Sử dụng rác thải xây dựng để hồi phục sinh thái

Thứ năm, 12/04/2018 15:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Từ khi mở cửa cải cách đến nay, quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc phát triển với tốc độ cao. Cùng với việc khai thác quá mức tài nguyên tự nhiên cho hoạt động phát triển và đô thị hóa, Trung Quốc cũng xả ra môi trường tự nhiên một lượng rác thải rất lớn. Quá trình khai thác tài nguyên dẫn đến các ngọn núi đồi bị hủy hoại, trơ trụi, làm cho hệ sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mỗi năm, lượng rác thải xây dựng ở Trung Quốc đã vượt trên 1 tỷ tấn từ hoạt động xây dựng mới, sửa chữa, phá dỡ…, chiếm một diện tích lớn đất đai để chứa và chôn lấp rác, khiến cho quá trình phát triển đô thị gặp nhiều khó khăn. Cần tiến hành xử lý tài nguyên hóa đối với rác thải xây dựng thì mới bảo đảm môi trường sinh thái và giảm lượng rác thải xây dựng. 

1. Tài nguyên hóa rác thải xây dựng có ý nghĩa quan trọng

Rác thải xây dựng chiếm một lượng đất đai đáng kể cho việc chứa và chôn lấp. Hiện nay, biện pháp xử lý rác thải xây dựng của Trung Quốc chủ yếu là chuyển trực tiếp ra các bãi rác tập trung ở khu vực ngoại ô hoặc tiến hành chôn lấp, cứ 10.000 tấn rác thải xây dựng ít nhất cần 66,7m2 đất để chứa. Trong khi Trung Quốc lại có số dân đông, diện tích đất trên đầu người thấp, do đó, việc giảm thiểu lượng rác thải xây dựng chôn lấp, tái chế, tái sử dụng rác thải xây dựng là một nhu cầu bức thiết.

Rác thải xây dựng làm ô nhiễm đất và nước ngầm. Trong rác thải xây dựng tồn tại những tạp chất hóa học có hại như sơn…, sau khi được tập trung tại bãi rác hoặc chôn lấp, những tạp chất hóa học có hại này thể dần dần ngấm vào trong đất làm ô nhiễm đất và nước ngầm. Ngoài ra, trong quá trình phá dỡ các công trình kiến trúc, những tấm xi măng lớn, gạch đá… có thể lẫn vào trong đất, làm hủy hoại kết cấu đất, giảm chất lượng đất. Trong rác thải xây dựng tồn tại những kim loại nặng, sau khi chôn lấp sẽ bị lẫn và ngấm vào đất, có một số kim loại nặng đã bị nước mưa xói mòn và ngấm dần xuống lòng đất, ô nhiễm nguồn tài nguyên nước, làm hủy hoại nguồn tài nguyên nước quý giá.

Rác thải xây dựng làm ô nhiễm không khí. Trong quá trình phá dỡ công trình xây dựng và vận chuyển rác thải xây dựng tạo ra nhiều khói bụi các hạt nặng, khi nghiêm trọng có thể tạo thành hiện tượng khói bụi công nghiệp, những loại khói bụi này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng không khí. Ngoài ra, trong một số chất sơn còn tồn tại những khí độc hại như Formaldehyde, sulphur dioxide…, có thể từ trong rác thải xây dựng thoát vào trong không khí làm ô nhiễm bầu không khí.

Rác thải xây dựng gây ra những tai họa rình rập tới an toàn của xã hội. Rác thải xây dựng chất đống một cách bừa bãi mà không dùng biện pháp tiến hành đầm nén và che phủ, dễ dẫn tới sự cố sụp đổ. Đặc biệt vào thời tiết mưa bão dẫn dễ xảy ra sạt lở. Đã có những vụ sạt lở bãi rác thải xây dựng vào thời tiết mưa bão gây tổn thất tài sản tính mạng rất lớn tới khu vực lân cận.

2. Tính khả thi của tài nguyên hóa rác thải xây dựng

Để thúc đẩy tài nguyên hóa rác thải xây dựng và giảm ô nhiễm môi trường từ rác thải xây dựng, Trung Quốc đã ban hành hàng loạt các quy định pháp luật có liên quan. Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 của Trung Quốc đã xác định rõ ràng và đưa ra chính sách cơ bản về bảo vệ môi trường và thực hiện tiết kiệm tài nguyên, xây dựng môi trường xã hội tốt, thiết lập hệ thống sử dụng tuần hoàn nguồn tài nguyên trong xã hội. Những chính sách quốc gia này là cơ sở cho việc thực hiện tài nguyên hóa rác thải xây dựng.

Đã có nhiều nước trên thế giới thành công trong việc tái chế, tái sử dụng rác thải xây dựng, là những bài học kinh nghiệm tốt để Trung Quốc học tập, ví dụ như CHLB Đức có tỷ lệ thu gom và tái sử dụng rác thải xây dựng lến tới 95%, Hà Lan và Singapore khoảng 70%.

Hiện nay, cơ sở pháp lý và nền tảng kỹ thuật cho việc tài nguyên hóa rác thải xây dựng ở Trung Quốc đã khá tốt. Bên cạnh việc nhập khẩu công nghệ, thiết bị của các nước tiên tiến, Trung Quốc cũng đã dần tự chủ nghiên cứu và chế tạo các thiết bị công nghệ về tái chế, tái sử dụng rác thải xây dựng. Máy nghiền rác thải xây dựng do Trung Quốc chế tạo không những rút ngắn được thời gian nghiền mà còn giảm được giá thành, thiết bị có tính linh hoạt và hiệu quả vận hành cao.

3. Dùng rác thải xây dựng để khôi phục đồi núi

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, nhu cầu của con người về khai thác tài nguyên thiên nhiên ngày càng tăng cao, dẫn tới việc tiến hành khai thác một cách thiếu kiểm soát tài nguyên thiên nhiên. Trong quá trình khai thác, do ý thức bảo vệ môi trường còn kém, đã không chú ý bảo vệ tốt môi trường sinh thái và môi trường tự nhiên, dẫn tới cân bằng sinh thái bị hủy hoại. Ví dụ, quá trình khai thác đá đã làm cho bề mặt của thảm thực vật bị tiêu diệt, cho dù thảm thực vật có khả năng tự hồi phục, nhưng khả năng hồi phục của thảm thực vật lại không thể theo kịp với tốc độ hủy hoại của con người, dẫn tới hệ thống thảm thực vật núi non bị hủy hoại nghiêm trọng. Sau khi việc khai thác kết thúc, con người lại không kịp thời hoàn thổ, dẫn tới xuất hiện hiện tượng xói mòn, sạt lở đất...

Quá trình khôi phục đồi núi bằng rác thải xây dựng được tiến hành gồm nhiều bước. Trước tiên, cần phân loại rác thải xây dựng. Rác thải xây dựng có thể phân thành thành 5 loại khác nhau: đất đào, đào đường, rác thải sản xuất vật liệu xây dựng, thi công xây dựng và rác thải khi tháo dỡ công trình xây dựng. Trong đó, rác thải xây dựng từ đất đào và đào đường chủ yếu là đá vụn và đất vụn; Rác thải sản xuất vật liệu xây dựng chủ yếu là bê tông phế thải; Rác thải trong sản xuất thi công xây dựng chủ yếu là gạch vụn, mảng vỡ bê tông, vỏ bao đóng gói, vật liệu kim loại, gỗ vụn…; Rác thải từ quá trình tháo dỡ công trình xây dựng cũ xuống cấp chủ yếu là vụn bê tông, gạch vụn và đá, bụi… Từ những loại rác thải đó cần tiến hành tập trung và phân loại.

Trên cơ sở phân loại rác thải xây dựng, lựa chọn các mảng gạch, đá kích thước lớn để san lấp vào các chỗ trũng do khai thác tài nguyên, tạo thành một mặt bằng chắc chắn. Sauđó, lần lượt sử dụng gạch đá phế thải có kích thước từ lớn tới nhỏ rải lên và đầm chặt làm cho nền móng vững chắc hơn.

Sau khi hoàn thành phần móng, sử dụng phần đất đào và phế thải đào đường để tu bổ phần bề mặt của núi, để bề mặt núi có một lớp đất có độ dầy nhất định, tiến hành đầm nén để đảm bảo bề mặt đó sẽ không bị sạt lở. Độ dầy nhất định của bề mặt có thể tạo môi trường sinh trưởng tương đối tốt cho thực vật. Thực vật bao phủ có hiệu quả trong việc giảm khả năng gây tổn hại tự nhiên như sạt lở đất, làm cho đồi núi vững chắc, tái tạo trạng thái tự nhiên ban đầu.

Sau khi hoàn thành tu bổ đồi núi, còn có thể xem xét việc tạo ra cảnh quan cho khu vực. Sử dụng phế thải bê tông làm nền đường hoặc tái chế thành bê tông cốt liệu phế thải để làm đường trong khu vực. Sử dụng gỗ phế thải xây dựng để dựng các trạm nghỉ, trạm dịch vụ phục vụ khách thăm quan. Ngoài ra, để khu vực khôi phục trở thành danh lam thắng cảnh thì còn cần những kiến trúc tiểu cảnh, điêu khắc… có thể tận dụng phế liệu xây dựng để tạo hình.

Bên cạnh việc tái chế, tái sử dụng rác thải xây dựng làm vật liệu xây dựng, vệc tái sử dụng rác thải xây dựng để tu bổ thiên nhiên là một hướng đi mới, góp phần giảm lượng rác thải xây dựng và cải thiện môi trường sinh thái.


Theo tạp chí xây dựng kiến trúc Trung Quốc số 24/2017
ND: Khánh Ly 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)