Nhìn nhận đánh giá tổng quát kiến trúc Việt Nam giai đoạn 1945-1986

Thứ hai, 02/02/2015 13:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Di sản kiến trúc Việt không chỉ mang bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là kết quả của sự giao thoa của các dân tộc cũng như tiếp nhận các yếu tố văn hóa phương Tây và các quốc gia lân cận.Từ năm 1945 đến năm 1986, bốn mươi năm không là quãng thời gian dài so với lịch sử nhưng là thời kỳ mở đầu cho chế độ mới với những đặc trưng văn hóa lịch sử kinh tế xã hội và cả kiến trúc. Ở miền Bắc, sau chế độ dân chủ cộng hoà là thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, vừa xây dựng chính quyền vừa cùng miền Nam giải phóng đất nước, và sau khi thống nhất đất nước là nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh. Đây là thời kỳ thực sự khó khăn về mọi mặt, đặc biệt là kinh tế. Song với sự đồng lòng và quyết tâm của cả dân tộc, với phương châm của Đảng Nhà nước “Không có gì quí hơn độc lập tự do, đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…” kiến trúc xây dựng thời kỳ này đã đạt những thành tựu nhất định, mang tính lịch sử xã hội đáng trân trọng và cần được đánh giá một cách toàn diện.

Bối cảnh kinh tế xã hội và kiến trúc

Đặc điểm chính trị, kinh tế xã hội tác động quyết định đến đặc điểm kiến trúc của từng thời kỳ, cụ thể:

Giai đoạn 1945-1954

Mười năm đầu sau cách mạng tháng Tám, cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Các đô thị triển khai chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến”, nhiều công trình kiến trúc bị phá dỡ, nhiều công trình bị tàn phá bởi chiến tranh.

Ở vùng tự do hay ở chiến khu chủ yếu xây dựng các công trình tạm bằng vật liệu thô sơ, tại chỗ. Ở các vùng tạm chiếm với thế tranh chấp, chính quyền đô hộ hạn chế xây dựng, chủ yếu sử dụng kiến trúc có sẵn, chỉ xây dựng mới các công trình cần thiết phục vụ chiến tranh.

Giai đoạn 1954-1975

Hai mươi năm tiếp theo, đất nước bị chia cắt với các thể chế chính trị khác nhau

- Miền Bắc:

Mười năm đầu là kế hoạch tạo dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật tối thiểu ban đầu cho nền kinh tế mới, trong đó chủ yếu là các công trình công nghiệp do các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ.

Mười năm tiếp theo, đất nước lại phải đối phó với chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Vì vậy, thời gian này xây dựng chủ yếu là các công trình phòng không, sơ tán.

Chiến tranh cũng đã phá huỷ phần lớn thành quả mà mười năm trước đã tạo dựng, cho đến mãi sau này cũng không phục hồi hết được.

- Miền Nam

Miền Nam có những biến động chính trị. Chính quyền, một mặt lo ổn định chế độ cai trị (chuyển từ thực dân Pháp sang đế quốc Mỹ) mặt khác lo đối phó với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc- thống nhất đất nước của mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam.

Mặc dù có nhiều tiềm năng kinh tế, nhưng hoạt động xây dựng của thời kỳ này chủ yếu ở Sài Gòn và tại một số thành phố lớn hoặc các đô thị có mục tiêu quân sự. Họ xây dựng các khu quân sự với các công trình phục vụ cho người nước ngoài, cho chính quyền công sở, nhà ở, nơi vui chơi, nghỉ mát, công trình thương mại, tài chính…và công trình phục vụ chiến tranh như: Doanh trại, kho tàng, sân bay, bến cảng, đường sá, công trình dịch vụ quân sự

Giai đoạn 1975-1985

Đất nước được thống nhất. Đây là giai đoạn không còn nguồn viện trợ từ nước ngoài, phải tự tìm hiểu, trau dồi kiến thức và phát triển các phương pháp, kỹ thuật xây dựng mà các nước XHCN viện trợ để phục hồi cơ sở vật chất sau chiến tranh và xây dựng mới hệ thống công trình phúc lợi xã hội dân sinh ở cả hai miền. Vì vậy, kiến trúc xây dựng thời kỳ này vẫn ở trạng thái tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng.

+ Giá trị kiến trúc

Giai đoạn 1945 – 1986 là giai đoạn đất nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về phát triển kinh tế. Công trình kiến trúc được xây dựng thời kỳ này suất đầu tư thấp, không đa dạng về thể loại, quy mô không lớn, nhưng không phải không có thành quả. Giá trị cao nhất là đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội lúc bấy giờ. Giá trị của kiến trúc giai đoạn 1945-1986 thể hiện ở một số khía cạnh sau:

Kiến trúc được xây dựng theo quy hoạch

Tuy kinh tế xây dựng chưa phát triển, đô thị hóa còn thấp, nhưng các công trình được xây dựng đều theo quy hoạch cụ thể như: Khu công nghiệp, khu nhà ở công nhân, khu chung cư trong đô thị hay công trình cải tạo đô thị.
Ở miền Bắc, với sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ các nước XHCN, lực lượng thiết kế quy hoạch nước ta đã bắt đầu triển khai lập các đồ án,trước hết là cải tạo đô thị, sau đó là quy hoạch mở rộng một số đô thị, phát triển các khu công nghiệp lớn. Kiến trúc được triển khai theo quy hoạch và theo kế hoạch Nhà nước.

Kiến trúc được định hướng phát triển

Không thành văn bản, nhưng kiến trúc ở miền Bắc thời kỳ này đã được định hướng khá rõ ràng, theo chiều hướng “hiện thực XHCN” được biểu lộ ở các góc độ:

+ Chủ trương đầu tư

Nhà nước tập trung ưu tiên phát triển các công trình công nghiệp và phục vụ công nghiệp. Các khu nhà ở tại các khu đô thị theo mô hình “tiểu khu nhà ở” đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với các loại công trình nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, trạm y tế, dịch vụ tối thiểu như cửa hàng lương thực thực phẩm, nhà ăn, bách hoá…Hệ thống các công trình phúc lợi dân sinh như bệnh viện các tuyến, trường học, nhà văn hoá, nhà nghỉ công đoàn… được xây dựng từ trung ương tới địa phương

Kiến trúc phục vụ kinh tế, phục vụ quảng đại nhân dân biểu thị tính ưu việt của chế độ, thể hiện rõ tính nhân văn.

- Chất lượng kiến trúc: Với điều kiện thực tế xây dựng còn nhiều khó khăn như: Suất đầu tư thấp, Nhà nước bao cấp đầu tư và phân phối, vật liệu xây dựng hoàn thiện khan hiếm, thiếu nhiều trang thiết bị công trình, không thang máy, không điều hoà không khí… nên phương châm thiết kế lúc đó, đồng thời cũng là mục tiêu chất lượng công trình là “thích dụng, bền vững, kinh tế, đẹp (mỹ quan) trong điều kiện có thể”.

Từ đó, kiến trúc, trước hết phải đáp ứng giá trị sử dụng. Cho nên có thể coi kiến trúc XHCN ở miền Bắc là “kiến trúc công năng”, phản ánh hiện thực xã hội từ đầu vào, quá trình tạo dựng, đến đầu ra sử dụng.

Các nguyên lý thiết kế được bắt đầu bài bản, chuẩn mực, nhưng do cơ chế bao cấp, phân phối mà có sự phân cấp từ công trình cho đến phân cấp tiêu chuẩn nên nguyên lý được vận dụng một cách mềm dẻo, mức độ tiện nghi tối thiểu, nhưng tối đa nhu cầu.

Về hình thức, kiến trúc thời kỳ này có công năng đơn giản, dễ nhận biết, hình thức bên ngoài phù hợp chức năng sử dụng bên trong, đường nét hiện đại ngay thẳng, hình khối kiến trúc ngay ngắn sạch sẽ.

Tuy nhiên, diện mạo kiến trúc đô thị không tránh khỏi sự đơn điệu do các công trình đều thấp tầng, nghèo nàn về chủng loại, vật liệu hoàn thiện, chủ yếu là sơn vôi, sau này có đá rửa, ốp gốm, và do chủ trương xây dựng điển hình hóa theo mẫu nhà… Nghệ thuật kiến trúc càng bị hạn chế, nhất là trang trí (cả bên ngoài và nội thất, chiếu sáng nghệ thuật càng chưa dám nghĩ tới).

- Kiến trúc - xây dựng theo hướng công nghiệp hóa: Xuất phát từ nhu cầu, nhanh chóng hoàn thiện công trình (đối với nhà ở, công trình công nghiệp), ngành xây dựng đã chú trọng thay đổi và phát triển công nghệ xây dựng theo hướng công nghiệp hóa: “Điển hình hóa thiết kế, công xưởng hóa cấu kiện, cơ giới hóa thủ công”. Đây là thời kỳ rầm rộ nhất về CNH xây dựng, từ việc Nhà nước cử người đi học tập, liên kết với các nước XHCN, thử nghiệm, sản xuất thực tế. Ví dụ như lắp ghép sanđinô (Cuba), tấm block (Triều Tiên), tấm nhỏ (CHDC Đức), tấm lớn (Liên Xô)

Sau đó là quá trình nghiên cứu ứng dụng phương pháp thi công mới coppha trượt, hay nâng sàn đối với xây dựng nhà hạ tầng…

Kiến trúc khí hậu - tạo bản sắc

Thời kỳ này kiến trúc ở cả hai miền đều xuất phát từ yêu cầu thực tế khách quan, luôn chú trọng khai thác kiến trúc dân gian. Kiến trúc, vì thế phản ánh rõ đặc thù khí hậu.

Bị hạn chế điều kiện đầu tư, thiết bị công nghệ nên kiến trúc phải đặt mục tiêu “thích ứng” khí hậu nhằm tạo môi trường tiện nghi tối đa cho con người bằng cách khai thác lợi thế khí hậu tự nhiên như ánh sáng, gió mát, khắc phục bất lợi như gió bão, mưa lạnh, nắng nóng bức xạ… Người thiết kế đã chọn các giải pháp như chọn hướng nhà, tổ chức hành lang bên, thông gió tự nhiên, ánh sáng tự nhiên, sử dụng chi tiết kiến trúc để chắn nắng mưa, hướng bức xạ, xử lý mái - tường bao che cách nhiệt, tiếp cận thiên nhiên…hạn chế nhân tạo, tiết kiệm được năng lượng. Và đó phải chăng là những nội dung của kiến trúc Xanh ngày nay đang hướng tới.

Cũng chính từ kiến trúc thích ứng khí hậu mà vẻ ngoài bộc lộ rõ hình ảnh kiến trúc của từng vùng miền, vì vậy giai đoạn này kiến trúc được coi là có “bản sắc”

Kiến trúc ở miền Nam

Ngoài những điểm chung về bối cảnh xã hội, các tác động ảnh hưởng đến kiến trúc xây dựng, mục tiêu xây dựng ở miền Nam có những nét riêng, nên các công trình chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, các khu quân sự và phạm vi sử dụng có giới hạn. Do đó, ở miền Nam có những nét riêng, nên các công trình chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, các khu quân sự và phạm vi sử dụng có giới hạn. Do đó, ở miền Nam, công trình có quy mô lớn hơn ở miền Bắc, được đầu tư khá hơn, có đầu tư đa thành phần, có điều kiện kỹ thuật – công nghiệp, nguyên liệu thuận lợi nên chất lượng cũng tốt hơn. Chức năng của công trình cũng đa dạng và thiên về dịch vụ.

Điều đáng ghi nhận ở kiến trúc thời kỳ này là ngoài các loại công trình phong phú như công sở, nhiều khu nhà cao cấp, biệt thự, khách sạn nghỉ mát, nhà trường, khu vui chơi giải trí lớn, các trường đại học… điểm đặc biệt là đã có kiến trúc cao tầng (9-11 tầng) với thang máy và công nghệ - điều hoà không khí.

Cũng do ảnh hưởng của phương tây, kiến trúc miền Nam theo xu hướng hiện đại, thực dụng, công năng và các nhà thiết kế quan tâm đến khí hậu nên kiến trúc tạo được đặc thù nhiệt đới.

Môi trường hoạt động nghề nghiệp

Ở một góc độ nào đó, khi kiến trúc xây dựng được Nhà nước bao cấp và phục vụ cho cộng đồng thì từ “người chủ” là Nhà nước cho đến “người thực hiện” là người thiết kế, thi công công trình và người sử dụng đều chung mục đích là làm cho công trình hoàn thành tốt nhất. Vì vậy, tạo nên được môi trường hoạt động, quan hệ rất “thuận lợi và an lành”, tôn trọng lẫn nhau đặc biệt là tôn trọng chuyên môn. Kiến trúc được xây dựng theo quy hoạch nhưng đồng thời theo kế hoạch nên được quan tâm, phân chia trách nhiệm các bên rõ ràng. Tuy là bao cấp nhưng có kế hoạch hóa nên “cơ chế xin cho” lúc bấy giờ chưa biến thể. Lực lượng thực hiện thiết kế xây dựng nhận lương theo phân công của Nhà nước nên cuộc sống tuy chưa cao nhưng ổn định và yên tâm làm việc.

Quan hệ trong giới trên dưới chưa rõ ràng, nhưng không hạn chế sáng tạo và phong cách, cá tính.

Các tổ chức thiết kế đều của Nhà nước, do đó các đơn vị thường xuyên hợp tác giúp đỡ nhau bổ sung, đào tạo nhân lực, hợp tác công việc giữa các đơn vị.

Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cao năng lực trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng, lực lượng chuyên môn được đi đào tạo nâng cấp, tiếp cận các thành tựu mới của thế giới, nghiên cứu, vận dụng, tạo nên đội ngũ chuyên sâu, chuyên môn hóa cao, trong hợp tác quốc tế được tôn trọng.

Kết luận

Giai đoạn 1945-1986 là một thời kì biến động đầy khó khăn, nhưng kiến trúc xây dựng vẫn hiện diện, đáp ứng nhu cầu xã hội một cách tốt đẹp. Tuy khó nhưng ló cái khôn, nhiều công trình kiến trúc với các giá trị khác nhau đã đánh dấu những mốc có ý nghĩa trong tiến trình phát triển nền kiến trúc – xây dựng nước nhà.

Ở giai đoạn này, giá trị nghệ thuật tuy chưa cao nhưng giá trị hiện thực nhân văn của một nền kiến trúc Chân - Thiện - Mỹ đã được tạo lập. Phát huy các giá trị này trên nền tảng xã hội ngày càng thuận lợi về đầu tư, điều kiện kỹ thuật công nghệ mới…sẽ là xu hướng tốt và đúng cho con đường phát triển, kiến trúc nước nhà.

Tuy nhiên, việc ứng xử với các công trình giai đoạn này đang đứng trước sự lựa chọn và cả thách thức: Được cải tạo hoàn thiện hay là phá bỏ để xây dựng mới. Việc lựa chọn giải pháp nào thường chủ yếu dựa vào quy mô, sự xuống cấp, chất lượng công trình…,còn giá trị phi vật thể, giá trị văn hóa, giá trị tinh thần của thời đại thì chưa được xem xét một cách nghiêm túc.

Thực tiễn cho thấy: Phát triển xã hội luôn có những mâu thuẫn khách quan và nội tại, giữa trước mắt và lâu dài, giữa cái lợi ích, giữa các lĩnh vực, các mục tiêu…Các tác động của xã hội làm phai mờ, méo mó, thậm chí huỷ hoại những giá trị của quá khứ, mà thời gian không bù đắp được. Đây cũng là trách nhiệm của xã hội, của thế hệ hôm nay.

Tầm quan trọng và tính cấp bách đã và đang đặt lên vai các nhà quản lý trọng trách đối với lịch sử.


Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, Số 236 -12/2014

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)