Giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị ở thành phố Thái Nguyên

Thứ sáu, 23/01/2015 15:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tổng quanChính phủ đã phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2050 theo “mô hình mạng lưới đô thị, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt, có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc, có vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế- xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế, góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Thái Nguyên không nằm ngoài quy luật phát triển chung của đất nước. Hiện nay, thành phố có diện tích 189,699 km2, dân số khoảng 350.000 người. Dự kiến đến năm 2020, dân số sẽ tăng lên 600.000 người, trong đó dân số nội thành là 450.000 người. Thành phố Thái Nguyên được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, du lịch và dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du miền núi Bắc Bộ; là một trong những trung tâm công nghiệp và giáo dục đào tạo của cả nước; là đầu mối giao thông quan trọng nối các tỉnh miền núi phía Bắc với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.

Trong xây dựng và phát triển đô thị hiện nay, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng có vai trò rất quan trọng. Đây là vấn đề vừa mang tính chiến lược nhưng phải đi trước một bước làm cơ sở cho đầu tư xây dựng các công trình, chỉnh trang và phát triển đô thị…Đồng thời một trong những giải pháp chủ yếu để quản lý xây dựng đô thị phát triển theo hướng văn minh, hiệnđại, góp phần làm tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh xã hội.

Thành phố Thái Nguyên đang đứng trước sức ép nội tại và thách thức của sự phát triển. Công tác quản lý đô thị nói chung và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị nói riêng còn mang tính đơn lẻ và chưa đồng bộ. Theo tiến trình phát triển của thành phố, nếu không được quản lý tốt và kịp thời thì nguy cơ các giá trị đặc trưng khu vực của thành phố sẽ bị mất là rất có thể xảy ra. Việc nghiên cứu thực trạng của hoạt động quản lý đô thị là rất cần thiết và các đánh giá từ hoạt động này sẽ là cơ sở tin cậy cho các quyết định về sự phát triển của thành phố.

1. Thực trạng công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị ở thành phố Thái Nguyên

Những năm qua, dưới sự quản lý chặt chẽ của các cấp các ngành, công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị ở thành phố Thái Nguyên đã có nhiều bước tiến mới. Đến nay, hầu hết diện tích đất nội thị đã được quy hoạch phân khu 1/2000, đặc biệt là Khu đô thị phía Tây thành phố Thái Nguyên (diện tích khoảng 1.500ha) do tư vấn nước ngoài thực hiện nên chất lượng tương đối cao, đáp ứng tốt các nhu cầu phát triển đô thị. Các trục đường chính đô thị đã được lập quy hoạch chi tiết để quản lý xây dựng. Đã có nhiều dự án đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn thành phố, một số đang triển khai thực hiện dự án, một số đang trong qúa trình tạo lập quy hoạch như: KĐT hồ Xương Rồng, KĐt Bắc Đại học Thái Nguyên 55ha, các KĐTM thuộc phía Tây TP. Thái Nguyên như Duyên Phúc, Golden tea quy mô trung bình 100ha/khu. Trong giai đoạn 2011- 2015, thành phố Thái Nguyên sẽ chọn việc tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, lấy việc quản lý và xây dựng, chỉnh trang đô thị là một trong những khâu đột phá để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị gồm giao thông, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường đô thị, cây xanh… được thành phố quan tâm. Năm 2011, thành phố đã đầu tư trên 71 tỷ đồng cho việc duy tu, quản lý thường xuyên. Cùng năm, thành phố đã cấp trên 1.560 giấy phép xây dựng và gần 30 giấy phép khác như cho phép đào cắt vỉa hè, lòng đường, giấy phép sử dụng tạm thời vỉa hè…. Tuy nhiên, xét trong thời gian dài thì công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị vẫn còn một số hạn chế nhất định:

- Chất lượng một số đồ án quy hoạch ở thành phố Thái Nguyên còn thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa thực hiện vai trò định hướng và đảm bảo tính đồng bộ trong quá trình xây dựng, cải tạo và chỉnh trang đô thị. Qua số liệu báo cáo của phòng quản lý kiến trúc- quy hoạch, Sở Xây dựng, từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt 149 đồ án quy hoạch chi tiết trong đó có 59 quyết định điều chỉnh quy hoạch. Điển hình như đồ án quy hoạch Hồ điều hòa Xương Rồng, đồ án quy hoạch Trung tâm thương mại thành phố Thái Nguyên …Nhiều đồ án còn thiếu sự kết hợp phát triển của các công trình xây dựng với công hạ tầng kỹ thuật. Tình trạng này đã gây ra nhiều bất cập cho đô thị. Mặc dù quy định về thiết kế đô thị đã có từ năm 2005 (Nghị định số 08/2005/NĐ- CP về quy hoạch xây dựng), nhưng hầu hết các đồ án quy hoạch trên địa bàn thành phố Thái Nguyên không có thiết kế đô thị. Từ năm 2009, thiết kế đô thị mới được quan tâm thực hiện ở một số đồ án…

- Việc công khai quy hoạch xây dựng và cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng chưa kịp thời, thương xuyên và rộng rãi. Thông tin của một số đồ án chưa được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì thế, một số tổ chức và cá nhân còn chưa nắm được các thông tin về đồ án quy hoạch xây dựng, nhiều nhà đầu tư chưa được cung cấp đò án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chưa được hướng dẫn chi tiết các quy định về quy hoạch, kiến trúc đô thị và các quy định liên quan đến nhu cầu lập dự án đầu tư xây dựng.

- Nhiều khu vực của thành phố có khả năng thu hút đầu tư xây dựng lớn nhưng chưa được khai thác, nhiều cơ hội đầu tư xây dựng bị bỏ lỡ do có một số dự án “treo” mà sau nhiều năm, nay mới bị xử lý… Một số dự án bị thu hồi và chuyển giao cho nhà thầu khác thực hiện như: dự án Hồ điều hòa Xương Rồng, KĐT Thịnh Quang, KĐTM phường Thịnh Đán…

- Công tác kiểm tra giám sát thực hiện quy hoạch xây dựng chưa được phát huy hiệu quả. Chế tài xử lý đối với những trường hợp vi phạm còn hạn chế, thiếu tính răn đe. Từ thiếu sót này mà nhiều trường hợp xây dựng sai quy hoạch vẫn còn tái diễn như bê tông hóa lấn lướt cây xanh, xây dựng không theo giấy phép, tự cơi nới vi phạm quy hoạch dẫn đến phá vỡ kiến trúc, cảnh quan đô thị. ..

- Việc phát hiện xử lý vi phạm chưa kịp thời và triệt để. Tình trạng xây dựng không phép, sai phép sai quy hoạch, xây dựng đón đền bù trong vùng đã có quy hoạch được duyệt và công bố còn diễn ra ở một số phường xã…

- Thành phố chưa có một văn bản có tính pháp lý cao để có thể chuyển hóa các nội dung của đồ án quy hoạch, các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn làm cơ sở cho quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.

- Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật chưa sâu rộng và chưa đạt hiệu qủa mong muốn. Một số xã, phường chưa huy động được hệ thống chính trị và nhân dân địa phương tham gia gánh vác vài trò của mình trong hoạt động quản lý.

- Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin đại lý trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị thời gian qua nhìn chung còn ở mức khiêm tốn, chưa đáp ứng hết các yêu cầu quản lý hiện nay. Các thông tin dạng bản đồ quy hoạch hiện nay vẫn đang chủ yếu tồn tại dưới dạng tài liệu giấy còn các thông tin liên quan khác lại phân tán, chưa tích hợp với thông tin dạng bản đồ để trở thành một hệ thống thông tin tổng thể. Ngoài ra, các thủ tục triển khai, theo dõi, báo cáo vẫn thực hiện thủ công, rườm rà, tốn công sức, mất nhiều thời gian mà hiệu quả công việc không cao.

2. Nguyên nhân của những yếu kém trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị ở thành phố Thái Nguyên.

Nguyên nhân cơ bản của các hiện tượng trên xuất phát từ nhiều nguồn, trong đó có thể kể ra là:

- Ý thức về quy hoạch, xây dựng theo quy hoạch chưa được nhất quán và thường trực trong các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ chế quản lý chưa nghiêm. Các vi phạm xây dựng đô thị chưa được xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết…Còn tình trạng nể nang, né tránh hoặc bỏ qua đối với các vi phạm.

- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công tác của cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị ở một số đơn vị còn hạn chế, dẫn đến lúng túng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

- Công tác tham mưu, phối hợp, đôn đốc kiểm tra, xử lý vi phạm của các phòng ban, đơn vị và chính quyền địa phương chưa thật sự hiệu quả.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa sâu rộng và đạt hiệu quả như mong muốn. Một số xã, phường chưa huy động được cả hệ thống chính trị lẫn nhân dân địa phương cùng tham gia vào hoạt động quản lý này.

- Ý thức của một bộ phận người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động xây dựng chưa cao, cộng đồng dân cư chưa phát huy vai trò giữ gìn kiến trúc cảnh quan đô thị.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị ở thành phố Thái Nguyên.

3.1 Nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch

Để nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch, cần có sự tập trung nguồn lực thích đáng về nhân lực, vật lực. Cụ thể, để gắn kết được nguồn vốn ngân sách của Nhà nước, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp với các mục tiêu chủ yếu, cần xác định lại các loại hình quy hoạch và sự phối hợp giữa các loại hình đó. Cần quán triệt các yêu cầu sau:

- Quy hoạch chi tiết xây dựng cần phải được thành lập trên cơ sở điều tra, đánh giá đầy đủ hiện trạng sử đụng đất và được xây dựng trên nền bản đồ địa chính để đảm bảo các dự án được phân chia phù hợp với phân khu chức năng trong đồ án quy hoạch chi tiết đó.

- Quy hoạch có tính định hướng cao trong chiến lược xây dựng phát triển và quản lý đô thị. Trên cơ sở các định hướng chiến lược phát triển tổng thể và các ngành, lĩnh vực, chính quyền các đo thị xây dựng các chính sách, biện pháp, cơ chế thực hiện các định hướng chiến lược phát triển của đô thị, lập và tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ quy hoạch trong từng giai đoạn.

- Xác định danh mục các dự án theo thứ tự ưu tiên đầu tư và đưa ra các chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư. Đối với diện tích quy hoạch các công trình công cộng nhưng chưa có nguồn vốn đầu tư thì có thể thu hồi đưa vào khai thác sử dụng với mục đích khác trong thời hạn xác định để tạo vốn tái đầu tư trong tương lai.

- Nhân lực thực hiện công tác lập quy hoạch hiện nay đã và đang là vấn đề cần được quan tâm. Ngoài vấn đề thiếu cán bộ làm công tác quy hoạch, thì lực lượng làm công tác quy hoạch chịu sức ép rất lớn từ phái địa phương, đôi khi phương án quy hoạch thể hiện ý chí của lãnh đạo địa phương hơn là xuất phát từ những dự báo và từ những quan điểm khoa học. Do đó, ngoài việc đào tạo cán bộ làm công tác quy hoạch đồng thời cũng có những biện pháp nâng cao nhận thức của lãnh đạo các địa phương về công tác lập và thực hiện quy hoạch. Thành phố phải có chương trình và kế hoạch duy trì và thu hút các nguồn vốn nhằm động viên, khuyến khích cán bộ quản lý và nhân dân chung tay xây dựng đô thị thái Nguyên.

3.2 Xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị

- Phân rõ trách nhiệm chính quyền đô thị trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt. Trách nhiệm của chính quyền phải bao gồm các chức năng: kiểm tra, kiểm soát, điều chỉnh, cải thiện…

- Quy hoạch phạm vi quản lý chung cho toàn đô thị cũng như xác định địa bàn các khu vực đặc thù, khu bảo vệ tôn tạo, khu cải tạo chỉnh trang, khu vực xây dựng mới, khu phát triển mở rộng, khu vực có yêu cầu ưu tiên quản lý, khu vực cần có những quy chế đặc biệt… để xây dựng quy chế quản lý thích hợp cho từng đối tượng, phạm vi quản lý. Ngoài ra cũng cần có những quy định đối với các khu vực chưa có quy hoạch. thiết kế đô thị được duyệt.

- Quy đinh rõ việc quản lý thực hiện theo quy hoạch được duyệt, quản lsy cảnh quan kiến trúc đô thị cho từng khu vực theo tính chất như: khu vực mới phát triển, khu vực bảo tồn. khu vực khác của đo thị, khu vực giáp ranh nội, ngoại thành và các khu vực có yêu cầu quy chế quản lý riêng.

- Quy định rõ trách nhiệm của chính quyền đô thị và các cơ quan chuyên môn liên quan trong tổ chức, chỉ đạo, theo dõi, thực hiện quy hoạchđô thị, xác định các khu vực,tuyến phố ưu tiên chỉnh trang; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch những nơi chưa có quy hoạch, khu vực cần điều chỉnh quy hoạch, thiết kế đô thị .

Nêu rõ những yêu cầu bắt buộc về kiến trúc: chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cao độ nền nhà, cao độ hè phố, số tầng tối đa, độ cao mỗi tầng…đối với từng công trình xây dựng theo từng tuyến phố riêng biệt.

3.3 Nâng cao vài trò của cộng đồng trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị

Lấy ý kiến cộng đồng là mội nội dung quan trọng bắt buộc phải thực hiện trong các đồ án quy hoạch nói chung và thiết kế đô thị nói riêng. Mục đích lớn nhất là khuyến khích và phát huy vai trò của cộng đồng trong việc xây dựng, giám sát và thực thi các đồ án quy hoạch, mang lại lợi ích thiết thực cho quy hoạch và quản lý đô thị. Các bước thực hiện đều lấy của cộng đồng, ngay từ khâu lập dự án. Vì mỗi dự án đều có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng về các mặt môi trường tự nhiên, xã hội, mật đô giao thông…

3.4 Xây dựng hệ thống thông tin địa lý GIS

Việc áp dụng GIS trong công tác quản lý quy hoạch đô thị mang lại hiệu quả và tính khả thi cao. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giải quyết được các vấn đề sau:

- Quản lý tập trung các thông tin quy hoạch. Tạo môi trường đơn giản, thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng các thông tin quy hoạch. Phục vụ nhanh chóng các nhu cầu về khai thác thông tin, tin học hóa quá trình giải quyết các thủ tục hành chính.

- Với lãnh đạo: cung cấp thông tin đa chiều, tổng hợp và thuộc nhiều chủ đề khác nhau, thông tin mang tính tri thức hỗ trợ việc ra quyết định.

- Với đơn vị quản lý quy hoạch xây dựng cung cấp một hệ thống thông tin thống nhất từ việc khởi tạo dữ liệu, quản lý cậ nhật dữ liệu đến các hình thức khai thác dữ liệu theo yêu cầu nghiệp vụ.

- Với các đơn vị có nhu cầu sử dụng thông tin quy hoạch xây dựng: được cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng theo chức năng nhiệm vụ của mình.

- Với cộng đồng: cung cấp một kênh tra cứu thông tin về quy hoạch xây dựng, thông tin về khu vực ở hoặc khu đất dự kiến sẽ đầu tư hoặc biết được trạng thái xây dựng của lô đất nhà mình như thế nào.

Kết luận

Từ thực trạng công tác quy hoạch xây dựng đô thị ở thành phố Thái Nguyên, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị ở thành phố Thái Nguyên. Với mục đích tạo cho thành phố Thái Nguyên thế và lực mới trong xu thế hội nhập, tác động lớn đến sự phát triển của tỉnh, vùng liên tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Để làm tốt công tác này cần có sự chung tay của cả cộng đồng xã hội để quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng; cấp phép xây dựng mới, cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan trên địa bàn thành phố; xác lập nhiệm vụ quy hoạch, thiết kế đô thị với khu vực chưa có quy hoạch, thiết kế đô thị được duyệt.


Nguồn: Tạp chí Kinh tế Xây dựng, số 4/2014

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)