẽ nhưng lại rườm rà, gây nhiều khó khăn khi thực hiện). Bộ Xây dựng còn đơn giản hóa thành phần hồ sơ, đồng thời rút ngắn thời gian giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng để chủ đầu tư nhận được kết quả cuối cùng là quyết định phê duyệt.
Dự kiến tiết kiệm 1.481 tỷ đồng/năm
Theo tính toán, riêng việc Bộ Xây dựng đơn giản hóa 16 TTHC thuộc lĩnh vực nhà ở, xây dựng nhà ở đã có thể tiết kiệm được 1.481 tỷ đồng/năm.
Chẳng hạn, đối với thủ tục cấp giấy phép xây dựng những công trình trên các tuyến, trục đường phố chính trong đô thị, chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa là gần 292 tỷ đồng/năm, chi phí sau khi đơn giản hóa là gần 66 tỷ đồng năm. Như vậy, khoản chi phí tiết kiệm là 226 tỷ đồng/năm, tỷ lệ cắt giảm chi phí lên tới 77%...
Trao đổi thêm với Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, được biết, để thực thi các phương án đơn giản hóa của 16 thủ tục trên, dự kiến sẽ phải sửa 1 Pháp lệnh, 2 Nghị định và 3 Thông tư. Đó là Pháp lệnh 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 6/3/2006; Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009; các Thông tư: 03/2009/TT-BXD ngày 26/3/2009, 10/2009/TT-BXD ngày 15/6/2009, 97/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006.
16 TTHC thuộc lĩnh vực nhà ở, xây dựng nhà ở gồm: 12 TTHC về giấy phép xây dựng, trong đó có giấy phép xây dựng nhà ở tại các cấp của chính quyền địa phương; 4 TTHC về chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định và phê duyệt các dự án phát triển nhà ở.
Theo : www.chinhphu.vn