Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng

Thứ sáu, 20/08/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Điều 111 của Luật xây dựng quy định nội dung quản lý nhà nước về xây dựng bao gồm: xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược kế hoạch phát triển các hoạt động xây dựng; ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng: ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng; quản lý chất lượng, lưu trữ hồ sơ công trình xây dựng; cấp, thu hồi các loại giấy phép trong hoạt động xây dựng; tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ trong hoạt động xây dựng; đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xây dựng; hợp tác quốc tế trong hoạt động xây dựng. Với điều 112 của Luật Xây dựng thì Chính phủ là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về xây dựng trong phạm vi cả nước. Bộ xây dựng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về xây dựng. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Xây dựng để thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn theo phân cấp của Chính phủ.

Quản lý chất lượng là một trong những nội dung quản lý nhà nước về xây dựng được quy định tại Điều 111 của Luật Xây dựng. Các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đã làm được khá nhiều việc như ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng; phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; quy định đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường các công trình xây dựng lân cận; hướng dẫn kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng; tăng cường quản lý chất lượng nhà ở riêng lẻ, kiểm tra điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn; kiểm tra định kỳ và đột xuất việc tuân thủ các quy định của nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.

Tuy vậy,  hệ thống quản lý nhà nước về xây dựng nói chung và hệ thống quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nói riêng hiện nay chưa hoàn thiện để phát huy được hết vai trò của mình. Hầu hết các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành không thành lập Phòng quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành mà giao nhiệm vụ quản lý chất lượng cho các phòng chức năng mang tính chất kiêm nhiệm. Bởi vậy công tác quản lý chất lượng công trình của các sở này còn mang tính cục bộ, đơn lẻ và chưa phát huy hết vai trò quản lý đã được phân công, phân cấp. Phần lớn các sở xây dựng không nắm được số lượng các dự án đầu tư xây dựng được triển khai bằng các nguồn vốn trên địa bàn. Một số địa phương chưa phân cấp quản lý về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn theo loại và cấp công trình, bởi vậy chưa tạo được hệ thống quản lý chất lượng từ tỉnh đến xã, phường. Các sở xây dựng chưa kiểm tra được nhiều về công tác quản lý chất lượng của các chủ đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là các chủ đầu tư có vốn ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương và các chủ đầu tư sử dụng các nguồn vốn nhà nước khác. Các sở xây dựng cũng chưa kết hợp được với các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành để kiểm tra công tác công trình xây dựng chuyên ngành để kiểm tra công tác quản lý chất lượng của các chủ đầu tư công trình xây dựng chuyên ngành. Bên cạnh đó, còn có sự chồng chéo giữa công tác thanh tra xây dựng và quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Sở dĩ còn có sự tồn tại trong công tác quản lý nhà nước nêu trên là do những nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất là do số lượng và chất lượng nhân lực của các địa phương thiếu và yếu. Chuyên viên các phòng quản lý chất lượng tại các sở xây dựng quá ít, thường 2 - 3 người, nhưng phải đảm nhận cả việc thẩm định thiết kế cơ sở và quản lý chất lượng (nhất là đối với sở xây dựng các địa phương miền núi như: Lai Châu, Bắc Cạn, Yên Bái,...). Phần lớn các chuyên viên mới được bổ nhiệm nên kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ còn bị hạn chế. Cán bộ quản lý về xây dựng ở cấp huyện thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn. Không có cán bộ chuyên trách quản lý xây dựng ở cấp xã, phường.

Thứ hai là do năng lực tại các sở. Lãnh đạo và công chức thuộc bộ máy quản lý nhà nước tại một số địa phương vẫn còn hiện tượng chưa nắm vững và thông hiểu các quy định của các văn bản qui phạm pháp luật hướng dẫn Luật Xây dựng 2003. Điều này đã hạn chế rất nhiều trong việc tham mưu cho Chính quyền và trong thực thi nhiệm vụ giúp cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh quản lý thống nhất về chất lượng công trình xây dựng trên địa giới hành chính do mình quản lý.

Thứ ba là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ. Còn nhiều nội dung chưa thống nhất giữa Luật Xây dựng, Luật Đất đai (về giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất) và Luật Khoáng sản (quản lý và quy hoạch khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng ). Trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chưa rõ ràng và không thống nhất. Các văn bản quy phạm pháp luật chưa tạo điều kiện để sở xây dựng có thể nắm được các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn kể cả việc chưa có chế tài buộc chủ đầu tư báo cáo sở xây dựng. Nội dung công tác thanh tra xây dựng và quản lý chất lượng công trình xây dựng trùng lặp nhau, gây khó khăn trong việc triển khai ở các địa phương. Một số Thông tư thiếu hướng dẫn cụ thể, ví dụ như không có định mức để làm cơ sở xác định chi phí kiểm tra chững nhận đủ điều kiện an toàn chịu lực và chững nhận sự phù hợp về chất lượng công rình xây dựng, nguồn và chi phí bảo trì công trình xây dựng...

Thứ tư là do điều kiện công tác khó khăn. Đối với các sở xây dựng các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, do công trình phân tán địa hình đi lại không thuận tiện nên gặp khó khăn trong việc triển khai công tác quản lý về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.

Trước những tồn tại nêu trên, chúng tôi thấy rằng, để tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng các cấp cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

Một là, xây dựng, kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống quản lý chất lượng công trình xây dựng. Bộ Xây dựng cần tăng cường công tác phối hợp và hỗ trợ các sở xây dựng và các sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng tại địa phương. Các sở xây dựng cần rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành quy định phân cấp quản lý về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn; hướng dẫn uỷ ban nhân dân cấp huyện, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng; tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn (không phân biệt nguồn vốn và chủ đầu tư); rà soát lại tổ chức và chức năng của hai bộ phận Thanh tra xây dựng và Quản lý chất lượng để tránh tình trạng chồng chéo, gây phiền hà cho các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; bố trí tại cấp xã, phường cán bộ quản lý xây dựng có trong biên chế nhà nước như cán bộ quản lý đất đai; đề xuất cách thức phối hợp với sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành khi kiểm tra công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn; hướng dẫn chủ thể đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng về nghiệp vụ giải quyết sự cố đối với các công trình xây dựng trên địa bàn; báo cáo Bộ Xây dựng kết quả giải quyết sự cố của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng. Các sở xây dựng cần sử dụng trung tâm kiểm định chất lượng công trình xây dựng như là công cụ của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng nói chung, về chất lượng công trình xây dựng nói riêng; tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Luật Xây dựng và sửa đổi, bổ sung Luật trình Quốc hội vào tháng 5/2009.

Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách áp dụng các công cụ kinh tế, huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác giám sát chất lượng công trình xây dựng; phát huy vai trò của mạng kiểm định xây dựng tiến tới thành lập Hội kiểm định xây dựng Việt Nam.

Bốn là, tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược công nghiệp hoá ngành xây dựng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 nhằm tăng cường về số lượng và đảm bảo chất lượng các sản phẩm xây dựng, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp xây dựng.

Năm là, soát xét các quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp và xây dựng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn quốc gia mà Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn đã quy định.

Sáu là, tích cực triển khai hoạt động kiểm tra, giám sát các công trình trọng điểm; tăng cường công tác kiểm tra và nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu nhà nước.

Bảy là, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng  cho địa phương, đặc biệt đối với các công trình xây dựng bằng vốn ngân sách mà chủ đầu tư là các bộ trên địa bàn.

Tám là, cần đẩy mạnh xã hội hoá công tác giám sát chất lượng công trình xây dựng.

Chín là, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn phổ biến kiến thức. Tập huấn bắt buộc cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo và các công chức của các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng tại địa phương về luật pháp và nghiệp vụ quản lý chất lượng công trình xây dựng. Tổ chức các lớp chuyên đề, tập huấn về công tác quản lý chất lượng và đánh giá, giám định chất lượng cho các cán bộ làm công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng của các tổ chức tư vấn giám sát, các Ban quản lý dự án tại địa phương.

Mười là, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng. Bổ sung biên chế cho các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là đối với cấp huyện; cấp xã cũng cần có cán bộ chuyên môn nghiệp vụ. Thành lập các cơ sở đào tạo nghiệp vụ chuyên nghiệp để công tác phổ biến pháp luật được tiến hành thường xuyên. Sở xây dựng và các cơ sở có quản lý các công trình chuyên ngành phải có phòng chuyên môn về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Tăng cường tổ chức quản lý chất lượng công trình xây dựng cấp huyện, xã; về đội ngũ cán bộ phải tăng cường đào tạo, đào tạo lại, tuyển dụng bảo đảm phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; về ngân sách phải bố trí kinh phí thích hợp bảo đảm thực thi nhiệm vụ quản lý chất lượng công trình xây dựng; về công tác kiểm tra, thành tra phải được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và qua đó phát hiện những mặt chưa hoàn thiện của pháp luật để sửa đổi, bổ sung.

Chúng tôi hy vọng rằng, nếu thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp nêu trên thì chắc chắn sẽ hạn chế được những vi phạm về quy định quản lý chất lượng ở nước ta hiện nay.

 
  Nguồn: TC Xây dựng, số 6/2010.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)