Kinh nghiệm Trung Quốc và những bài học cho công tác quy hoạch quản lý nông thôn tại Việt Nam

Thứ ba, 21/02/2017 10:38
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1.Đặt vấn đềViệt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng “núi liền núi, sông liền sông”, không những thế hai nước Việt – Trung còn có nền chính trị, mô hình xã hội và nhiều nét văn hóa tương đồng hơn nữa hai nước còn có cơ cấu, xuất phát điểm và quá trình phát triển nền kinh tế tương đối giống nhau. 

Cả hai nước hiện nay đều theo mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản vì vậy về cơ bản hệ thống chính sách và pháp luật nói chung cũng như hệ thống chính sách quy hoạch và về nông thôn khá giống nhau cả về kết cấu cũng như nội dung. Đặc biệt về hệ thống văn bản về quy hoạch đô thị, nông thôn Trung Quốc cũng chia thành nhiều cấp độ khác nhau mà có hiệu lực thi hành cao nhất là luật “Quy hoạch thành thị và nông thôn” – được ban hành thay thế cho luật “Quy hoạch đô thị”, và bên dưới các luật này là hệ thống các nghị định, thông tư hướng dẫn do Chính phủ, cán bộ ngành và địa phương ban hành.

Mặc dù hiện nay mức độ phát triển kinh tế, cơ cấu nền kinh tế của hai nước đã khác nhau tuy nhiên về cơ bản cả hai nước đều bắt đầu phát triển từ những nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghệp. Cả hai nước đều thực hiện cải cách kinh tế với phương pháp tiến hành cải cách và quản lý kinh tế với những đặc điểm tương đồng, các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ban đầu của hai nước đều có mức độ phát triển tương đương nhau trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nguồn nhân lực cơ bản, kinh tế và cơ sở hạ tầng. Trước khi thực hiện cải cách, nền kinh tế cả hai nước đều mở cửa ở mức rất thấp và có cơ sở hạ tầng yếu kém, 80% dân số của cả hai nước sống tại khu vực nông thôn và quản lý lĩnh vực nông nghiệp đều đưa vào một “hệ thống trách nhiệm thỏa thuận với hộ gia đình”.

Hệ thống luật pháp, sự phát triển kinh tế dẫn đến việc tốc độ đô thị hóa hai nước có khác nhau nhưng đều ở mức cao gây ảnh hưởng mạnh đến vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Các vấn đề này ngày càng trở nên nóng hổi và cần phải có biện pháp giải quyết ngay. Trong khi đó, có thể nói với việc thực hiện cải cách nền kinh tế trước Việt Nam khoảng 10 năm, với cơ cấu chính trị, xã hội và văn hóa tương đối tương đồng thì những vấn đề đang diễn ra tại Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ diễn ra tại Việt Nam trong tương lai.

Chính vì vậy, dựa vào thực tiễn triển khai việc thực hiện quy hoạch và quản lý nông thôn tại Trung Quốc, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quý báu cho chính công tác quy hoạch và quản lý nông thôn tại Việt Nam.

2.Kinh nghiệm Trung Quốc và những bài học cho công tác quản lý, quy hoạch nông thôn tại Việt Nam.

2.1. Xây dựng các nhận thức đúng đắn về quá trình đô thị hóa đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

- Nhận thức được quan điểm sai lầm, trong đó coi trọng thành phố, coi nhẹ nông thôn dẫn đến sự phát triển giữa các khu vực không cân bằng; phân phối nguồn tài chính nhà nước giữa thành thị và nông thôn mất cân bằng nghiêm trọng; đầu tư về các mặt như văn hóa, giáo dục không đủ, sự phân phối về dịch vụ y tế không hợp lý dẫn đến các mâu thuận về nhu cầu và khả năng cung cấp dịch vụ…

- Nhận thức được quan điểm sai lầm coi đô thị hóa chỉ là quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị một cách đơn thuần, bỏ đi nội dung của quá trình đô thị hóa là đô thị hóa dân số nông thôn và “tốc độ đô thị hóa đất đai nhanh hơn tốc độ đô thị hóa của người dân”.

- Nhận thức được quan điểm sai lầm là trọng “hình” không trọng “thần”: Trong quá trình di chuyển người nông dân từ nông thôn sang thành thị chỉ quan tâm đến sự chuyển đổi về ngành nghề, thu nhập và thân phận… mà coi nhẹ việc phổ biến văn minh đô thị cũng như sự thay đổi về quan niệm, định hướng giá trị, thói quen hành vi của các cư dân mới.

- Nhận thức quy luật và những đặc trưng của quá trình chuyển đổi từ nông thôn sang thành thị. Cụ thể là con người luôn có ý muốn và động cơ về lựa chọn nơi ở, việc làm sao cho đạt được hiệu quả và lợi ích cao nhất. Chính vì vậy dẫn đến quy luật tất yếu là sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từ nông thôn sang thành thị và từ khu vực kém phát triển chuyển sang khu vực phát triển. Từ đó có thể thấy cội nguồn về sự nông thôn chuyển sang đô thị chính là quá trình công nghiệp hóa và thị trường hóa, tức là “chuyển hóa” nông nghiệp truyền thống thành ngành công thương hiện đại, kèm theo đó tức là “chuyển hóa” các tiểu nông thành các chủ thế kinh tế thị trường hiện đại.

2.2. Hoàn thiện hệ thống luật pháp về quy hoạch theo hướng chính sách nhất thể hóa thành thị và nông thôn.

Thứ nhất, cần hiểu rõ “nhất thể hóa thành thị và nông thôn” không phải là chuyển biến nông thôn thành thành phố, bởi vì nông thôn không những cung cấp lương thực, thực phẩm cho dân cư thành thị, cung cấp các nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, hơn nữa nông thôn còn cung cấp không gian xanh, mở rộng không gian cũng như cải thiện môi trường cho thành thị.

Nhất thể hóa thành thị và nông thôn cũng không phải bằng cách rút ngắn chênh lệch giữa thành thị và nông thôn hay là bằng cách “nông thôn hóa thành thị”. Phương hướng để phát triển nhất thể hóa thành thị và nông thôn nên là một tiến hóa song hướng tức là thành thị và nông thôn phải thu hút lẫn nhau về những cái tiên tiến và lành mạnh, đồng thời phải loại bỏ những cái lạc hậu và tệ nạn…

Để thực hiện nhất thể hóa thành thị và nông thôn cần phải lưu ý các vấn đề sau: “Không có sự hiện đại hóa của nông nghiệp, thì sẽ không có sự hiện đại hóa của nhà nước”; “Nếu nông thôn không được phồn vinh và ổn định, nhà nước cũng không được phồn vinh và ổn định”; “Nếu nông dân không thể thực hiện cuộc sống khá giả một cách toàn diện, thì nhân dân toàn quốc cũng sẽ không thể thực hiện xã hội khá giả”.

Thứ hai, có thể thấy “Luật quy hoạch thành thị và nông thôn” ra đời có nhiều điểm tiến bộ so với “Luật quy hoạch đô thị”. Cụ thể là:

- Đối tượng quy hoạch đã được điều chỉnh từ đô thị chuyển sang thành thị và nông thôn, chuyển đổi hệ thống pháp luật với kết cấu nền kinh tế hai bộ phận trước đây sang hệ thống pháp luật có trù tính chung giữa thành thị và nông thôn.

- Nhìn từ gốc nguyên tắc thực hiện, “Luật quy hoạch đô thị” đưa ra các chỉ đạo về xây dựng, còn “Luật quy hoạch thành thị và nông thôn”nhấn mạnh yếu tố bảo vệ môi trường.

- Nhìn từ gốc phương pháp thực hiện, “Luật quy hoạch đô thị” chú trọng việc lập và xét duyệt của quy hoạch, “Luật quy hoạch thành thị và nông thôn” là chú trọng việc thực thi và giám sát của quy hoạch. “Luật quy hoạch đô thị” nhấn mạnh vai trò của cơ quan quy hoạch, “Luật quy hoạch thành thị và nông thôn” nhấn mạnh sự tham gia và giám sát của đông đảo quần chúng nhân dân.

- “Luật quy hoạch thành thị và nông thôn” đã hoàn thiện cơ chế xử lý đối với những kiến trúc vi phạm pháp luật, ấn định các loại trừng phạt hành chính và biện pháp bắt buộc hành chính như yêu cầu dừng lại việc xây dựng, hạn chế thời gian giải phóng mặt bằng, tịch thu thực vật vi phạm pháp luật…

- “Luật quy hoạch thành thị và nông thôn” đồng thời cũng chú trọng việc sửa đổi quy hoạch để nâng cao tính linh hoạt của việc quy hoạch, trong đó dùng một chương để xác định điều kiện sửa đổi và trình tự xét duyệt sửa đổi đối với việc quy hoạch thành thị và nông thôn.

2.3. Triển khai quy hoạch và quản lý quy hoạch nông thôn theo quan điểm nhất thể hóa thành thị và nông thôn

Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn phải luôn dựa vào việc hiện đại hóa của bản thân người nông dân, tức là thay đổi những người nông dân vốn quen với nếp sống, cách nghĩ, cách làm truyền thống gắn liền với nông nghiệp, nông thôn, không muốn mạo hiểm…chuyển thành những người có nếp sống đô thị với những hành vi kinh tế hiện đại, nhạy cảm với các vấn đề lợi nhuận, thị trường, tích lũy của cải… Như vậy, trong quy hoạch và quản lý quy hoạch nông thôn, ngoài việc suy nghĩ đến việc tăng nguồn thu nhập và chuyển đổi ngành nghề cho những người nông dân bị ép trở thành người dân đô thị do quy hoạch hoặc người nông dân vì các cơ hội mưu sinh phải chuyển dịch ra đô thị phải tính đến việc bồi dưỡng các quan niệm, định hướng các giá trị, thói quen hành vi đô thị. Nếu không họ - những người nông dân bị đô thị hóa sẽ mãi vẫn là người ngoài cuộc, không được thụ hưởng hoàn toàn các lợi ích do đô thị đưa lại và gây ra những cản trở cho chính sự phát triển của đô thị.

Xây dựng một mối quan hệ cho và nhận bình đẳng giữa thành thị và nông thôn. Hiện nay, thành thị đang mưu lợi từ nông thôn về nhiều mặt: nông thôn cung cấp cho thành thị quỹ đất đai, nguồn tài chính, nguồn nhân lực và các giá trị gia tăng khác. Cái gọi là “cho nhiều” của từ ngân sách Trung ương cho khu vực nông thôn, thực ra cũng chẳng khi nào làm cho khu vực thành thị “lấy ít” hơn từ chính khu vực nông thôn. Chính vì vậy trong quy hoạch và quản lý nông thôn cần phải lưu ý giải quyết các vấn đề như:

- Sự lưu động một chiều về nhân lực từ nông thôn ra thành thị.

- Sự chuyển đổi một chiều đất đai nông nghiệp thành đất đai đô thị.

- Sự chuyển dịch một chiều nguồn tiền tệ, vốn liếng, tài chính từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ đô thị…

Tại Trung Quốc, đã có quy định cụ thể về việc đảm bảo quỹ đất canh tác nông nghiệp không suy giảm thông qua chế độ đền bù để khai khẩn hoặc khai khẩn lại đất đai để đền bù cho quỹ đất canh tác lấy vào đô thị đảm bảo quỹ đất, chất lượng đất canh tác không suy giảm và bố cục đất được sử dụng ngày càng hợp lý. Ngoài ra, tại Trung Quốc cũng có các chế độ và chế tài để khuyến khích người dân đô thị đầu tư nguồn tài chính về nông thôn: chế độ hợp tác thành thị - nông thôn (kết nghĩa làng xã với phường), chế độ miễn giảm thuế cho các khoản thu nhập đầu tư về nông thôn, chế độ đưa trí thức trẻ về làm việc tại vùng nông thôn và đẩy mạnh cơ chế kinh tế thị trường tại nông thôn nhằm thu hút nguồn nhân lực có trình độ về đầu tư, làm việc…

Tạo dựng hệ thống dịch vụ công cộng và thói quen sử dụng dịch vụ công cộng cho nông dân. Thay đổi hệ thống dịch vụ công cộng tại nông thôn theo hướng phù hợp với tập quán của người nông dân, không áp dụng nguyên mẫu hệ thống dịch vụ công cộng tại thành thị. Tăng cường đầu tư cho hệ thống giáo dục, y tế và hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho khu vực nông thôn.

Lập quy hoạch hợp nhất cho khu vực nông thôn trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian, quy hoạch tận dụng đất đai… để tối ưu hóa khu vực xây dựng tập trung, tối ưu hóa biên giới khu vực xây dựng tập trung, sắp xếp lại các khu đất đai bên ngoài khu xây dựng tập trung, điều chỉnh đất sản xuất nông nghiệp, ưu hóa khu vực sinh thái, quản lý không gian theo khu vực xây dựng tập trung và khu vực sản xuất nông nghiệp.

Tận dụng có chọn lọc việc tiếp nhận chuyển đổi ngành nghề từ các khu vực phát triển và thế mạnh tại địa phương. Trên bình diện một khu vực, một quốc gia cũng như trên toàn thế giới luôn có xu hướng phân công lại lao động và chuyển dịch cơ cấu ngành nghề vì vậy khu vực nông thôn luôn có cơ hội tiếp nhận các ngành nghề mới từ khu vực thành thị như một sự phân công lại lao động, vấn đề là cần phải có sự lựa chọn phù hợp để đảm bảo các điều kiện thực tế cũng như mục tiêu phát triển của địa phương. Phát huy những chức năng tổng hợp của đất nông nghiệp như sinh thái, giải trí và du lịch, các tiềm năng của địa phương cảnh quan, văn hóa lịch sử, tài nguyên thiên nhiên…để phát triển kinh tế.


Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 83+84/2016 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)