Nghiên cứu mô hình không gian kiến trúc các biệt thự cũ được phép phá dỡ tại Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ hai, 14/11/2016 12:34
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Biệt thự cũ trong trung tâm đô thị hiện hữu Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) không chỉ là di sản kiến trúc của thành phố nói riêng mà còn là của cả nước nói chung. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cùng với sự phát triển kinh tế xã hội đã khiến nhiều biệt thự cũ xuống cấp trầm trọng, cần phải phá dỡ, xây mới nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống, làm việc trong biệt thự. Việc phá dỡ hoặc xây mới các biệt thự cũ này cần phải tuân thủ theo những quy định về kiến trúc và không gian đô thị, để đảm bảo rằng công trình xây mới không phá dỡ không gian kiến trúc hiện hữu. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích đề xuất mô hình không gian kiến trúc biệt thự cũ được phép phá dỡ tại khu vực phân khu 4 (thuộc trung tâm hiện hữu 930ha TP.HCM). Kết quả nghiên cứu thể hiện ở 2 mô hình: Thứ nhất là mô hình không gian kiến trúc biệt thự cũ được phép phá dỡ dựa trên quan điểm phân khu; thứ hai là mô hình không gian kiến trúc biệt thự cũ được phép phá dỡ dựa trên loại hình tổ chức không gian mặt bằng biệt thự và đặc điểm kiến trúc biệt thự.  

Giới thiệu chung

Theo Quyết định số 6708/QĐ-UBND về việc Duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu) khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930ha), khu trung tâm hiện hữu TP.HCM được định hướng quy hoạch và phát triển, cải tạo bao gồm 5 phân khu: Phân khu 1: Khu lõi Trung tâm thương mại – Tài chính; phân khu 2: Khu Trung tâm Văn hóa – Lịch sử; phân khu 3: Khu bờ Tây sông Sài Gòn; phân khu 4: Khu thấp tầng; phân khu 5: Khu lân cận lõi trung tâm. Trong các phân khu chức năng nêu trên, phân khu 4 (Khu thấp tầng) là khu dân cư hiện hữu, khu vực có nhiều công trình nhà biệt thự từ thời Pháp thuộc nay được sử dụng với chức năng khu dân cư, văn hóa, giáo dục và thương mại thấp tầng thuộc một phần quận 1 và quận 3, có diện tích khoảng 232,3ha. Những công trình lịch sử, nhà biệt thự từ thời Pháp thuộc là những tài sản quan trọng đối với Khu trung tâm hiện hữu TP.HCM.

Tuy vậy, trước nhu cầu phát triển kinh tế không ngừng và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, chính quyền thành phố không thể không cho phép người dân thay đổi, sửa chữa, cải tạo nhà ở của mình. Ngoài công tác duy tu, bảo tồn, chính quyền thành phố cần xem xét các trường hợp có thể cho phá dỡ đi kèm với các điều kiện ràng buộc cho những công trình xây mới.

Để đảm bảo tính hài hòa thống nhất giữa kiến trúc cũ và mới, thích ứng với sự thay đổi môi trường sống hiện đại, đồng thời tạo điều kiện cho người dân trong khu vực sinh sống và phát triển bền vững, nhóm nghiêm cứu đề xuất mô hình không gian kiến trúc biệt thự cũ được phép phá dỡ tại khu trung tâm hiện hữu 930ha TP.HCM.

Hiện trạng biệt thự cũ tại khu trung tâm đô thị hiện hữu TP.HCM

Sự hình thành biệt thự cũ

Khu vực trung tâm của TP.HCM bao gồm quận 1, quận 3, quận 5 và quận Bình Thạnh, là trung tâm của các sự kiện kinh tế, văn hóa, chính trị của toàn thành phố và đang thay đổi từng ngày trong quá trình đô thị hóa.

Giai đoạn đầu hình thành, trước năm 1975, vấn đề quy hoạch các biệt thự cũ đã được người Pháp, và sau này là người Mỹ, rất chú trọng và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tôt, đường trải nhựa rộng, sạch đẹp, có nhiều cây xanh bóng mát, mật độ xây dựng thấp và tầng cao vừa phải từ 1 đến 3 tầng, nhiều không gian xanh. Mật độ xây dựng thấp giúp cho quỹ đất đô thị được kiểm soát và đảm bảo chất lượng sống cho giới thượng lưu thời đó. Giai đoạn 1975-1986, các biệt thự rất ít được xây dựng mới do hoàn cảnh kinh tế khó khăn và việc thiết kế đô thị chưa được quan tâm. Mặt khác, một lượng lớn các biệt thự đã được trưng dụng để bố trí chỗ ở và làm việc cho cán bộ công nhân viên các cơ quan Nhà nước. Trong quá trình sử dụng biệt thự cũ, việc cơi nới, cải tạo và thay đổi không gian sống đã làm biến dổi công năng, hình thái và cách tổ chức không gian ban đầu của nhiều khu biệt thự. Thậm chí, việc cải tạo nhà ở còn tạo thêm các diện tích phụ làm thay đổi cách bố trí mặt bằng, hệ thống kết cấu và cả phong cách kiến trúc công trình.

Đặc điểm phong cách kiến trúc biệt thự cũ

Xét về mặt mỹ quan kiến trúc, các công trình biệt thự cũ tại TP.HCM được xây dựng theo các loại hình phong cách kiến trúc chính đó là:

(a) Phong cách kiến trúc kiểu trại lính (cuối thế kỉ 19): Một số công trình hiện nay vẫn còn tồn tại như các tòa nhà đại học tại giao lộ Lê Duẩn – Đinh Tiên Hoàng;

(b) Phong cách Chiết trung Tân Cổ điển (giai đoạn 1887 - 1918);

(c) Phong cách Art Deco (1920 - 1930);

(d) Phong cách kiến trúc Đông Dương (1930 - 1970): Các công trình mang phong cách Đông Dương tiêu biển tại trung tâm hiện hữu là Bảo tàng Lịch sử tại Thảo Cầm viên, trường trung học Lê Hồng Phong, các biệt thự trên đường Mạc Đĩnh Chi, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Bỉnh Khiêm;

(e) Phong cách kiến trúc hiện đại (1954 - 1975): Các công trình biệt thự do KTS Huỳnh Tấn Phát thiết kế tọa lạc trên đường Nguyễn Đình Chiểu, một số căn biệt thự tọa lạc trên đường Trần Quốc Thảo.

Bên cạnh các loại hình phong cách kiến trúc chính này, một số kiểu kiến trúc khác cũng có thể tìm thấy tại Việt Nam như: (1) Phong cách Roman; (2) Phong cách Baroque, (3) Phong cách Rococo, (4) Kiến trúc dân gian Pháp, (5) Kiến trúc biệt thự kiểu Phương Tây.

Giá trị văn hóa và lịch sử, kiến trúc và cảnh quan, kinh tế và xã hội của các biệt thự cũ

Hơn một thế kỉ trôi qua, cùng với khu vực trung tâm, bao gồm các công trình kiến trúc công cộng mang dấu ấn thời đại, các biệt thữ cũ đã trở thành một phần quan trọng của cảnh quan kiến trúc đô thị. Biệt thự cũ trở thành nơi lưu giữ ký ức của nhiều thế hệ thị dân, cả người sống tại biệt thự và cả những người sống ở khu vực lân cận. Về mặt kiến trúc và cảnh quan đô thị, những công sở, dinh thự, biệt thự là những di sản hiện hữu làm nên vẻ đẹp riêng cho các đô thị Việt. Các công trình này sở hữu chuỗi phong cách nghệ thuật tân cổ điển, địa phương Pháp, Art décor, Đông Dương. Tại TP.HCM, những công trình biệt thự cũ này góp phần hình thành nên cảnh quan và bản sắc đô thị, tạo ra tính thống nhất của không gian đô thị, một không gian đô thị có quy mô và thân thiện với con người. Hiện nay, việc gìn giữ và khai thác hiệu quả kinh tế từ biệt thự cũ có rất nhiều thách thức: Đa phần biệt thự cũ nằm trong khu vực lõi trung tâm thành phố, tọa lạc ở những khu đất có giá trị cao nên có rất nhiều sức hút, đặc biệt là sức hút sử dụng đất đai và tài nguyên. Ở khía cạnh phát triển kinh tế, việc phá hủy các biệt thự cũ để sử dụng đất vào các mục đích thương mại khác sẽ mang lại giá trị kinh tế to lớn, tuy nhiên, điều này sẽ đánh mất những giá trị về lâu dài.

Hiện trạng các biệt thự cũ và không gian xung quanh biệt thự cũ


Hiện nay, các quy định bảo tồn biệt thự cũ đôi khi mâu thuẫn với các quy định về cải tạo đô thị. Điển hình là các tuyến đường có nhiều biệt thự tọa lạc như đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, nếu như các tuyến đường được mở rộng theo đúng lộ giới đã quy hoạch, thì một số biệt thự ở đây sẽ bị mất một phần hoặc mất đi phần sân – một đặc điểm quan trọng của biệt thự. Thêm vào đó, sự phát triển của giao thông và nhu cầu đi lại ngày càng tăng trên các tuyến đường chính cũng làm mất đi môi trường yên tĩnh vốn có của biệt thự cũ.

Các biệt thự cũ thường được cải tạo cả về nội thất lẫn ngoại thất, đa phần cải tạo bên trong và giữ nguyên hình dạng, cấu tạo kiến trúc bên ngoài. Hình thức cải tạo này chủ yếu thuộc các công trình hành chính sự nghiệp và nhà ở, với mong muốn củng cố lại kết cấu, nâng cao tuổi thọ của công trình, duy trì thời gian sử dụng với mục đích kinh tế hoặc giáo dục. Đối với các biệt thự cũ này, sự thay đổi chủ yếu là về bố cục không gian nội thất (tường, vách ngăn) thêm hoặc bớt một số phòng chức năng cho phù hợp với điều kiện sử dụng hiện tại, hay thêm vào một số chi tiết cấu tạo để cải thiện vi khí hậu bên trong công trình (rèm treo, mái hiên). Mặt đứng công trình chỉ thay đổi lớp vỏ bao che mới (vôi, ve hoặc sơn nước) tương đồng với nguyên bản. Đối với biệt thự cũ cải tạo hình dáng bên ngoài, chủ nhà cải tạo mới mục đích kinh doanh là chính. Thông thường, chủ sở hữu các công trình này mong muốn một không gian buôn bán hiện đại, sáng sủa và bắt mắt khách hàng nên đã thay đổi mặt tiền công trình hoặc hình dáng bên ngoài công trình. Chính vì vậy, để nhận biết công trình nào thuộc đối tượng biệt thự cũ là rất khó, chủ yếu dựa vào hình thức mái ngói, vì kèo gỗ, hoặc dựa vào một số chi tiết trang trí cửa sổ, cửa đi. Các công trình bị tháo dỡ bất hợp pháp (không có sự cho phép của các cơ quan chức năng) thông thường là những công trình đã bị xuống cấp trầm trọng hoặc nằm ngay vị trí đắc địa (bị phá dỡ vì giá trị kinh tế trước mắt)

Về số lượng biệt thự cũ, theo nghiên cứu của Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, kết quả kiểm kê cho thấy trong tổng số 500 biệt thự có 228 căn còn tồn tại (chiếm tỷ lệ 45,6%) với chức năng chính là nhà ở. 194 biệt thự đã biến mất (38,8%). Số lượng biệt thự được chuyển đổi công năng sử dụng làm công trình công cộng có 7 căn (1,4%). Trong số 500 biệt thự được kiểm kê còn 7 công trình chưa hoàn thành (14,2%).

Đối với không gian xung quanh các biệt thự cũ, các công trình cao tầng với độ cao dưới 5 tầng và lớn hơn 9 tầng phân bố đan xen với các biệt thự cũ. Trên các tuyến giao thông chính như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, CMT8… những công trình biệt thự đã biến mất gần hết, những công trình hiện đại khác xuất hiện đã phá vỡ sự đồng nhất về chiều cao, hình thức kiến trúc, làm ảnh hưởng đến những công trình biệt thự còn lại. Đối với những tuyến giao thông phụ như Tú Xương, Phùng Khắc Khoan, Mạc Đĩnh Chi,…số biệt thự bị biến mất ít hơn. Những biệt thự bị thay thế có hình thức kiến trúc, chiều cao gần tương đồng với biệt thự cũ, tạo thành một khu vực biệt thự (cụm biệt thự) đặc trưng. Một số biệt thự cũ gắn liền với công trình đã được xếp hạng di tích (trường Marie Curie khu vực Võ Thị Sáu, Trần Quốc Thảo, Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lê Quý Đôn).

Đề xuất mô hình không gian kiến trúc biệt thự cũ

Nhóm nghiên cứu đề xuất các mô hình không gian kiến trúc đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đô thị và đảm bảo lợi ích về môi trường sống, không gian sống cho người dân. Mô hình đề xuất dựa trên kiến nghị, khuyến cáo và quan điểm của các chuyên gia, ý kiến và nguyện vọng của người dân sống tại biệt thự cũ và sống ở khu vực lân cận. Hy vọng rằng các mô hình đề xuất sẽ giúp cho các nhà quản lý trong việc đề xuất hướng giải quyết, xây dựng các giải pháp và các quy định quản lý đối với không gian kiến trúc biệt thự cũ hiệu quả.

Đề xuất không gian kiến trúc dựa trên quan điểm phân khu

- Khu vực 1 - Khu vực có nhiều công trình có giá trị kiến trúc và lịch sử

Khu vực có nhiều công trình có giá trị lịch sử - kiến trúc nên các công trình biệt thự cũ được phép phá dỡ, khi xây mới phải tuân theo phong cách kiến trúc biệt thự cũ. Một số thông số về kỹ thuật xây dựng có thể cân nhắc áp dụng cho khu vực 1 như: Mật độ xây dựng tối đa của khu vực là 50% trên diện tích lô đất và tầng cao tối đa từ 3-4 tầng. Bán kính ảnh hưởng của biệt thự cũ là R=250m. Khoảng lùi so với ranh đất xung quanh: Tối thiểu 2m.

- Khu vực 2 - Khu vực nhiều biệt thự cũ có giá trị

Bán kính ảnh hưởng của biệt thự cũ trong khu vực này là R=250m (trừ những biệt thự cũ thuộc nhóm biệt thự cũ loại 1 và biệt thự cũ loại 2). Biệt thự cũ được phép phá dỡ nằm trong khu vực này phải xây dựng theo kiến trúc biệt thự cũ hoặc theo phong cách kiến trúc biệt thự hài hòa với các biệt thự cũ không được phép phá dỡ khác.

Tương tự như với biệt thự cũ xây dựng trong khu vực 1, một số thông số về kỹ thuật xây dựng có thể cân nhắc áp dụng cho Khu vực 2 như: Mật độ xây dựng tối đa của khu vực là 50% trên diện tích lô đất và tầng cao tối đa từ 3-4 tầng. Khoảng lùi so với ranh đất xung quanh: tối thiểu 2m.

- Khu vực 3 - Khu vực có ít hoặc không có các công trình biệt thự cũ có giá trị

Khu vực 3A: Những công trình không tiếp giáp biệt thự cũ có giá trị hoặc cách công trình biệt thự cũ có giá trị hơn 50m, được phép xây dựng theo một trong các hình thức sau: Biệt thự, công trình độc lập độ cao trung bình, nhà phố liên kế, nhà liên kế có khoảng lùi và công trình xây dựng cao tầng.

Khu vực 3B: những công trình nàm liền kề với công trình biệt thự có giá trị (theo đánh giá của dự án kiểm kê biệt thự) bắt buộc xây dựng theo hình thức biệt thự nếu công trình tiếp giáp biệt thự cũ có giá trị hoặc cách công trình biệt thự cũ có giá trị ít hơn 50m.

Đề xuất không gian kiến trúc dựa trên loại hình tổ chức không gian mặt bằng Biệt thự và đặc điểm kiến trúc biệt thự

Theo kết quả phân tích đặc điểm mặt bằng kiến trúc biệt thự, nhóm nghiên cứu đề xuất 6 mô hình tổ chức không gian mặt bằng biệt thự cũ trong khu trung tâm thành phố như sau:

Loại 1: Nhà xây hết diện tích đất, không có không gian trống

Loại 2: Nhà có sân trước, không có lối đi

Loại 3: Nhà có sân trước và sân/lối đi 1 bên

Loại 4: Nhà có sân trước và sân/lối đi 2 bên

Loại 5: Nhà có sân trong, không có lối đi

Loại 6: Nhà có sân trong, có lối đi kết hợp khu phụ

Diện tích mặt bằng từ 200 hoặc 300 m2 đến 1500 m2

Dựa trên việc phân tích hình ảnh trực quan từ Google map, đại diện biệt thự cũ trong khu vực 1, khu vực 2, khu vực 3 có thể quy hoạch và tổ chức mặt bằng biệt thự lại theo 6 mô hình đề xuất như sau:

1. Khu vực 1- Khu vực có nhiều công trình có giá trị kiến trúc - lịch sử

Giới hạn bởi đường Nguyễn Thị Minh Khai - Trương Định - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng

2. Khu vực 2 - Khu vực nhiều biệt thự cũ có giá trị

Giới hạn bởi đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng 8 - Điện Biên Phủ - Trương Định

3. Khu vực 3 - Khu vực có ít hoặc không có các công trinh biệt thự cũ có giá trị

Giới hạn bởi đường Nguyễn Thị Minh Khai - Hai Bà Trưng - Hoàng Sa.

a) Mô hình tổ chức không gian loại 1: Mô hình nhà ở xây hết diện tích đất, không có không gian trống.

- Đặc điểm tổ chức không gian:

Phần nhà được xây trên toàn bộ diện tích khu đất, sân trong được thay thế bằng các giếng trời đảm bảo thông thoáng và lấy ánh sáng tự nhiên cho các phòng ở phía trong. Mô hình tổ chức không gian này có thể được tính toán ban đầu chỉ dành cho 1 hộ gia đình sinh sống, và trên những khu đất biệt thự có quy mô nhỏ, duwosi 200m2. Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình Loại 1 là khi có nhiều chủ sở hữu và nhân khẩu tăng lên thì không gian sống bên trong có điểm hạn chế là trở nên chật chội và xuống cấp nhanh chóng.

- Hình thức phân chia các hộ gia đình:

Mô hình tổ chức không gian Loại 1 thích hợp cho một hộ gia đình sinh sống, không sử dụng các không gian chung nên thành viên gia đình được toàn quyền sử dụng và thay đổi, có thể xây mới hoặc cải tạo lấp kín diện tích trống;

- Tính chất các khu chức năng:

Do nhu cầu cuộc sống và sức lôi cuốn của thị trường, mô hình tổ chức không gian Loại 1 rất dễ dàng kết hợp cửa hàng cho thuê, một phần hoặc toàn bộ phần không gian mặt phố được sử dụng vào mục đích kinh doanh, các khu phụ đặt ở phía sau hoặc ở giữa nhà. Do chỉ có mặt trước biệt thự tiếp xúc với thiên nhiên, ba mặt còn lại liền kề nhà bên cạnh nên thông gió và lấy ánh sáng chủ yếu nhờ vào mặt trước và khu cầu thang. Nhược điểm đó khiến loại nhà này thông gió và chiếu sáng đều không tốt, nếu chiều sâu nhà càng lớn thì nhước điểm trên thể hiện càng rõ. Chính vì vậy, nếu tiến hành xây mới có thể chọn giải pháp tổ chức giếng trời trong nhà để khắc phục các nhược điểm trên.

b) Mô hình tổ chức không gian Loại 2-3-4-5-6: Mô hình nhà ở có không gian trống.

- Loại 2: Nhà có sân trước, không có lối đi. Không gian nhà được thiết kế với khoảng sân nhỏ phía trước ngôi nhà, phần sân trước hoặc phần sân sau (cải tạo hoặc xây mới) đóng vai trò như không gian thông thoáng đảm bảo việc thông gió và chiếu sáng tự nhiên cho công trình: Do không có lối đi chung, nên mô hình nhà ở này thích hợp cho một hộ gia đình sống trong cùng một nhà. Không gian tầng 1 ở phía trước là không gian đẹp và giá trị nhất của ngôi nhà, có thể sử dụng để ở hoặc để kinh doanh buôn bán hoặc cho thuê vì tận dụng được khoảng sân vườn phía trước. Các phòng ở của gia đình được bố trí liền kề phía sau và trên các tầng trên. Khu phụ gồm bếp và khu vệ sinh đặt ở phía sau. Do chỉ có một hộ riêng biệt nên các khu chức năng của loại 2 khá đơn giản và rõ ràng.

- Loại 3: Nhà có sân trước và sân/lối đi 1 bên. Loại hình tổ chức không gian có lối đi chung chạy suốt theo chiều dài khu đất (bên trái hoặc bên phải ngôi nhà). Các hộ gia đình có thể sử dụng chung lối đi và có từ 1 đến 2 sân trong, tùy theo chiều dài khu đất; Cách phân chia các hộ gia đình rất đa dạng, có thể chia theo chiều dài nhà, theo chiều cao nhà -sử dụng chung cầu thang. Với các nhà có mặt tiền rộng, các hộ khác nhau có thể được chia theo chiều dọc nhà, nhà ở phía trước hoặc phía sau. Sân trong sử dụng làm nơi giặt giũ quần áo, phơi đồ, để xe, bể nước và các hoạt động phụ khác; Về giao thông, mô hình nhà ở này sử dụng chung lối đi, có thể có cầu thang. Các hộ phía trước có thể sử dụng không gian phía ngoài để kinh doanh. Tuy nhiên diện tích ở khá chật hẹp, hầu hết các hộ đều sẽ phải sử dụng thêm gác lửng làm nơi ngủ, các phòng ở kết hợp nhiều chức năng: tiếp khách, ăn, ngủ…

- Loại 4: Nhà có sân trước, và sân/lối đi 2 bên. Loại hình tổ chức không gian này tương tự loại 3, nhưng có thêm lối đi phụ phía còn lại; Tính chất thông thoáng, chiếu sáng tốt hơn Loại 3.

- Loại 5: Nhà có sân trong, không có lối đi. Loại hình tổ chức không gian này sử dụng giếng trời làm nơi thông gió và chiếu sáng. Phần phía trước tiếp xúc trực tiếp với vỉa hè lòng đường nên thuận tiện cho việc kinh doanh buôn bán. Do không có lối đi chung nên chỉ thích hợp cho một hộ gia đình sống trong cùng một số nhà. Các phòng ngủ được bố trí ở phía sau của khu đất, khu phụ đặt ở dọc tường biên hoặc ở giữa, gắn liền với diện tích sân trong;

- Loại 6: Nhà có sân trong, có lối đi kết hợp khu phụ. Loại hình tổ chức không gian này tương tự loại 5 nhưng có một phần diện tích lối đi kết hợp với khu phụ. Loại hình tổ chức không gian này bố trí một lối đi rộng dọc theo nhà, khu nhà phụ nằm cuối khu đất và tiếp giáp với sân trong. Về hình thức phân chia các hộ gia đình, do không có lối đi chung, nên loại hình này chỉ thích hợp cho một hộ gia đình sống trong cùng một số nhà.

Kết luận

Với mục đích đạt được sự hài hòa thống nhất giữa kiến trúc cũ và mới, thích ứng với sự thay đổi môi trường sống hiện đại đồng thời tạo điều kiện phát triển bền vững cho người dân trong khu vực, nhóm nghiên cứu đã đề xuất mô hình không gian kiến trúc biệt thự cũ tại trung tâm hiện hữu TP.HCM. Kết quả nghiên cứu cho thấy các biệt thự cũ không chỉ là nơi sinh sống của nhiều thế hệ mà còn là nơi kinh doanh và buôn bán của các hộ gia đình. Trước sức ép của quá trình đô thị hóa và sự phát triển kinh tế, các biệt thự cũ đang dần bị chia cắt, cơi nới hay phá dỡ xây mới và chuyển đổi công năng để thuận tiện cho việc kinh doanh buôn bán của chủ hộ. Nếu xét ở góc độ kinh tế, việc sử dụng khai thác mặt bằng và không gian của các biệt thự cũ này đang là nguồn thu nhập chính cho các gia đình và đảm bảo đời sống kinh tế cho các gia đình. Tuy nhiên, vấn đề cơi nới, phá dỡ và xây mới biệt thự cũ một các tùy tiện gây ảnh hưởng không nhỏ và có xu hướng phá dỡ không gian kiến trúc các biệt thự trong khu vực. Mô hình không gian kiến trúc các biệt thự cũ được đề xuất dựa trên các cơ sở về quan điểm phân khu biệt thự cũ và loại hình tổ chức không gian mặt bằng biệt thự cũ.

Nghiên cứu đề xuất mô hình không gian kiến trúc biệt thự cũ được phép phá dỡ, tuy nhiên cơ quan chức năng cần thiết phải xây dựng các quy định rõ ràng và chi tiết nhằm định hướng và kiểm soát không gian kiến trúc biệt thự cũ trong khu trung tâm đô thị hiện hữu để các mô hình không gian kiến trúc này được áp dụng sâu rộng và thực tiễn. Những vấn đề liên quan đến hình thái kiến trúc công trình, thẩm mỹ, chiều cao công trình, khoảng lùi xây dựng, mật độ xây dựng cần phải được quy định rõ ràng để các đối tượng có trình độ khác nhau có thể thông hiểu trong quá trình phá dỡ và xây mới ngôi nhà đảm bảo sự hài hòa kiến trúc cũ và mới.


(Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, Số 8/2016)
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)