Kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề bảo tồn và phát triển bản sắc đô thị Hà Nội

Thứ năm, 23/09/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trung tâm lịch sử và trung tâm mới La Défense của thành phố Paris (Pháp)Paris, một thành phố có trên hai ngàn năm tuổi, là một Thủ đô chính trị, kinh tế, văn hoá lịch sử quan trọng hàng đầu thế giới. Sau Đệ nhị thế chiến, giống như đa số các đô thị tại châu Âu và trên thế giới, Paris một mặt phục hồi khu trung tâm lịch sử, một mặt ưu tiên phát triển nhanh chóng ra khu ngoại vi, giúp hình thành Vùng đô thị Paris với tổng số dân hiện nay trên 12 triệu người.

Từ năm 1958, nhiều thế hệ KTS nổi tiếng của Pháp và của thế giới đã đóng góp cho việc phát triển La Défense thành một trung tâm đô thị dịch vụ- thương mại cao tầng hiện đại quan trọng với quy mô lớn nhất Châu Âu. Tại Paris chỉ có duy nhất một công trình cao ốc Montpanasse (1972) được xây dựng trong khu trung tâm lịch sử. Cao ốc này bị người dân phản đối vì bị coi là làm phá hỏng cảnh quan lịch sử, dẫn đến quyết định của chính quyền cấm xây dựng mọi công trình cao tầng của Paris từ đó về sau. Khu La Défense  nối kết với khu trung tâm lịch sử Paris bằng trục Champs- Élysess. Trục này chạy qua các công trình nổi tiếng thế giới và mang dấu ấn phát triển của Paris từ xưa đến nay như Khải Hoàn Môn lịch sử (1836), Bảo tàng Louvre (1793), Khải Hoàn Môn của thế kỷ 20 Grade Arche và Quảng trường trung tâm mới bao quanh bởi các công trình cao tầng hiện đại (1989).

Trung tâm lịch sử và trung tâm mới của thành phố Montréal (Canada)

Trung tâm lịch sử của thành phố Montréal là khu đô thị cổ được xây dựng từ năm 1642. Sau này được khoanh vùng và công nhân là khu vực bảo tồn quốc gia năm 1964. Trong Trung tâm lịch sử của thành phố Montréal  có các công trình nổi tiếng còn tồn tại cho đến ngày nay như Vương cung Thánh đường Đức Bà (1829), Toà Thị chính (1878), Quảng trường Jacques- Cartier (1841), Chợ Bonsecours (1847).

Trung tâm mới của thành phố Montréal cách Trung tâm lịch sử khoảng 20 phút đi bộ, xây dựng trên nền kiến trúc vùng ven Trung tâm lịch sử, chủ yếu được hình thành từ sau việc xây dựng phức hợp trung tâm Ville Marie với nhóm công trình cao 188m của KTS nổi tiếng I.M Pei vào năm 1962. Việc xây dựng phức hợp này cũng là bước khởi đầu cho việc xây dựng hệ thống thành phố ngầm nổi tiếng thế giới của Montréal ngày nay với khoảng 32km tuyến đi bộ ngầm kết hợp với các cửa hàng thương mại, văn phòng dịch vụ, hệ thống metro và ga xe lửa, trải dài trên một diện tích khoảng 12km2.

Trong khu Trung tâm lịch sử, chính quyền cấm xây dựng các công trình cao tầng. Hầu hết các công trình hiện đại cao tầng  quan trọng của Montréal đều được xây dựng tại Trung tâm mới này.

Hệ thống hồ nước, công viên cây xanh và các đại lộ xanh liên hoàn- kinh nghiệm thành phố Seattle (Mỹ)

Seattle là đô thị cảng lớn nhất vùng tây bắc Hoa Kỳ, thường được gọi  là đô thị xanh ngọc, được thành lập từ năm 1869. Tên gọi này bắt nguồn từ lịch sử phát triển của hệ thống hồ nước, công viên cây xanh và các đại lộ xanh liên hoàn nổi tiếng được Frderick Law Olmsted, người được coi là cha đẻ của ngành kiến trúc cảnh quan Hoa Kỳ, thiết kế cải tạo và mở rộng vào đầu thế kỷ 19. Hệ thống cây xanh hồ nước được xem là một khuôn mẫu quy hoạch xanh được bảo tồn tốt nhất tại Hoa Kỳ, cũng như là một ví dụ điển hình của quy chuẩn thiết kế kiến trúc cảnh quan trên thế giới. Ngày nay, hệ thống này trở thành một mạng lưới liên hoàn, bao gồm gần 50 công viên cây xanh và sân cỏ lớn nhỏ, khoảng 20 đại lộ xanh, gắn liền với hệ thống các vịnh, hồ nước và kênh rạch của Seattle. Điều đặc biệt là hệ thống xanh liên hoàn này giúp giúp cho Seattle nâng cao bản sắc của từng khu vực trong thành phố một cách rất có hiệu quả.

Bài học kinh nghiệm cho Hà Nội

Qua việc nghiên cứu 3 trường hợp điển hình nói trên, cho dù chúng ta chưa thể phân tích thêm trong khuôn khổ giới hạn của bài viết, nhưng các nhà quản lý từ đó có thể nghiên cứu sâu hơn và rút ra được một số kinh nghiệm thực tiễn cho bài toán nên ứng xử thế nào, đối với cặp phạm trù bảo tồn và phát triển Thủ đô Hà Nội như:

- Nên khoanh vùng khu vực Trung tâm lịch sử Hà Nội với ranh giới cụ thể (dự kiến ít nhất phải bao gồm các khu vực Ba Đình có nền là Hoàng Thành Thăng Long, khu 36 phố phường, khu vực quanh Hồ Hoàn Kiếm, khu phố Tây cũ bao gồm các biệt thự và công trình công cộng) với các quy định hướng dẫn chi tiết về luật pháp và giải pháp quy hoạch kiến trúc cho nhu cầu cải tạo, nâng cấp và xây mới mà không làm phá hỏng cảnh quan lịch sử. Đây phải là khu vực không cho phép xây dựng nhà cao tầng.

- Nên tham khảo giải pháp thiết kế của Olmsted trong việc kết nối hệ thống sông rạch và hồ nước, cây xanh của Hà Nội thành một thể thống nhất và liên tục, không những thuận tiện kết nối cho người đi bộ và đi xe đạp mà còn giúp tạo ra những khu vực cảnh quan xanh hấp dẫn, vừa đóng chức năng cảnh quan thư giãn, vừa giúp nước thoát nhanh tránh ngập lụt, vừa làm khu đệm xanh rất hiệu quả giữa các khu vực bảo tồn và các khu vực xây dựng hiện đại.

- Nên khoanh vùng các khu vực tập trung xây dựng nhà cao tầng sao cho không làm phá hỏng cảnh quan và giúp tạo nên hình dáng tổng thể đô thị (urban skyline) hài hoà, vừa gắn bó chặt chẽ với hệ thống metro và xe bus để đảm bảo thu hút người dân từ bỏ xe máy và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

 
Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, số 8/2010.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)