Mối liên hệ giữa hình thái kiến trúc đô thị và hiện tượng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Thứ sáu, 03/03/2017 15:14
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hình thái kiến trúc đô thị bao gồm hình thái mạng lưới giao thông đô thị (giao thông đường thủy và đường bộ), và hình thái kiến trúc công trình có liên quan tới khả năng ứng phó của đô thị với các điều kiện thời tiết. Từ đặc điểm hình thành và phát triển các đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều gần vị trí giao nhau của các con sông lớn, tức là các đô thị có yếu tố nước đi qua. Do đó, biến đổi khí hậu (BĐKH) và chế độ thủy văn các con sông lớn có tác động trực tiếp tới các đô thị trong vùng ĐBSCL. Bài viết này trình bày về những đặc điểm cơ bản hình thái kiến trúc đô thị vùng ĐBSCL tìm hiểu tác động chính từ BĐKH, từ đó xác định mối liên hệ mật thiết giữa hình thái kiến trúc đô thị với BĐKH, là một bước quan trọng trong quá trình nghiên cứu đề xuất các giải pháp ứng phó với hiện tượng BĐKH tại vùng ĐBSCL. 

Giới thiệu chung

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam nằm ở cuối nguồn lưu vực sông Mê Kông, với tổng diện tích tự nhiên vào khoảng 9,3 triệu ha, địa hình khá bằng phẳng, cao độ bình quân là +1m so với mực nước biển, bị ảnh hưởng của thủy triều và xâm nhập mặn theo mùa hàng năm với diện tích nhiễm mặn lên tới 1,7 triệu ha. ĐBSCL có đặc trưng là vùng trũng thấp, sông ngòi chằng chịt , chịu ảnh hưởng của lũ lụt thường xuyên hàng năm với diện tích ngập lụt lên tới 1,6 đến 2 triệu ha, là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu do có điều kiện tự nhiên đặc thù.

Hiện nay, vùng ĐBSCL đang đứng trước thách thức của hai gọng kìm là hiện tượng BĐKH và tác hại của việc các quốc gia đầu nguồn sông Mê Kông xây dựng các đập thủy điện làm thay đổi dòng chảy của con sông này. Mùa lũ những năm gần đây biến động thất thường, tình trạng ngập lụt ở các đô thị với diện tích rộng hơn và lâu hơn, cùng với hiện tượng sạt lở đất, lốc xoáy xuất hiện ngày càng nhiều, những tác động này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến an ninh lương thực.

BĐKH diễn ra ngày một nhanh và mạnh, các loại thiên tai xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng gia tăng, gây tổn thất lớn về người và tài sản. Hậu quả của BĐKH đối với Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng là nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho việc thực hiện xóa đói giảm nghèo của khu vực, và sự phát triển bền vững của đất nước. BĐKH gây tổn thương tới nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, tài nguyên môi trường, sức khỏe con người, an ninh lương thực… Đó là những thách thức lớn mà ĐBCSL phải đối mặt, cần phải có tầm nhìn và chiến lược dài hạn cùng với kế hoạch hành động cụ thể để chủ động ứng phó, thích nghi.

Hình thái kiến trúc đô thị bao gồm hình thái mạng lưới giao thông đô thị (giao thông đường thủy và đường bộ), và hình thái kiến trúc công trình có liên quan tới khả năng ứng phó của đô thị với các điều kiện thời tiết. Xuất phát từ đặc điểm hình thành và phát triển các đô thị vùng ĐBSCL gắn liền với hệ thống sông ngòi, kênh rạch, hệ thống giao thông đường bộ (từ quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ, đường nông thôn), cho nên quy mô và tầm quan trọng của các yếu tố này quyết định tính chất các đô thị liên quan. Ví dụ, đô thị lớn trong vùng sẽ tập trung ở các cửa sông, cửa biển, nơi có các quốc lộ, tỉnh lộ tiếp cận. Các đô thị thuộc huyện, thị trấn thường nằm dọc các nhánh sông, kênh rạch hay hương lộ.

Do đó, việc tìm hiểu mối liên hệ mật thiết giữa hình thái kiến trúc đô thị và hiện tượng BĐKH tại vùng ĐBSCL là một bước quan trọng trong quá trình nghiên cứu đề xuất các giải pháp ứng phó với hiện tượng BĐKH cho các đô thị trong vùng.

Hình thái kiến trúc đô thị vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

ĐBSCL được hình thành từ quá trình bồi đắp phù sa của sông Mê Kông và sự thay đổi mực nước biển suốt hàng nghìn năm. Tuy nhiên, người dân Việt Nam mới chỉ bắt đầu định cư tại ĐBSCL cách đây hơn 300 năm, họ từng bước khám phá những đặc tính của sông Mê Kông, tận dụng các nguồn tài nguyên và dần thích ứng với các trận lũ lụt. Các đô thị của ĐBSCL chính là sản phẩm của quá trình thích nghi với lu lụt, hay nói cách khác là con người phải “sống chung với lũ lụt”. Trong giai đoạn sơ khai, con người định cư trên các dải đất được đắp cao và sau đó trên các bờ đất được bồi đắp của dòng sông, nơi có phù sa màu mỡ lại thuận lợi cho giao thông hàng hóa. Khi các kênh đào được xây dựng, con người bắt đầu sống dọc theo bờ kênh, chính lối định cư đó tạo nên hình thái cư trú mới dạng dải. Ngay tại nơi giao cắt của các dòng sông, các con kênh, đô thị ngày càng được mở rộng và phát triển.

Phân tích về hình thái kiến trúc đô thị ĐBSCL sẽ tìm hiểu đặc điểm phân bố các đô thị, mạng lưới giao thông đường thủy và đường bộ, và hình thái kiến trúc công trình bên trong đô thị

Đặc điểm phân bố các đô thị trong vùng

Các đô thị trong vùng ĐBSCL đều có cùng một hình thức khởi đầu lịch sử từ vùng đất đầm lầy hoang vu, dân cư thưa thớt, hình thành nên điểm họp chợ nhỏ tại các ngã ba sông chính trong khu vực, rồi trở thành điểm dừng chân giao thương mua bán. Từ đó, nhờ hình thức quần cư phi nông nghiệp mà phần “thị” phát triển dần và trở thành các đô thị sông nước như ngày nay. Do đặc tính dân cư sống dựa vào buôn bán nên phương tiện giao thông chính là ghe thuyền trên sông, nên các khu vực dân cư kiểu thành thị hình thành lớn dần tại các điểm ngã ba hoặc bến sông thuận lợi và men theo các tuyến giao thông thủy. Như vậy, một hệ thống các đô thị sông nước được hình thành, gắn chặt với mạng lưới sông, rạch và phân cấp như những điểm động lực kinh tế phân bố khắp vùng. Các đô thị có quy mô dân số lớn đều nằm trên ngã ba các sông nhánh lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, Hàm Luông, Vàm Cỏ Tây. Các đô thị có quy mô nhỏ hơn nằm trên ngã ba, ngã tư các sông rạch hoặc các kênh trục… Ở bậc cao nhất, TP.Cần Thơ ở vị trí trung tâm về địa lí dần trở thành trung tâm toàn vùng; bậc kế tiếp là 12 đô thị tỉnh lỵ phân bố trên 12 tỉnh là trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế… của toàn tỉnh; tiếp theo là các thị xã thuộc tỉnh là trung tâm các cụm huyện; các thị trấn huyện lỵ là trung tâm huyện.

Hình thái phân bổ dân cư đô thị và các điểm dân cư nông thôn vùng ĐBSCL còn được nhìn theo góc độ phân chia tiểu vùng do các đặc điểm về môi trường sinh thái tự nhiên, địa bàn hoạt động sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, giao thông hàng hóa, mạng lưới giao thông thủy - bộ và điều kiện cư trú.

Về kiến trúc cảnh quan đô thị, các đô thị ĐBSCL mang đặc trưng của những khu vực cảnh quan theo tuyến, nhỏ và kết hợp. Cảnh quan đô thị hấp dẫn nhờ các không gian mở kết hợp mặt nước, những khu vực trung tâm đô thị với các hoạt động thương mại sôi nổi, tạo nên các điểm nhìn hấp dẫn gần gũi thiên nhiên. Cảnh quan đô thị có thể phân thành các nhóm khu vực theo chức năng như: Khu trung tâm đô thị truyền thống, khu vực trung tâm đô thị mới, khu vực không gian mở, khu vực sản xuất.

a) Cảnh quan khu trung tâm đô thị truyền thống

Khu trung tâm đô thị truyền thống là nơi khởi nguồn của đô thị hiện tại, vì thế mang nhiều sắc thái cổ kính hoặc tấp nập, sầm uất của đô thị với nhiều hoạt động và dịch vụ thương mại hỗn hợp, hành chính công cộng và ở mật độ cao. Cảnh quan khu vực thường được nhấn mạnh với các chợ, công trình tôn giáo, bến tàu, bến xe và gắn liền với các dãy nhà phố thương mại. Cảnh quan đô thị tại các đô thị có giá trị lịch sử - văn hóa - kiến trúc lâu đời đang có xu hướng bị ảnh hưởng trong quá trình xây dựng mới, cải tạo đô thị đôi khi phá vỡ cấu trúc cảnh quan truyền thống.

b) Cảnh quan khu trung tâm đô thị mới

Khu trung tâm đô thị mới tập trung nhiều không gian thương mại mới, khu đô thị mới, khu hành chính tập trung…hình thành nên cảnh quan tương đối đồng bộ, sôi động và hấp dẫn. Tuy nhiên, do lối đầu tư xây dựng hàng loạt và chưa chú trọng yếu tố tự nhiên nên cảnh quan khu vực này thường kém thân thiện môi trường, chưa thực sự phù hợp với xu hướng phát triển bền vững và phát huy thế mạnh cảnh quan tự nhiên địa phương. Các trung tâm đô thị mới hầu hết được hình thành từ việc cơ cấu tổ chức không gian hành chính tập trung hoặc thương mại dịch vụ quy mô lớn. Các khu vực được thiết kế và đầu tư xây dựng mới nên có phần đồng bộ, tạo cảnh quan đô thị hiện đại và thu hút nhiều hoạt động, dân cư. Các khu trung tâm đô thị mới góp phần tái cấu trúc đô thị và thay đổi hình thái đô thị.

c) Cảnh quan khu đô thị mới

Hầu hết các khu đô thị mới hình thành đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, đặc biệt là chức năng ở và dịch vụ thương mại. Các khu đô thị mới được đầu tư xây dựng theo nhiều tính chất, đa dạng về hình thức theo nhu cầu của thị trường và xã hội, góp phần thúc đẩy đô thị hóa mạnh mẽ. Tại các khu đô thị mới chủ yếu có 3 hình thức ở: Nhà liên kế, biệt thự và nhà vườn. Điểm đặc biệt tại khu vực ĐBSCL là không có nhiều chung cư, kể cả thấp và cao tầng.

d) Cảnh quan đô thị khu vực không gian mở.

Cảnh quan đô thị khu vực không gian mở là một trong những nét đặc trưng của đô thị ĐBSCL, với hệ thống cây xanh, mặt nước gắn liền với đô thị. Đa số các đô thị ĐBSCL có khu vực đô thị khởi nguồn gần với các dòng sông, kênh nên hưởng được lợi thế cảnh quan thoáng đãng, hài hòa và hấp dẫn, tổ chức nhiều hoạt động như giao thông, thương mại, vui chơi giải trí. Ngoài ra, không gian mở còn được tổ chức các công viên, quảng trường nhỏ trong thành phố, nhiều công viên kết hợp điểm văn hóa – lịch sử và du lịch.

e) Cảnh quan đô thị khu vực sản xuất

Cảnh quan khu vực sản xuất có thể phân thành 2 loại: cảnh quan khu vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, cảnh quan khu vực nông nghiệp (nông – lâm – ngư nghiệp). Ngành công nghiệp tại các đô thị ĐBSCL đa phần là công nghiệp chế biến (nông, lâm, thủy sản), hóa chất phục vụ nông nghiệp, nhiệt điện, cơ khí chế tạo máy, sản xuất thực phẩm – hàng tiêu dùng, nên hầu hết các khu sản xuất chủ yếu là nhà xưởng, cách ly nhất định với khu vực bên ngoài. Chính vì thế, cảnh quan khu vực công nghiệp thường ít thân thiện, kém thu hút và chưa an toàn cho môi trường. Một số đô thị đang đề xuất mô hình khai thác du lịch dựa trên nguồn tài nguyên cảnh quan vùng nông nghiệp.

Đặc điểm đô thị sông nước tiêu biểu

Về hệ thống sông ngòi kênh rạch trong vùng, ĐBSCL thuộc hệ thống sông Mê Kông, trong vùng ĐBSCL có hai hệ thống sông lớn và chủ yếu nhất là hệ thống sông Cửu Long và hệ thống sông Vàm Cỏ. Sông Mê Kông đứng thứ 11 trong các sông lớn thế giới, châu thổ MêKông rộng 49.367 km2 trong đó bao gồm toàn bộ diện tích ĐBSCL là 40.604,7 km2 (chiếm 82,25%), phần còn lại 8.663 km2 thuộc đất Campuchia. Bên cạnh hệ thống sông ngòi, kênh rạch là các yếu tố dạng tuyến, các “mảng nước” dành cho nuôi trồng canh tác cũng khá lớn và phổ biến, đặc biệt là khu vực ngập mặn duyên hải. Và đặc biệt hơn là 3-5 tháng mùa lũ, khi cả khu vực Đồng Tháp Mười và phần lớn tỉnh Long An chìm trong lũ “hiền” (lũ lên chậm và rút chậm) mang nhiều phù sa và nguồn lợi cực lớn về tôm cá.

Hệ thống sông và kênh rạch dày đặc ở ĐBSCL có sự biến đổi theo thời gian, do bồi đắp, sạt lở và do tác động của con người từ hình dáng, phân bố, đặc điểm dòng chảy, lưu lượng và tính chất của nước, chỗ phèn, chỗ ngọt, chỗ lợ. Điểm đặc biệt khác nữa ở khu vực này là lũ mùa. Lũ mùa không chỉ làm thay đổi hình thái hệ thống sông nước khi nó được lưu giữ tới 3-5 tháng trước khi rút, mà còn là những lợi ích nhiều mặt cũng như giá trị đặc trưng của nó. Do vậy, khi đề xuất các giải pháp, nhất thiết không được đồng nghĩa lũ mùa với lũ lụt nhằm có những giải pháp thích ứng phù hợp với các hiện tượng này.

Về hệ thống đường bộ, do vùng ĐBSCL có mạng lưới sông rạch chằng chịt với mật độ rất cao và nền đất yếu nên việc xây dựng đường bộ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hệ thống đường bộ vùng này kém phát triển trong nhiều thập kỉ. Hệ thống đường bộ bao gồm các quốc lộ trục dọc nối vùng Đông Nam Bộ và trục ngang hướng từ biên giới tới vùng biển cùng một hệ thống đường tỉnh đường huyện và giao thông nông thôn. Hiện nay, các tuyến vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông đi lại do còn nhỏ hẹp, chưa liên tục và thiếu cầu phà.

Nói chung, sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới cả về kinh tế và chính trị, các đô thị sông nước đang dần biến đổi sang dạng đô thị lấy giao thông đường bộ làm trung tâm, giảm lệ thuộc vào giao thông sông nước truyền thống. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, các tác động của con người lên môi trường đã và đang thay đổi môi trường tự nhiên vùng bằng các dự án xây đê, đắp bờ, lấp kênh, rạch…, nhằm điều khiển môi trường tự nhiên. Chính bởi lẽ đó, các đô thị ngày nay đang mất dần các đặc tính sông nước vốn có của nó, và hơn hết, người dân đang phải đối mặt với những hậu quả ngày càng nặng nề về môi trường và biến đổi khí hậu.

Hình thái kiến trúc công trình trong các đô thị

Do đặc điểm vùng ĐBSCL có địa hình tập trung các tuyến đường thủy, đường bộ và vùng duyên hải trải dài hàng trăm kilomet, nên việc bố trí xây dựng các công trình kiến trúc phụ thuộc nhiều vào địa hình và điều kiện tự nhiên. Kiến trúc công trình vùng ĐBSCL tương đối đa dạng, hình thức và phong cách chủ yếu mang tính hiện đại. Có thể nhận dạng các đặc điểm hiện trạng kiến trúc đô thị vùng ĐBSCL thông qua loại hình, chức năng sử dụng, hình thức và phong cách kiến trúc, và giá trị kiến trúc – nghệ thuật – lịch sử…

a) Loại hình và chức năng sử dụng: Hầu hết các công trình xây dựng dân dụng ở các đô thị ĐBSCL được sử dụng đúng chức năng ban đầu thiết kế, ngoại trừ các công trình quốc hữu hóa sau chiến tranh được tái sử dụng và chuyển đổi chức năng. Đa số nhà ở khu vực trung tâm đô thị, trung tâm thương mại hoặc các trục thương mại chính được kết hợp chức năng thương mại nhỏ.

b) Hình thức và phong cách kiến trúc: Kiến trúc các công trình xây dựng tại các đô thị ĐBSCL có hình thức phong phú, đa dạng, phổ biến các công trình hình thức kiến trúc hiện đại và hình thức kết hợp nhiều phong cách kiến trúc.

- Đối với các công trình hành chính – công sở có thể chia thành 3 loại: Kiến trúc cổ điển kết hợp bao gồm các công trình tu sửa từ công trình theo kiến trúc cổ điển Pháp hoặc kiến trúc thuộc địa Pháp thời kỳ Pháp thuộc (1884-1945) và các công trình theo lối kiến trúc cổ điển phương Tây.

- Đối với công trình thương mại lớn có thể phần thành hai loại: Chợ truyền thống và các chợ xây mới với hình thức hiện đại; Siêu thị có khu bán lẻ tự chọn, dây chuyền công năng khép kín, phong cách kiến trúc hiện đại.

- Đối với công trình giáo dục có thể phân thành 3 loại: 1)Kiến trúc cổ điển kết hợp bao gồm các công trình tu sửa từ công trình theo kiến trúc cổ điển Pháp hoặc kiến trúc thuộc địa Pháp thời kì Pháp thuộc (1884-1945); 2) Kiến trúc theo mẫu trường học, bao gồm các trường từ mẫu giáo đến trung học phổ thông; 3) Kiến trúc theo thiết kế riêng đa phần là các trường đại học, cao đẳng với hình thức kiến trúc hiện đại.

- Đối với nhà ở có thể phân thành 5 loại: 1) Kiến trúc gỗ, hầu hết là các nhà ở truyền thống có hệ thống kết cấu chủ yếu bằng gỗ. 2) Kiến trúc nhà tạm, chủ yếu là nhà nhỏ ở ngoại thị, kết hợp nhiều vật liệu như tre, gỗ, đất, gạch xây, lá, hài hòa với cảnh quan tự nhiên nhưng không tiện nghi và kém vững chắc; 3) Kiến trúc cổ điển, bao gồm các công trình tu sửa theo kiến trúc cổ điển Pháp, hoặc nhà ở kết cấu bê tông cốt thép, trang trí đá rửa, đá mài, mái lợp ngói hoặc bê tông, kết hợp lối nhà ở truyền thống; 4) Kiến trúc nhà ở hiện đại, đó là các công trình nhà ở như nhà phố, nhà biệt thự, nhà vườn…với vật liệu chủ yếu là gạch xây và bê tông cốt thép, phong cách hiện đại, có thể trang trí và kết hợp các phong cách khác; 5) Kiến trúc nhà chung cư, tập thể với kiểu kiến trúc nhà ở tập trung, theo phong cách cũ trong đó có nhiều khu chung cư được xây dựng từ trước 1975.

- Các công trình dịch vụ công cộng khác như văn phòng, thương mại, cao ốc phức hợp có thể phân thành 2 loại: 1) Kiến trúc hiện đại với vật liệu chính là bê tông cốt thép, gạch xây, hình thức trang trí chủ yếu là sơn phủ; 2) Kiến trúc hiện đại có sử dụng vật liệu mới: vật liệu chính là bê tông cốt thép, gạch xây, thép, kính, hợp kim – nhôm, trang trí chính bằng kính và nhôm;

c) Giá trị kiến trúc – nghệ thuật – lịch sử: Vùng ĐBSCL có nhiều công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, lịch sử quá trình hình thành và phát triển. Chủ yếu các công trình có niên đại trên 100 năm, có hình thức kiến trúc đặc sắc, có lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của địa phương. Các công trình có giá trị chủ yếu thuộc nhóm: Nhà ở hành chính công cộng và tôn giáo. Vật liệu xây dựng chủ yếu lấy từ địa phương và các vùng lân cận như bê tông cốt thép, thép và gỗ, tràm.

Về kiến trúc nhà ở tại các đô thị, chủ yếu là nhà thấp tầng, kiểu nhà nông thôn, những năm gần đây bắt đầu xuất hiện những tòa nhà cao trên 5 tầng, chủ yếu trong trung tâm thành phố. Cũng giống như trong các ngôi nhà nhỏ, tầng trệt thường dành cho các hoạt động thương mại dịch vụ, có thể trở thành bãi gửi xe và xe gắn máy. Tỷ lệ nhà kiên cố hoặc bán kiên cố chỉ đạt khoảng 50-55%. Điều này được giải thích bởi sự xuất hiện bền vững của hình thức nhà ở nông thôn, ngay cả trong khu nội đô.

Như vậy, đặc điểm kiến trúc công trình của các đô thị và nông thôn vùng ĐBSCL có nhiều đặc trưng gắn liền với sông nước, kênh rạch, ao hồ và chịu tác động trực tiếp của chế độ thủy văn sông Mê Kông, biển Đông, biển Tây và khí hậu nhiệt đới. Kiến trúc mang đặc trưng của dô thị vùng đồng bằng châu thổ, đa chức năng. Chính vì thế các không gian chức năng của dô thị mang tính đa dạng, tổng hợp và có nhiều nét tương đồng nhau.

Tác động của hiện tượng BĐKH đối với vùng ĐBSCL

BĐKH là sự biến đổi của trạng thái khí hậu diễn ra trong thời gian dài, do các quá trình tự nhiên bên trong hoặc bên ngoài, hoặc do tác động của con người tạo nên. BĐKH gây hạn hán, bão lụt ngày một tăng, mực nước biển tăng cao, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một nhiều. BĐKH là yếu tố tác động lớn nhất được con người nhận diện trong những năm vừa qua. Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, nhiệt độ trung bình tại vùng ĐBSCL sẽ tăng 20C vào năm 2050 và 30C vào năm 2100. Theo kịch bản BĐKH, khi mực nước biển dâng cao như dự báo đến năm 2030, khoảng 45% diện tích vùng ĐBSCL đối mặt với nguy cơ nhiễm mặn. Năng suất lúa giảm 9%. Hệ thống nước ngọt bị đảo lộn làm hệ thống sản xuất, sản lượng lương thực, vườn cây ăn trái, thủy sản nước ngọt bị tổn thất lớn. Dưới tác động của BĐKH vai trò là vựa lúa – nguồn an ninh lương thực quan trọng của quốc gia sẽ chịu thách thức nghiêm trọng, đồng thời, gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải làm tăng nguy cơ ngập sâu các tuyến giao thông trọng điểm, tăng diện tích ngập lụt và thách thức trong tiêu thoát nước, xử lý nước thải nhiễm bẩn từ các khu công nghiệp và các đô thị lớn trong vùng.

Về cơ bản, tại vùng ĐBSCL có 2 yếu tố BĐKH gây tác động chính là ngập lụt và xâm nhập mặn. Nếu như trước đây, ĐBSCL chỉ phải chịu thiệt hại do ngập lụt từ đợt lũ định kì hàng năm từ thượng nguồn sông MêKông, thì dưới sự cộng hưởng của nước biển dâng, diện tích ngập mặn sẽ mở rộng, kéo theo quá trình nhiễm mặn đất, cùng với đó là sự lấn sâu của nước biển vào đất liền. Chính hai tác động song song này dẫn đến các tác động khác như: Sụt lún, sạt lở do lũ quét, xói mòn bờ sông, bờ biển hay thiếu nước ngọt cho tưới tiêu và sinh hoạt hàng ngày.

Trên quy mô toàn vùng ĐBSCL, bằng phương pháp sơ đồ hóa các tác động của hai yếu tố tác động trên, lồng ghép các tách lớp với nhau, ta có thể khoanh vùng các tác động của BĐKH. Theo đó, phân loại được 5 vùng tác động chính như sau:

- Vùng I: Vùng duyên hải phía Tây, chịu xâm nhập mặn khá nặng (chỉ thua vùng duyên hải phía Đông) và đồng thời chịu ngập lụt ở mức độ thấp. Do vậy giải pháp thích ứng với BĐKH cho vùng này phần lớn tập trung vào các giải pháp công trình ứng phó và thích ứng với môi trường ngập mặn.

- Vùng II: Vùng duyên hải phía Đông, chịu xâm nhập mặn nặng và ngập lụt khá nặng (mức ngập lụt chỉ đứng sau vùng trũng). Giải pháp thích ứng tập trung cả 2 vấn đề ngập và mặn. Vùng này sẽ là vùng bảo vệ vùng IV khỏi hoặc giảm tác động xâm mặn.

- Vùng III: Vùng ngập nặng, nhưng không bị mặn. Giải pháp chủ yếu thích ứng với ngập lụt.

- Vùng IV: Vùng nước ngọt, ngập lụt trung bình, ít nhiễm mặn. Giải pháp thích ứng hướng tới vấn đề thích ứng ngập lụt mức nhẹ và giảm thiểu xâm nhập mặn bằng giải pháp thủy lợi từ vùng II.

- Vùng V: Vùng lý tưởng, chịu ít tác động của ngập lụt nhất, và không có hiện tượng xâm nhập mặn. Đây là vùng lý tưởng cho phát triển đô thị, tập trung dân cư đô thị cao, mô hình phát triển nén. Vùng cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Trên quy các đô thị, nghiên cứu về hình thái không gian đô thị ở phần 2 đã cho thấy đặc điểm các đô thị vùng ĐBSCL đều gần vị trí giao nhau của các con sông lớn, tức là các đô thị có yếu tố nước đi qua. Do vậy, BĐKH và thủy triều trên các con sông lớn có tác động rất nhanh và trực tiếp tới các đô thị trong khu vực. Các công trình kiến trúc đô thị vùng ĐBSCL mang đặc trưng gắn liền với sông nước, kênh rạch, ao hồ nên cũng chịu tác động trực tiếp của chế độ thủy văn sông MêKông, biển Đông, biển Tây và khí hậu nhiệt đới. Tại một số khu vực bị ngập lụt nặng, kiến trúc nhà ở đã phải thay đổi để đáp ứng với vấn đề BĐKH như nâng cao tuyến đường bao quanh khu dân cư như một tuyến đê cục bộ nhằm bảo vệ cuộc sống người dân.

Như vậy, có thể thấy mối liên hệ mật thiết giữa hình thái kiến trúc đô thị và kiến trúc công trình với hiện tượng BĐKH trong vùng, bởi những tác động của BĐKH mang tính tất yếu và không thể tránh khỏi. Nếu không có những chiến lược và kế hoạch đồng bộ, mà chỉ trông chờ vào những giải pháp cục bộ và tự phát của từng địa phương, thì sẽ khó có sự phát triển bền vững và hiệu quả trong toàn vùng kinh tế ĐBSCL.

Kết luận

Vùng ĐBSCL với đặc tính sông nước đã hình thành nên các đô thị đặc trưng không thể nhầm lẫn với các vùng khác trong cả nước, tạo nên bức tranh đô thị hóa khá nhiều sắc độ giữa các tiểu vùng trong vùng ĐBSCL. Với nghiên cứu hình thái kiến trúc của 152 đô thị lớn nhỏ trong vùng ĐBSCL, cho phép chia nhóm đô thị theo chức năng và những đặc điểm chung dựa trên mối quan hệ của các yếu tố hình thái như mạng lưới sông ngòi, mạng lưới đường, mạng lưới không gian mở và đặc điểm kiến trúc công trình. Chính những yếu tố này, khi chịu tác động của BĐKH sẽ có diễn biến khác nhau và gây ra mức độ ảnh hưởng khác nhau. Ảnh hưởng trực tiếp và dễ thấy nhất của BĐKH đến ĐBSCL là việc suy giảm nguồn tài nguyên đất (đất ở, nông nghiệp và ngư nghiệp), tác động trực tiếp đến đời sống của người dân đô thị và các vùng kinh tế. Hệ quả tất yếu là sự gia tăng đói nghèo, không còn cơ hội làm nông nghiệp, và buộc phải di cư về các đô thị, gây thêm áp lực vốn đã rất lớn đến các đô thị.

Chúng ta có thể giảm bớt các tác động của BĐKH bằng cách ứng xử hài hòa với môi trường tự nhiên, không được lấp kênh rạch, không phá rừng, sử dụng năng lượng sạch, giảm bớt phát thải khí Cacbonnic, cần phải lồng ghép thích ứng BĐKH vào mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, và hướng tới xây dựng cộng đồng thích ứng, đủ khả năng chống chịu những tác động của BĐKH.



Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 83+84/2016 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)