Các điểm nhấn của kiến trúc Hà Nội trong năm thiên niên kỷ

Thứ ba, 28/09/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Nét điển hình của Hà Nội: đẹp và duy nhấtLịch sử và kiến trúc Hà Nội thật phong phú: các dinh thự, đền chùa, thành quách, các toà nhà và biệt thự thuộc địa kiểu Pháp, các toà nhà mang đậm dấu ấn Xô Viết… Lịch sử của Hà Nội từ xưa đến nay là sự kết hợp giữa Á và Âu. Sau một thời kỳ dài Bắc thuộc, thành phố “Rồng bay” bắt đầu quá trình phát triển riêng của nó từ năm 1010. Trải qua nhiều thế kỷ và nhiều triều đại, Thăng Long đã trở thành một Hoàng thành đúng nghĩa và đã trải qua một thời kỳ vàng son vào thế kỷ 15 dưới triều đại nhà Lê, là thời kỳ phát triển cực thịnh của đạo Khổng. Các du khách phương Tây đầu tiên của Thủ phủ Bắc bộ đã rất ấn tượng với vẻ đẹp của kiến trúc Hà Nội thế kỷ 17. Hà Nội thực sự là “thành phố của 36 phố phường”, thành phố của các tiểu thương và thợ thủ công…đã mất đi vị thế Thủ đô vào đầu thế kỷ 19 và may thay, Hà Nội lấy lại vị thế khi trở thành Thủ đô của Đông Dương. Từ quá khứ thuộc địa, Hà Nội vẫn lưu giữ các toà nhà công và vô số các biệt thự mà ngày nay đã trở thành các di sản bên cạnh các “làng nghề”, phố phường hoặc văn miếu. Hà Nội ngày nay là một thành phố đẹp, Thủ đô của nước Việt Nam hiện đại, nơi mà các du khách có thể cảm nhận chiều dày lịch sử bởi kiến trúc, khi đi dạo trên một trong những thành phố “xanh nhất” châu Á với vô số cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, trên các con phố rợp bóng cây xanh hai bên đường và vây quanh là rất nhiều hồ nước và con sông Hồng. Là một kiến trúc sư và là một người Paris, tôi thực sự nghĩ rằng vẻ quyến rũ độc đáo của Hà Nội có thể sánh với Paris.

2. Hà Nội được mở rộng

1000 năm sau- một sự thay đổi lớn: Hà Nội mở rộng bao gồm tỉnh Hà Tây và một số huyện xã của tỉnh Vĩnh Phúc, Hoà Bình để trở thành một thành phố Châu Á hiện đại lớn gấp 4 lần hiện tại. Năm 2010, Hà Nội giống như bao Thủ đô khác trên thế giới đang đối mặt với các thách thức do quá trình đô thị hoá nhanh như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm chất lượng nước và không khí, thiếu nhà ở cho người nhập cư mới, thiếu năng lượng, xử lý nước và xử lý nước thải, quản lý đô thị…Hà Nội cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh của các thành phố khác về sức quyến rũ và hấp dẫn: TP. HCM ở Việt Nam, với các Thủ đô Á châu khác như Bangkok, Singapore, Kuala Lumur, Bắc Kinh, Seoul… Việc mở rộng Hà Nội phản ánh mong muốn chính đáng biến Hà Nội thành một thành phố Châu Á hiện đại, đối mặt với các thách thức toàn cầu trong thế kỷ 21.

Tuy nhiên, việc tạo ra một Hà Nội lớn sẽ không thể thành hiện thực mà không có các khó khăn: nhiều người lo ngại các chính sách xã hội, văn hoá, giáo dục sẽ thay đổi cùng với sự biến mất của các truyền thống văn hoá và đặc trưng của Hà Nội: đầu cơ đất, hình thành các khu công nghiệp sẽ tạo ra ô nhiễm, phát triển mất cân đối…

Đô thị hoá nhanh là không thể tránh được, do tăng trưởng dân số và phát triển nhanh, nhưng một số câu hỏi đáng để suy ngẫm vì nó tác động tới cuộc sống hàng ngày của người Hà Nội. Chúng ta cân nhắc giữa truyền thống và hiện đại như thế nào, trung tấm phố cổ và khu đô thị mới? phát triển và tự nhiên? đô thị và nông thôn? Các làng mạc và các đại đô thị? Công nghiệp hoá và nông nghiệp hoá?

Hà Nội phải phát triển theo cách riêng thay vì chạy theo một số mô hình châu Á hấp dẫn khác. Hà Nội đẹp và duy nhất, gần với Paris hơn là các thành phố châu Á hiện đại nhưng xấu. Do đó, nếu chúng ta cố gắng  áp dụng theo một số mô hình Nhật Bản, Mỹ hay Hàn Quốc một cách cứng nhắc, chúng ta sẽ huỷ hoại hoặc thậm chí giết chết di sản thiên niên kỷ của Hà Nội. Trong kiến trúc, một sai sót có thể tồn tại trong một thời gian dài.

3. Định hướng kiến trúc Hà Nội trong thế kỷ 21

Trong năm thiên niên kỷ này, tôi mơ về một thành phố hiện đại và là sự tiếp nối giấc mơ của vua Lý Thái Tổ khi ông nhìn thấy “Rồng bay” đánh dấu sự phát triển của văn hoá Việt Nam. Tôi mơ về sự rộng mở dựa trên sự lắng nghe ý kiến của người Hà Nội và giữ gìn bản sắc Hà Nội sâu đậm hơn. Sự mở rộng sẽ nâng cao hơn văn hoá và kiến trúc Việt Nam bằng cách tạo ra một thành phố đẹp hơn và một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người. Để thực hiện các mục tiêu này, xin đề xuất tập chung vào các điểm sau:

- Xây dựng Hà Nội trên nền tảng Hà Nội

- Xây dựng một thành phố hiện đại trên chữ “hơn”: thân thiện hơn, xanh hơn, chào đón hơn, bền vững hơn, mang tính xã hội hơn, thịnh vượng hơn…

- Xây dựng kiến trúc Hà Nội theo quy mô dân số

- Khuyến khích các kiến trúc sư Việt Nam xây dựng thành phố của mình

- Dựa vào kiến trúc hiện đại để tạo ra các điểm nhấn lớn

- Thúc đẩy chất lượng kiến trúc mọi nơi

- Con người là trên hết

Xây dựng Hà Nội trên nền tảng Hà Nội

Hà Nội có sự kế thừa mạnh mẽ giữa châu Á và phương Tây và sự kế thừa này cần được bảo tồn và phát triển. Một thành phố được hình thành bởi sự kế thừa lâu dài nhưng trong lịch sử cận đạii, chúng ta có thể nhận thấy sự phá huỷ diễn ra một cách thật dễ dàng: Hà Nội có 1000 năm tuổi nhưng chỉ có một ngày có thể phá huỷ một toà nhà cổ kính. Một thành phố được xây dựng bởi các yếu tố hữu hình, như các tòa nhà, quảng trường và đường phố, nhưng một số yếu tố vo hình như các mối quan hệ giữa con người mà tôi gọi là “các sợi dây vô hình”. Ở Hà Nội, “các sợi dây vô hình hình thành từ thửa sơ khai Thăng Long  năm 1010 là cái thần và hồn của Hà Nội, ví dụ, cuộc sống phố phường Hà Nội là một bô phim truyền hình nhiều tập mà không có kịch bản trước. Thành phố đã đổi thay nhiều lần và phát triển nhưng cái thần và cái hồn vẫn tồn tại mãi mãi. Đó là lý do tại sao tôi thực sự nghĩ rằng xây dựng Hà Nội trên nền tảng Hà Nội.

Xây dựng một thành phố hiện đại trên chữ “hơn”

Sau nhiều năm chiến tranh và trong hoàn cảnh thiếu thốn, sự khát khao về một thành phố hiện đại của người Hà Nội là điều dễ hiểu và là một mong ước chính đáng. Hà Nội có cơ hội duy nhất để xây dựng một thành phố Châu Á hiện đại và có tính bền vững, học hỏi những kinh nghiệm  từ các thành phố khác và bằng các công cụ và công nghệ tiên tiến nhất.

Chúng ta đều biết các thách thức toàn cầu mà thế giới đang đối mặt: các vấn đề môi trường, tăng trưởng dân số mạnh mẽ, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức và sự phát triển mạnh mẽ của các đại đô thị. Đã đến lúc áp dụng các giải pháp và các công cụ để có một thành phố dựa trên chứ “hơn”: thân thiện hơn, xanh hơn, chào đón hơn, bền vững hơn, mang tính xã hội hơn, thịnh vượng hơn…

Xây dựng kiến trúc Hà Nội theo quy mô dân số

Hà Nội giống Paris hơn là với Hồng Kông hay Los Angeles. Lấy ví dụ về chiều cao thấp của các toà nhà và chất lượng đặc biệt của tính đa dạng trong kiến trúc. Hông Kông là một thành phố có mật độ các toà cao ốc rất lớn với hệ thống giao thông công cộng hiệu quả mà Hà Nội không có được. Los Angeles là một thành phố trải rộng và ít các toà nhà cao tầng và rất nhiều xe cộ và đó là điều không tốt cho hành tinh của chúng ta. Chúng ta phải nghĩ về Hà Nội theo một cách khác: có mật độ xây dựng hợp lý, chiều cao và công viên cây xanh và một sự tổng hoà về các hoạt động (nhà ở, văn phòng, thương mại, giáo dục…) để duy trì quy mô dân số và chất lượng cuộc sống .

Khuyến khích các kiến trúc sư Việt Nam xây dựng thành phố của chính mình

Ai có thể hiểu Hà Nội rõ hơn chính những người Hà Nội? Chúng ta phải có lòng tin hơn nữa vào các kiến trúc sư Việt Nam. Rất nhiều lần trong công việc, tôi gặp những người nói rằng, một “người da trắng” giỏi hơn một người Việt trong việc thuyết trình hay thiết kế một dự án. Thái độ này dẫn đến giao nhiều việc hơn cho kiến trúc sư ngoại quốc. Ở Việt Nam tôi thường làm việc với “người da trắng” và người Việt và tôi đảm bảo rằng có những người giỏi  và những “người da trắng” rất kém. Tôi đã đến thăm Nhật Bản năm ngoái và tôi nhận ra rằng phần lớn kiến trúc và các toà nhà được thiết kế bởi các kiến trúc sư người Nhật. Đó là lý do làm cho kiến trúc và văn hoá Nhật Bản vững mạnh hơn và Nhật Bản trở thành một cường quốc.

Dựa vào kiến trúc hiện đại để tạo ra các điểm nhấn lớn

Chúng tôi hỗ trợ Nhà thầu tư vấn và thiết kế Renzo Piano trong cuộc thi tuyển thiết kế Nhà hát Thăng Long. Tôi nghĩ rằng đó là một sáng kiến tốt của UBND thành phố Hà Nội. Một thành phố như Hà Nội, với một bề dày lịch sử phải hướng đến tương lai. Các kiến trúc như vậy phải thể hiện sự tự tin của chúng ta hướng đến tương lai, nền văn hoá tươi sáng của chúng ta và tạo ra một điểm nhấn mang tính biểu tượng của thành phố chúng ta. Paris mà không có tháp Eifel thì không phải là Paris, New York  mà không có tượng nữ thần tự do thì không phải là New York. Kiến trúc hiện đại sẽ giúp các thành phố bước vào thế kỷ 21.

Thúc đẩy chất lượng kiến trúc mọi nơi

Kiến trúc rất quan trọng, nó là một phần của văn hoá chúng ta và nó ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật của ta vì thế tôi nghĩ, chúng ta, các kiến trúc sư, có nhiều trách nhiệm và thách thức hơn trước. Kiến trúc phải có ở mọi nơi, trong các làng mạc, trong thành phố, trong các đô thị lớn, trong các vùng nông thôn, để đưa đến vẻ đẹp, chất lượng sống tốt hơn và sự phát triển bền vững. Nó phải được đưa vào các chương trình giáo dục tại các trường học.

Triết lý của chúng tôi: con người là trên hết

Tại công ty kiến trúc HighEnd, chúng tôi làm công việc thiết kế kiến trúc với lòng đam mê và luôn luôn nghĩ tới viêc làm cho Thủ đô của chúng ta đẹp hơn nữa. Qua công việc, chúng tôi nâng cao kỹ năng của các kiến trúc sư Việt Nam bằng cách chuyển giao các kiến thức mà chúng tôi học được từ nước ngoài. Chúng tôi muốn trở thành một bộ phận quan trọng của quá trình phát triển mới của Việt Nam và đặc biệt là Hà Nội. Chúng tôi muốn tự hào về những việc mà chúng tôi đã làm và muốn xây dựng không chỉ cho chúng tôi mà còn cho các thế hệ sau. Hà nội sẽ trở thành một trong những Thủ đô lớn trong tương lai của Đông Nam Á và chúng tôi rất tự hào là một phần của nó. Triết lý của chúng tôi trong công ty là chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi, chuyển giao kiến thức cho thế hệ trẻ, làm việc trong tập thể và tất cả các mục tiêu này đều có chung mọt mục đích: con người là trên hết.

4. Kết luận

Thay cho lời kết, tôi muốn nói rằng chúng ta có một cơ hội lớn để thiết kế một “Thành phố vĩ đại và bền vững của tương lai theo quy mô dân số ” học hỏi từ quá khứ và hướng tới tương lai, để tạo ra một thành phố hiện đại mới. Hà Nội đẹp và duy nhất. Và tôi muốn Hà Nội lớn hơn, độc đáo hơn và tình người hơn. Trong năm 2010, tôi hy vọng được nhìn thấy Thăng Long “Rồng Vàng” lại bay cao.

 

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, số 8/2010.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)