Tên đề tài: Nghiên cứu công nghệ xử lý và tái chế phế thải của quá trình luyện cốc làm phụ gia siêu dẻo cho bê tông

Thứ hai, 24/11/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mã số đề tài: RDMT 01-04Chủ nhiệm đề tài: ThS. Vương Ly Lan.Cơ quan chủ trì thực hiện: Viện Vật liệu xây dựng.Địa chỉ tài liệu: KQNC.1110. Thư viện KHCN - Bộ Xây dựng.

Mục tiêu đề tài:

Môi trường và sự phát triển bền lâu đang là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam, cũng như tất cả các quốc gia trên thế giới và là một trong những đặc trưng cơ bản của thời đại. Quản lý chất thải là nội dung quan trọng nhất trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và kiểm soát ô nhiễm nói riêng.

Theo Chiến lược quản lý chất thải rắn ở các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, mục tiêu tổng quát là: Hình thành một hệ thống đồng bộ các yếu tố về chính sách, luật pháp, thể chế tổ chức, quy hoạch, kế hoạch, công nghệ, kỹ thuật… để quản lý hiệu quả các loại chất thải rắn phát sinh tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.


Một trong những quan điểm cơ bản của Chiến lược là: Giảm thiếu sự phát sinh chất thải rắn tại nguồn, thu hồi, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn được coi là quốc sách, nhằm giảm gánh nặng cho việc xử lý chất thải “cuối đường ống”, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn ngày càng trở nên khan hiếm.

Trong những năm gần đây, kỹ thuật sử dụng hiệu quả sản phẩm phụ và chất tải đã được nghiên cứu ứng dụng rộng rãi. Kỹ thuật này được đánh giá là có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ trên phương diện kinh tế mà cả trên quan điểm bảo vệ môi trường toàn cầu.

Ngày nay, phụ gia hoá học cho vữa và bê tông có vai trò hết sức quan trọng trong ngành công nghiệp bê tông. Sử dụng phụ gia hoá học được coi là một yêu cầu bắt buộc, một thành phần chính không thể thiếu của tất cả các loại bê tông. Vì vậy sử dụng hiệu quả sản phẩm phụ và tái chế các phế thải công nghiệp theo hướng tạo ra phụ gia bê tông là một trong những cách sản xuất phụ gia bê tông đạt hiệu quả cao về kinh tế - kỹ thuật và khắc phục ô nhiễm môi trường.

Ở nước ta, tại Nhà máy Cốc hoá - Công ty Gang thép Thái Nguyên, sản phẩm phụ của quá trình luyện cốc gồm rất nhiều hợp chất hữu cơ quan trọng được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau như: naphtalen, toluen, benzen, phenol… nhưng do nền công nghiệp hoá chất của chúng ta chưa phát triển, nên hầu hết các sản phẩm phụ này chưa được tận thu để sử dụng và trở thành chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Nhằm sử dụng hiệu quả sản phẩm phụ và xử lý tái chế phế thải của quá trình luyện cốc, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm mới cho xã hội. Vì vậy, mục tiêu nghiên cứu của đề tài là:

Nghiên cứu chế tạo và thiết lập quy trình công nghệ sản xuất phụ gia siêu dẻo cho bê tông trên cơ sở thu gom, xử lý phế thải công nghiệp luyện cốc ở Nhà máy Cốc hoá - Công ty Gang thép Thái Nguyên, nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nội dung đề tài:

- Khảo sát, đánh giá, phân loại chất thải sinh ra trong công nghiệp luyện cốc , từ đó đề xuất quy trình thu gom, xử lý.

- Xác định các thông số kỹ thuật để chế tạo phụ gia như: tỷ lệ giữa các chất, thời gian và nhiệt độ thực hiện phản ứng.

- Nghiên cứu ảnh hưởng của phụ gia chế tạo đến một số tính chất của xi măng và bê tông.

- Xác định các chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản cho phụ gia chế tạo.

- Xây dựng quy trình công nghệ sản xuất phụ gia siêu dẻo từ chất thải của quá trình luyện cốc.

Kết quả đề tài:

Đề tài đã nghiên cứu thành công công nghệ xử lý và tái chế phế thải của công nghệ luyện cốc ở Nhà máy Cốc hoá - Công ty Gang thép Thái Nguyên, để chế tạo phụ gia siêu dẻo chủng loại G phù hợp tiêu chuẩn ASTM C 494–99. Trên cơ sở đó, thiết lập quy trình công nghệ thu gom, xử lý và tái chế phế thải của quá trình luyện cốc, để thu được phụ gia bê tông SD-05 có các chỉ tiêu kỹ thuật cụ thể như sau:

- Dạng sản phẩm: Lỏng

- Màu sắc: Nâu đen

- Tỷ trọng: 1,16 g/cm3 ÷ 1,3 g/cm3

- Hàm lượng chất khô: 25% ÷ 30%

- Độ pH: 7 ÷ 9

- Hàm lượng ion Clo: 0%

Quy trình chế tạo phụ gia siêu dẻo SD-05 đơn giản, dễ thực hiện, cho phép giảm chi phí chế tạo thiết bị, giảm chi phí năng lượng… dẫn đến giá thành sản phẩm hạ.

Việc sản xuất phụ gia siêu dẻo SD-05 từ phế thải của quá trình luyện cốc có ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế-xã hội, nó đã góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả sản phẩm phụ, giảm thiểu lượng chất thải trong quá trình luyện cốc, tăng thêm việc làm cho người lao động.


Thư viện Bộ Xây dựng

 
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)