Làng ven đô trong quá trình đô thị hoá nhanh

Thứ sáu, 20/08/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Việt Nam là một nước nông nghiệp, văn hoá truyền thống xuất phát và gắn bó chặt chẽ với nông thôn. Đến năm 2003, nước ta có đến hơn 74% dân số sống bằng nông nghiệp, chính vì thế cuộc sống và tổ chức nông thôn ảnh hưởng mạnh đến toàn xã hội. Các làng quê Việt Nam gắn với nền văn minh lúa nước là một đặc trưng của văn hoá truyền thống. Đặc trưng ấy phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, phong tục tập quán và trình độ văn hoá của mỗi cộng đồng dân cư, đó là những bằng chứng về lịch sử văn hoá lâu đời của Việt Nam, là những đặc điểm nhận dạng bản sắc văn hoá, bản sắc dân tộc và cũng là những phương tiện quan trọng trong sự giao lưu văn hoá.

1. Quá trình đô thị hoá nhanh

Từ năm 1975 đến 1985: Trên cục diện quốc gia, đô thị hoá diễn ra chậm chạp (theo số liệu thống kê tháng 4/1989 mức độ đô thị hoá của Việt Nam là 19,4% giảm 20,6% so với năm 1976). Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do áp dụng chiến lược phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiện đại hoá và công nghiệp hoá trên khắp các địa phương cả nước (cả các đô thị và các điểm dân cư nông thôn), với chính sách này nhiều người dân tại các đô thị đã chuyển về làng cũ của mình tại các vùng đồng bằng lên các vùng trung du và miền núi để khai hoang lập nghiệp. Sự phân tán nguồn vốn đầu tư đã khiến chúng trở nên lãng phí và không có hiệu quả góp phần vào sự tan rã các đô thị.

Từ sau Đổi mới, quá trình đô thị hoá ở nước ta diễn ra nhanh chóng trên quy mô toàn diện tác động đến bộ mặt đô thị và làm thay đổi mạnh mẽ các điểm dân cư nông thôn, đặc biệt là những vùng ven đô. Từ năm 1989, mọi ưu tiên đều tập trung cho ba tam giác tăng trưởng kinh tế: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Huế - Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Sài Gòn - Biên Hoà - Vũng tàu. Hà Nội là thành phố lớn thứ hai của Việt Nam xét về quy mô. Sự tăng trưởng của đô thị này được quy trì nhờ quá trình di dân từ nông thôn ra thành phố. Sự di dân này cũng bắt nguồn từ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, sự gia tăng khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn cùng với nguồn việc làm phong phú, môi trường làm việc tốt, thu nhập cao và sự nới lỏng kiểm soát về hộ khẩu. Địa bàn cư trú của những người nhập cư thường tập trung dọc các đường giao thông chính, gần các khu vực kho tàng bến bãi, gần chợ, trong các quận mới, và đặc biệt ở những làng ven đô với giá đất rẻ hơn trong khu trung tâm và lối sống gần gũi hơn với vùng quê cũ nơi họ ra đi. Bên cạnh đó, do áp lực về giá đất ở các khu vực trung tâm (do nhu cầu đặt văn phòng, trụ sở, kinh doanh buôn bán của các doanh nghiệp trong và ngoài nước,...), do nhiều dự án phát triển đô thị, do việc hình thành những khu công nghiệp mới, do mật độ dân số quá cao gây ô nhiễm môi trường,... dẫn đến hiện tượng dãn dân từ trung tâm ra ngoại vi mà các quận huyện ngoại ô gần trung tâm là khu vực thu hút nhập cư nhiều nhất.

Hà Nội: Những dòng di dân nội thành chính ở cấp độ quận trong giai đoạn từ 1994 đến 1999 (lứa tuổi từ 5 tuổi trở lên vào năm 1999).

Nguồn: Hà Nội: vấn đề dân số và di dân trong nội thành; Patric Gubry, Gilles Greneche, Lê Văn Thành, Lê Thị Hương, Trần Thị Thanh Thuỷ, Nguyễn Thị Thiềng, Phạm Thuỷ Hương, Vũ Hoàng Ngân, Nguyễn Thế Chính; Hà Nội Thành phố đặc thù và những lựa chọn cho phát triển; Kỷ yếu hộ thảo 12-14/11/2002

Sự điều chỉnh, mở rộng liên tục ranh giới trong định hướng đô thị hoá vào các năm 1992, 1996 - 2010 và 1998, 2005 – 2020 cho thấy trong giai đoạn này quá trình đô thị hoá của thành phố trên thực tế diễn ra với tốc độ nhanh hơn dự báo.

2. Tác động của đô thị hoá đến các làng ven đô

Định hướng phát triển không gian 1992 - 2010 đã đưa một lượng lớn các làng ven đô vào không gian đô thị. Đô thị hoá nhanh và thiếu kiểm soát tại các làng ven đô làm nảy sinh vô số vấn đề về môi trường, xã hội và kinh tế. Một số biểu hiện dễ nhận thấy của những tác động đô thị hoá đến các làng ven đô như sau:

- Đô thị hoá làm thay đổi cơ cấu dân cư của các làng ven đô, đó là nguyên nhân cơ bản phá vỡ lối sống truyền thống. Đô thị hoá đem đến cho các làng ven đô một lượng nhập cư khổng lồ, tạo ra những thay đổi lớn về mọi mặt. Thí dụ: Thành phần dân cư không thuần nhất làm giảm sự gắn kết cộng đồng; Sự trao đổi văn hoá giữa hai khối dân cư (dân gốc và dân nhập cư) phong tục tập quán; Mật độ dân cư tăng gây quá tải cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật của làng...

- Ảnh hưởng lớn và dễ nhận biết của sự tác động đô thị hoá đến các làng là ô nhiễm môi trường. Đô thị hoá là một quá trình tương tác giữa con người và môi trường tự nhiên, quá trình đô thị hoá nhanh, thiếu quy hoạch làm môi trường xuống cấp và phá huỷ sự cân bằng sinh thái. Đầu tiên phải kể đến, sự chuyển đổi ồ ạt mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất xây dựng đã tạo ra các thay đổi nghiêm trọng cho môi trường, làm mất cân bằng sinh thái; Sự mất dần của hệ thống mặt nước, cây xanh và các khoảng không gian trống thay vào đó là các không gian xây dựng nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở...

Nguồn: Trần Nhật Kiên, Luận văn Thạc sỹ Thiết kế Đô thị, 2004.

                                                                                             Đơn vị: 1000 người

 

Năm

Dân số

Nội thành

Ngoại thành

Gia tăng tự nhiên

1990

2.051,9

931,2

1.120,7

15,1

1995

2.335,4

1.082,4

1.253,0

14,75

1996

2.395,9

1.149,6

1.246,3

14,21

1997

2.467,2

1.211,1

1.256,1

13,73

1998

2.553,7

1.342,7

1.211,0

13,24

1999

2.688,0

1.431,5

1.256,5

10,87

2000

2.734,1

1.460,4

1.273,7

10,87

2001

2.812,1

1.506,3

1.305,8

10,79

2002

2.926,6

1.563,0

1.363,6

10,56

2003

3.015,4

1.600,0

1.415,4

12,39

                                                      Nguồn: Niên giám thống kê Hà Nội 1990-2003

Trong vòng 6 năm (1998 - 2004), diện tích mặt nước trong Làng Triều Khúc đã bị thu hẹp 80%

- Đô thị hoá đã làm thay đổi không gian kiến trúc cảnh quan truyền thống của làng: Một số dự án quy hoạch làm thay đổi cấu trúc không gian của làng, ví dụ dự án Quy hoạch chi tiết Phường Nhân Chính với việc mở tuyến đường vành đai 2,5 đã chia cụm bốn Làng Mọc thành hai không gian tách biệt; Sự buông lỏng kiểm soát độ cao khống chế và mật độ xây dựng phá vỡ cảnh quan của khu Trung tâm Làng; Sự xây dựng bừa bãi, thiếu kiểm soát gây tác động xấu đến cảnh quan di tích; Sự du nhập các kiểu nhà đô thị thay thế nhà ở truyền thống vốn được coi là một thể loại di sản kiến trúc tiêu biểu của Làng quê Việt Nam.

3. Khai thác vai trò của tổ chức cộng đồng cơ sở trong quản lý quy hoạch làng xã

Những vấn đề trên đặt ra cho chúng ta câu hỏi nghiêm túc về quản lý quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan của các làng ven đô trong bối cảnh đô thị hoá. Ngược dòng quá khứ, làng đã từng được coi là một quốc gia thu nhỏ với một không gian biệt lập được giới hạn bởi một thành luỹ kiên cố đó là luỹ tre làng; với một “luật pháp riêng”, đó là hương ước (lệ làng được ghi bằng văn bản) và luật tục (lệ làng được quy định bằng lời nói); và một “triều đình riêng” với hội đồng kỳ mục là cơ quan lập pháp, lý dịch là cơ quan hành pháp. Sự can thiệp của nhà nước phong kiến, và sau này của thực dân không làm ảnh hưởng nhiều đến tổ chức của làng xã. “Phép vua thua lệ làng” là một truyền thống thể hiện mối quan hệ dân chủ đặc biệt của nhà nước phong kiến với làng xã Việt Nam. Sự ổn định của thiết chế Làng xã này kéo dài cho đến trước Cách mạng tháng 8. Sau cách mạng, với chính sách phản phong, xây dựng XHCN, Hương ước bị xem là một sản phẩm của Nho giáo, hiện thân của quyền lực địa phương và bị xoá bỏ. Tuy nhiên, các hương ước và lệ tục vẫn còn những ảnh hưởng nhất định tới công việc của làng đáp ứng các yêu cầu của xã hội mới. Kể từ kỳ họp thứ 5 của Uỷ Ban Trung Ương Đảng: “Phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp, thuần phong, mỹ tục, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, phát huy tình làng nghĩa xóm,  đảm bảo đoàn kết nông thôn, khuyến khích xây dựng và thực hiện các hương ước, các quy ước về nếp sống văn minh ở các thôn xóm”, “Hương ước” được khôi phục dưới dạng “Quy ước làng Văn hoá” (Trong vòng 2 năm 1998-2000 có 70-80% các làng đã xây dựng quy ước Làng Văn hoá). Nhưng các “Quy ước” này chưa phát huy hiệu quả trong lĩnh vực quản lý quy hoạch xây dựng.

Gần đây, tại một số làng các tổ chức dân cư địa phương đã bắt đầu tham gia vào công tác quản lý quy hoạch xây dựng trong một số lĩnh vực. Thí dụ, ở làng Triều Khúc, việc bảo vệ và quản lý di sản được giao cho Tiểu ban quản lý di tích được cơ cấu bởi những thành viên là người có uy tín trong làng; Hay việc quản lý môi trường đã có được giao phó cho Hội Phụ nữ của làng. Những thí dụ trên cho thấy vai trò của các tổ chức cộng đồng cơ sở này gồm những thành viên là người làng, họ tự thiết lập và tuân thủ những nguyên tắc để bảo vệ môi trường sinh sống của mình.

Trong bối cảnh đô thị hoá, cấu trúc dân cư trong các làng thay đổi mạnh mẽ do nguyên nhân của hiện tượng di dân. Có hai dạng đối tượng nhập cư vào các làng ven đô gồm những hộ gia đình chuyển đến từ các quận trung tâm và dân nhập cư từ các tỉnh thành lân cận. Những người nhập cư lâu dài là đối tượng quan trọng cùng với những người dân gốc tạo nên các tổ chức cộng đồng cơ sở mới tham gia các việc của làng trước yêu cầu của cuộc sống hiện đại.

4. Nhận xét

Đô thị hoá các làng ven đô là xu thế tất yếu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Quá trình này có tác động tích cực nhưng cũng gây nhiều hậu quả nặng nề, phá vỡ cân bằng sinh thái và quy hoạch, kiến trúc làng xã. Cùng với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết kế hạn chế các tác động tiêu cực của quá trình này, việc tổ chức và nâng cao vai trò của các tổ chức cộng đồng cơ sở: như UBND xã, trưởng thôn, xóm, dòng họ, tổ chức thanh niên, tổ chức phụ nữ... vào việc quản lý quy hoạch trong quá trình đô thị hoá nhanh là rất cần thiết.

 
 Nguồn: TC Xây dựng, số 6/2010.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)