Kế thừa giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống vùng hạ lưu sông Lam Nghệ An trong tổ chức không gian nhà ở nông thôn mới

Thứ hai, 24/11/2014 09:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tại vùng hạ lưu Sông Lam Nghệ An đoạn dưới Thị trấn Nam Đàn (xuôi theo 7km nữa), hiện có rất nhiều công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử, khoa học và nhân văn, đặc biệt là giá trị về văn hoá kiến trúc truyền thống (KTTT), được thể hiện trong quy hoạch không gian làng xã và tạo dựng kiến trúc nhà ở truyền thống (KTNƠTT) nhằm “ứng xử” với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Vấn đề kế thừa giá trị KTNƠTT vùng này trong tổ chức không gian nhà ở nông thôn mới theo hướng hiện đại là rất cần thiết và cấp bách trong bối cảnh vùng quê này đang chịu nhiều áp lực cũng như sức ép của quá trình đô thị hóa.

Điều kiện tự nhiên vùng hạ lưu sông Lam Nghệ An

Cũng thuộc lưu vực hạ lưu Sông Lam Nghệ An, nhưng khu vực dân cư bên Tả ngạn không bị ngập lụt do có đê 42 ngăn, còn phía hữu ngạn hễ có lụt lớn là ngập cả làng, xã vì đê Nam Trung không ngăn được lụt, khi đó dân cư phải vào núi Thiên Nhẫn tránh lụt. Vì thế đôi bờ nơi đây có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển kiểu KTNƠTT có nhiều giá trị.

Địa bàn nơi đây vừa là đất giàu truyền thống cách mạng, vừa là đất “địa linh nhân kiệt”. Xã nào cũng là xã anh hùng thời kỳ cách mạng chống Pháp và chống Mỹ, có xã thêm danh hiệu anh hùng thời kỳ Đổi mới, làng xã nào cũng có người đỗ đạt cao, nhiều người đã trở thành quan lại qua các thời đại.

Các giá trị kiến trúc tôn giáo và kiến trúc nhà ở truyền thống vùng hạ lưu sông Lam Nghệ An.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử với nhiều cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, vùng quê này có rất nhiều công trình lịch sử - văn hóa, nổi bật là công trình tín ngưỡng đình, chùa để nhớ người có công trạng như: Đình làng Hoành Sơn (xã Khánh Sơn, Nam Đàn) dựng năm 1763 thờ Thành Hoàng Lý Nhật Quang, Đình Trung Cần (xã Nam Trung, Nam Đàn) xây vào năm 1781 thờ Tam, Tứ vị Đại vương và Tướng Tống Tất Thắng giúp vua Lê Lợi đánh giặc Minh.

Do có hai phía tả ngạn và hữu ngạn tận dụng được hướng gió mát Nam và Đông - Nam, lại vừa tránh được gió Lào nên việc tổ chức hệ thống giao thông và tổ chức cảnh quan sinh thái như sau:

- Trục giao thông liên xã chạy song hành với đê và sông Lam theo hướng Nam - Bắc.

- Các đường thôn, xóm tổ chức vuông góc với đường liên xã.

- Các ngõ, lối vào các nhà theo hướng Nam - Bắc.

Yếu tố ao, hồ, sân, vườn và cảnh quan sông, núi, đồng ruộng đã tạo ra sự cân bằng sinh thái hài hòa tự nhiên trong hệ thống không gian làng xã vùng hạ lưu sông Lam Nghệ An trong quá trình tồn tại và phát triển.
Về tổ chức khuôn viên ở và kiến trúc nhà ở truyền thống mang những nét đặc trưng sau:

Riêng về tổ chức khuôn viên ở cư dân nơi đây thường dùng biện pháp: Tổ chức ngôi nhà chính theo hướng Nam, chếch Bắc từ 100-200, nhà phụ đặt ở phía Đông, cuốn gió Lào. Nhìn chung khuôn viên ở đảm bảo cân bằng sinh thái hài hòa tự nhiên và bền vững. Về tổ chức KTNƠTT, cư dân nơi đây từ xa xưa cho đến nay đều sử dụng ba loại nhà chính thống sau:

+ Nhà Tứ trụ

Loại này được các nhà khoa bảng, giàu có,quan lại, xây dựng với quy mô lớn, to, khoẻ, kết cấu cầu kỳ, vật liệu gỗ quý…với cấu trúc 4 hàng cột chính vững chắc. Một thời gian dài bị lãng quên, không được xây dựng do yếu tố kinh tế. Mấy năm trở lại đây, loại nhà này được xây dựng lại nhiều. Loại nhà này chiếm 15% trong tổng số loại nhà ở.

+ Nhà Long lẫm

Kiểu nhà này phổ biến rộng rãi cho các gia đình có mức kinh tế vừa bởi nó có kết cấu hợp lý, khoẻ, dễ thi công, đẹp, hình thức gọn, nhẹ. Nay loại nhà này vẫn được xây dựng nhiều. Loại nhà này chiếm 35% trong tổng số loại nhà ở.

+ Nhà Giao nguyên (Giao kẻ)

Đây là loại nhà đơn giản, dễ thi công, ít tiền, vật liệu dễ kiếm, không đòi hỏi cao về kỹ thuật và mỹ thuật, phù hợp với mọi gia đình, nhất là gia đình có kinh tế eo hẹp. Loại nhà này chiếm 37% trong tổng số loại nhà ở.

Hiện nay, trong không gian các làng xã xuất hiện một số nhà ở kiểu đô thị 2 - 4 tầng, góp phần khởi sắc bộ mặt lão làng xã. Loại nhà kiểu này chiếm tới 13% trong tống số nhà ở.

Mọi loại hình KTNƠTT đều có cách “tổ chức không gian” không những tránh được gió Lào mà tránh cả được lũ lụt bằng cách làm thêm chạn gác ở trên ngay đàng hạ (hạ thứ) bằng gỗ ván dùng để đồ đạc và người ở (cả động vật nhỏ) mỗi khi có lũ lụt dâng cao. Phía tường thu hồi (có khi bằng ván) trổ một lỗ 60x80 (cm) đủ để người và động vật nuôi thoát ra ngoài từ chạn gác ra thuyền chở sẵn để di chuyển đến nơi an toàn hơn, đặc biệt là di chuyển, tháo lắp, dựng lại dễ dàng mỗi khi có sự cố. Để dự trữ thức ăn cho người, gia súc, gia cầm trước đây mỗi nhà thường xây dựng bên cạnh nhà ở chính, họ thương xây thêm căn nhà chòi 2 tầng: tầng 1 cho gia súc, gia cầm; tầng 2 để củi, rơm, thóc, gạo… Ngày nay do có điều kiện kinh tế, họ xây nhà 2 tầng kiên cố bên cạnh ngôi nhà chính có cầu thang dốc thoải, có bậc để dắt trâu, bò, lợn lên cư trú.

Giải pháp kế thừa các giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống trong tổ chức không gian nhà ở nông thôn mới

Trong bối cảnh đô thị hóa với hướng phát triển phi nông nghiệp và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN,cấu trúc làng xã đương nhiên phải thay đổi và việc bảo tồn các giá trị của làng xã truyền thống cần phải được đặc biệt quan tâm. Các di tích phải được kế thừa phát huy theo hướng trở thành các di sản sống, cùng tham gia vào cuộc sống hiện đại. Trong việc bảo tồn nhằm kế thừa giá trị KTTT cho các làng xã có thể áp dụng các giải pháp sau:

+ Về Quy hoạch - Kiến trúc

Giải pháp 1: Bảo tồn giá trị bất biến. Các làng xã có công trình như Đình, Chùa, Miếu, Nhà thờ Họ tổ, các thôn, xóm tồn tại từ lâu, có cấu trúc quy hoạch bố trí khu vực ở, các loại NƠTT, đường làng, ngõ xóm rất khoa học thì các giá trị này để nguyên, không can thiệp nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học và phục vụ tham quan, du lịch cộng đồng.

Giải pháp 2: Bảo tồn giá trị bất biến có nâng cấp sửa đổi.Cụ thể ở đây là các công trình di sản có giá trị qua thời gian đã xuống cấp, hư hỏng…,thì cần phải nâng cấp, cải tạo, sửa chữa theo hướng bảo tồn đi đôi với phát triển.

+ Về mặt kinh tế - xã hội

Giải pháp cơ chế, chính sách: Cần có chính sách vĩ mô về phân bố dân cư, đất đai, tài nguyên, điều kiện phát triển kinh tế cho cộng đồng tại chỗ ở hai bên vùng hạ lưu sông Lam Nghệ An.

Giải pháp vể văn hóa: Cần xây dựng mô hình làng văn hóa theo hướng cộng cư tập trung với cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, tăng cường tính hấp dẫn đối với các di sản quan trọng.

Giải pháp kinh tế: Tiếp tục thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo và hạn chế khoảng cách giàu nghèo như hiện nay;phát triển kinh tế du lịch tại chỗ và liên kết vùng.

Giải pháp quản lý. Mỗi xã cần thành lập nên đội quản lý, khai thác, duy tu, sữa chữa các công trình di sản tôn giáo cũng như KTNỞTT có giá trị cao. Công tác quản lý di sản KTNƠTT cần được xã hội hóa, phát huy sức mạnh của cộng đồng.

Kết luận

Vùng hạ lưu Sông Lam Nghệ An có điều kiện tự nhiên, hiện trạng rất đặc biệt: c gi Lào thổi mạnh,vừa có lũ lụt dâng cao; vừa có gió Lào thổi mạnh, vừa có lũ lụt dâng cao, vừa có gió biển. Vì thế cư dân ở đây từ xưa đến nay đã có các quẩn cư và xây dựng KTNƠTT nhằm ứng xứ tốt điều kiện bất lợi đó. Yếu tố địa hình và kinh tế quyết định các quần cư LX;

Việc kế thừa giá trị không gian nhà ở nông thôn mới vùng hạ lưu Sông Lam Nghệ An trong tổ chức KGNỞNTM theo hướng hiện đại là rất cần thiết và cấp bách. Song song với nó cần có các giải pháp về các mặt kinh tế - xã hội cho vùng quê đặc thù này.


Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, Số 9/2014

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)