Quản lý xây dựng đô thị tại các đô thị ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng

Thứ năm, 16/03/2017 11:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mở đầuTrong bối cảnh các thách thức và áp lực ngày càng gia tăng trong thế kỉ 21 như thiên tai, nước biển dâng hệ quả của quá trình biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra hiện nay trên thế giới đang đe dọa trực tiếp đến các đô thị ven biển ở nước ta. Trong công tác quy hoạch xây dựng đô thị đã bắt đầu lồng ghép các giải pháp ứng phó BĐKH và nước biển dâng thì công tác qủan lý đô thị thực hiện quy hoạch lại chưa được chú ý thích đáng. Bởi vì, chúng ta đang đều hướng tới một đô thị thích ứng với BĐKH và có khả năng chống chịu trong tương lai, cần phải có cơ chế, mô hình tổ chức quản lý đô thị thích hợp ứng phó với BĐKH và nước biển dâng. Với chiến lược này sẽ giúp các đô thị tồn tại, phát triển mạnh mẽ và bền vững. 

Thực trạng công tác quản lý xây dựng tại các đô thị Ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (2007), Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng BĐKH và nước biển dâng. Hằng năm, hàng chục triệu người phải chịu đựng và sống chung với những diễn biến thất thường của thời tiết, những ảnh hưởng do BĐKH gây ra: Triều cường, bão, lũ, xâm nhập mặn, nước biển dâng, sạt lở, nắng nóng, rét đậm rét hại, mưa đá… BĐKH đã, đang và sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến toàn bộ môi trường sống của con người và tự nhiên, tạo nên những thách thức to lớn đối với sự phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn, đặc biệt là đối với các đô thị ven biển. Không chỉ có vậy, BĐKH và nước biển dâng còn gây ra tình trạng xói lở, nhiễm mặn, ngập lụt do triều cường ở các xã, phường ven biển… Sự bất thường của diễn biến thời tiết không theo chu kỳ nữa mà đã liên tục xảy ra yếu tố bất định trong BĐKH trên khắp mọi miền, tại mọi thời điểm.

Các đô thị ven biển đang phải hứng chịu nhiều loại biến động và tình huống căng thẳng trong đó có thiên tai, bão, nước biển dâng và cả những vấn đề do con người gây ra như chuyển biến kinh tế hay quá trình đô thị hóa nhanh chóng.

Những biến động lớn và tình huống căng thẳng này có khả năng làm ngừng trệ các hệ thống của đô thị và làm đảo ngược các thành quả phát triển kinh tế - xã hội phải nhiều năm mới đạt được. Để các đô thị tăng trưởng và phát triển phồn thịnh trong tương lai thì phải có biện pháp xử lý những biến động lớn và tình huống căng thẳng trên. Nói một cách đơn giản, một đô thị có khả năng thích ứng là đô thị thích nghi được với những kiểu tình huống mới này và đứng vững trước những biến động lớn, đồng thời vẫn bảo đảm cung cấp những dịch vụ thiết yếu cho người dân. Đô thị ven biển có khả năng thích ứng sẽ không ngừng tiến tới thực hiện những mục tiêu dài hạn của mình bất chấp những trở ngại gặp phải trên con đường phát triển.

Đô thị ven biển là những hệ thống phức tạp và cũng như mọi hệ thống khác, phụ thuộc nhiều vào sự vận hành suôn sẻ của từng cấu phần và cơ cấu tổ chức chung mà đô thị là một thành phần trong đó. Khả năng thích ứng của thành phố vì vậy chịu ảnh hưởng từ khả năng thích ứng của những hệ thống cả chung và riêng này. Xáo trộn trong những dịch vụ cơ bản mà thành phố cung cấp có thể gây ra những ảnh hưởng dây chuyền vượt ra ngoài khuôn khổ của bản thân nó. Sự phức tạp cũng dẫn đến việc xây dựng khả năng thích ứng là một thách thức rất lớn.

Tập trung vào một mục tiêu chính sách nào đó, như phát triển kinh tế đô thị, mà không tính đến những yếu tố khác có thể dẫn tới những kết cục không mong muốn. Những quyết định này có thể dẫn đến những cái giá phải trả, những hậu quả khôn lường, hay là sự kết hợp của cả hai. Vì thế, để xây dựng được một đô thị có khả năng thích ứng đòi hỏi phải có cách tiếp cận đồng bộ, đa ngành, năng động.

Hiện nay, nhà nước đã ban hành một số cơ chế chính sách ứng phó với BĐKH và nước biển dâng. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai thực hiện các văn bản pháp lý đối với từng ngành từng lĩnh vực cụ thể còn chưa được hoàn thiện nhất là trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị. Việc chưa lồng ghép các quy chuẩn tiêu chuẩn vào thiết kế quy hoạch, kiến trúc đô thị ứng phó với BĐKH và nước biển dâng dẫn đến tính khả thi của các đồ án khi triển khai xây dựng chưa đạt hiệu quả cao.

Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt việc tổ chức quản lý xây dựng đô thị tại các đô thị ven biển cũng chưa được chú trọng, không thấy sự khác biệt giữa mô hình quản lý các đô thị ven biển với đô thị đồng bằng và đô thị miền núi, mặc dù mức độ ảnh hưởng tại các đô thị có sự khác nhau. Cần phải lồng ghép các nội dung ứng phó với BĐKH và nước biển dâng vào các Nghị quyết đảng bộ các cấp, quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch các ngành, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị theo từng giai đoạn để quản lý và xem như một tiêu chí để đánh giá chất lượng đô thị đối với các đô thị ven biển.

Bên cạnh đó, vấn đề huy động sự tham gia cộng đồng trong công tác lập và quản lý quy hoạch đô thị hiện nay chưa hiệu quả, đặc biệt là trong công tác kiểm tra giám sát thực hiện quy hoạch. Phần lớn cư dân tại đô thị ven biển, cuộc sống và lao động của họ gắn liền với biển, BĐKH và nước biển dâng ảnh hưởng trực tiếp đến việc bố trí dân cư, ngành nghề và chất lượng sống của người dân, vì vậy cần xem người dân là trọng tâm trong quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị. 

Đặc trưng của quản lý xây dựng đô thị ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu

- Có cơ sở quy hoạch xây dựng vững chắc: Nghĩa là các quy hoạch được triển khai được lồng ghép các giải pháp thích ứng với BĐKH đảm bảo tính khả thi, tạo tiền đề cho công tác triển khai quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch được duyệt.

- Xây dựng mô hình quản lý: Đối với các đô thị ven biển việc xây dựng mô hình quản lý có khả năng thích ứng cần phải nghiên cứu dựa trên những kinh nghiệm đã có và thông tin mới trong và ngoài nước nhằm đảm bảo triển khai xây dựng đô thị theo quy hoạch có hiệu quả. Mô hình quản lý xây dựng với khả năng thích ứng đòi hỏi phải đánh giá thường xuyên hoạt động của các hệ thống và điều chỉnh khi hoàn cảnh thay đổi.

- Ban hành cơ chế chính sách: Xây dựng hệ thống cơ chế chính sách bao gồm: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, chương trình kế hoạch phát triển đô thị, các cơ chế đặc thù đối với từng loại đô thị ven biển nhằm tạo ra nguồn lực tối đa trong ứng phó với BĐKH và nước biển dâng là một nhiệm vụ trong quản lý xây dựng đô thị trong tương lai. Thường xuyên kiểm tra giám sát điều chỉnh, cập nhật bổ sung kịp thời những chiến lược mới trong ứng phó BĐKH sát với tình hình thức tế.

- Dự phòng: Trên cơ sở kịch bản dự báo BĐKH đối với từng loại đô thị chính quyền đô thị cần xây dựng những kịch bản và phương án dự phòng phù hợp với địa phương quản lý đảm bảo ứng phó với các tình huống xảy ra theo từng năm và từng giai đoạn cụ thể.

- Phối hợp: Giữa các cơ chế, chính sách, các chương trình kế hoạch hành động tại các đô thị được ban hành phải có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nghĩa là chia sẻ kiến thức, phối hợp và đảm bảo tính chiến lược trong quy hoạch, lồng ghép các giải pháp BĐKH vì lợi ích chung của đô thị.

- Phổ cập thông tin: Trong công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch cần có sự tham vấn và sự tham gia của nhiều bên liên quan, như những nhóm dễ bị tổn thương, sẽ đảm bảo để các hệ thống thích ứng tốt hơn bằng cách cân nhắn một loạt các nguy cơ, năng lực phòng chống nguy cơ và thông tin cục bộ. Công bằng trong tiếp cận các hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ là nền tảng để gắn kết xã hội và đem đến những cơ hội mới.

Một số giải pháp quản lý xây dựng đô thị cho các đô thị ven biển tại Việt Nam.

- Xây dựng chiến lược chống chịu cho các đô thị cần phải là một chiến lược dài hạn, dựa trên khung khả năng chống chịu để giải quyết nhiều loại cú sốc và áp lực khác nhau. Đồng thời, chiến lược không nên được xây dựng một cách độc lập, mang nặng tính kỹ thuật mà cần phải chú trọng khả năng ứng dụng sau khi ban hành, gắn kết các hoạt động chống chịu vào các chương trình phát triển của thành phố, hỗ trợ xây dựng các hướng đột phá để đô thị ven biển có thể phát triển mạnh mẽ bất chấp các cú sốc và áp lực.

- Rà soát các đồ án quy hoạch chung đối với các đô thị ven biển, lên phương án lồng ghép các giải pháp ứng phó với BĐKH và nước biển dâng trong quá trình điều chỉnh đồ án và triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

- Lồng ghép các giải pháp ứng phó BĐKH trong Nghị quyết đảng bộ các cấp, chương trình phát triển đô thị và dự án đầu tư phát triển đô thị, cần xem đây là mục tiêu phát triển đô thị bền vững của đô thị trong tương lai.

- Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý xây dựng đô thị đặc thù đối với các đô thị ven biển đảm bảo tốt công tác quản lý thực hiện đầu tư xây dựng đô thị theo quy hoạch được duyệt.

- Tăng cường năng lực thể chế và khung pháp lý để có cách tiếp cận hiệu quả trong lồng ghép phòng chống nguy cơ lũ lụt. Thích ứng không chỉ đơn thuần là tiềm lực vật chất của hệ thống cơ sở hạ tầng bảo vệ cho đô thị, mà còn đòi hỏi năng lực để đảm bảo chuyển giao, vận hành hiệu quả cơ sở hạ tầng đó.

- Nâng cao năng lực quản lý xây dựng đô thị đối với các sở, ban ngành và chính quyền đô thị là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa địa phương và các bộ ngành trung ương.

- Tăng cường thu thập, chia sẻ, sử dụng dữ liệu về tài sản công, công trình, dân số và nguy cơ. Dữ liệu là nền tảng của công tác lập kế hoạch thích ứng hiệu quả. Dữ liệu này cần được coi là cơ sở để hoạch định tăng trưởng cho các đô thị ven biển, đặc biệt cho việc quản lý quy hoạch xây dựng tại các đô thị.

- Tăng cường quản lý tài chính nhằm nâng cao tính bền vững trong đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tăng cường công tác lập kế hoạch đầu tư cơ bản để hỗ trợ tốt hơn việc xác định ưu tiên, giám sát, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.

- Thành lập ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch chương trình hành động trong việc thích ứng với BĐKH tại các tỉnh, thành phố ven biển, trong đó chú trọng đến quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, thực thi các chương trình giảm thiểu để có hiệu quả về mặt năng lượng, sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng, xử lý tái chế rác, cải tạo mặt nước, tăng cường mạng lưới y tế hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, chính quyền đô thị cần phối hợp với Ngân hàng trong việc huy động nguồn lực tài chính xây dựng các phương thức hoạt động để tăng cường nâng cao năng lực thích ứng với tác đọng của BĐKH. Ngoài ra, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ kinh nghiệm, công nghệ và tài chính của các quốc gia trong lĩnh vực BĐKH.

Chiến lược chống chịu cần được xây dựng dựa trên việc bám sát các quy hoạch, định hướng đã có để lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của thành phố. Tuy nhiên, chiến lược cần cụ thể hóa các giải pháp sẽ được thực hiện như thế nào, tại khu vực cụ thể nào và các nguồn lực để thực hiện được huy động từ đâu để giải quyết các cú sốc và áp lực. Dựa trên cách tiếp cận như vậy, chiến lược là cơ sở đề xuất để các đơn vị tiếp nhận có thể huy động, tiếp cận các nguồn hỗ trợ từ các đối tác trong và ngoài nước, và tăng cường tính khả thi của chiến lược.

Kết luận

BĐKH và nước biển dâng đang thật sự đáng báo động đối với hệ thống đô thị Việt Nam nói chung và đô thị ven biển nói riêng, các nhà hoạch định cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn trong vấn đề quy hoạch và quản lý đô thị, môi trường để ứng phó với tình trạng BĐKH - được coi là một trong những vấn đề cấp thiết của Việt Nam. Vì vậy, cần xây dựng chiến lược phát triển đô thị quốc gia hợp lý; đẩy mạnh quy hoạch đồng bộ trên toàn quốc đặc biệt là các đô thị ven biển; đổi mới phương pháp, mô hình quản lý phát triển đô thị phù hợp tình hình mới; tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị; xây dựng cơ chế đặc thù phát triển đô thị, nhất là đối với các đô thị ven biển luôn phải đối diện và sống chung với triều cường, bão lũ, hạn hán…nhằm xây dựng đô thị phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.



Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 83+84/016 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)