Nông thôn trong đô thị - Hiện trạng và thách thức

Thứ sáu, 09/11/2012 17:17
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đô thị hoá là một biến chuyển tất yếu mang tính toán cầu với điểm nóng hiện nay là khu vực Châu Á. Việt Nam đang có tốc độ đô thị hoá cao nhất Đông Nam Á. Quá trình đô thị hoá đã tác động mạnh đến không gian sống và phương thức sống của những người dân. Xu thế phát triển các đô thị Việt Nam hiện nay là mở rộng diện tích đất để giải phóng những tồn tại khách quan nhưng trong định hướng phát triển luôn có một phần nông nghiệp và một phần dân cư nông thôn chiếm tỷ trọng khá lớn trong các đô thị.

Do hệ quả của quy hoạch cũ, quá trình đô thị hoá truyền thống dẫn đến tình trạng cấu trúc vùng ngoại thị đang bị lộn xộn bởi các mảng không gian nông nghiệp, công nghiệp, nhà ở dịch vụ…đan xen, chồng chéo nhau gây mất cân đối và thiếu công bằng trong phát triển, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu không gian của người dân. Tình trạng phát triển tự phát về đất đai khu vực ven đô nhưng chuyển đổi hình thức sử dụng đất, chia lô, lấn chiếm…đang gây ra những xáo trộn, bất ổn. Cấu trúc không gian nông thôn được xây dnựg từ ngàn năm tại nhiều vùng quê đang có nguy cơ tan vỡ bởi những hình thức kiến trúc sao chép, lai căn, kệch cỡm. Đô thị hoá gây ra sự thay đổi mạnh mẽ cơ cấu lao động trên thị trường, nhưng sự chuyển dịch cơ cấu lao động tại các vùng ven đô thị lại diễn ra chậm chạp, không tương thích dẫn tới tình trạng tỷ lệ thất nghiệp tăng cao làm ảnh hưởng tới đời sống một bộ phận lớn dân cư tại các vùng ven đô thị gây nên những dòng chuyển cư tự phát tạo nên nhiều hệ lụy phức tạp và nan giải cho đô thị. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu và tình trạng môi trường bị xâm hại nặng nề ở vùng ven đô đang là những bài toán khó và chưa có lời giải. Các yếu tố này đang từng ngày đe dọa sự phát triển bền vững của các đô thị hiện nay.

Quy hoạch phát triển nông thôn trong đô thị theo hướng bền vững thì mới chỉ được bắt đầu trong bộn bề những khó khăn, thách thức. Trước hết là thiếu: thiếu các cơ sở định hướng để chọn vùng xây dựng nông thôn, thiếu các tài liệu nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề của nông thôn, sản xuất nông nghiệp, du lịch kết hợp nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững vành đai xanh, thiếu các nghiên cứu về mối quan hệ tam nông, nội thành- ngoại thành…Bên cạnh đó, một đồ án xây dựng nông thôn phải chịu sự chi phối của nhiều căn cứ pháp lý khác nhau và thường xuyên thay đổi trong khi lực lượng cán bộ quy hoạch vẫn còn mỏng và nhiều lúng túng. Vùng ngoại thành có quan hệ mật thiết gắn kết với nội thị cho nên vấn đề của nông thôn này chính là vấn đề của nội thị, nếu chúng ta cứ để tiếp diễn quá trình đô thị hoá nông thôn tự phát như hiện nay thì kết quả sẽ không chỉ là sự mất đi nông thôn mà là cả quá trình đi xuống của đô thị.

Tương lai nào cho nông thôn trong đô thị?

Theo định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050 thì tới năm 2025 dân số đô thị Việt nam khoảng 52 triệu người, chiếm 50% dân số đô thị cả nước, với khoảng 1000 đô thị. Nhu cầu đất xây dựng đô thị khoảng 450.000 ha, chiếm 1,4% diện tích tự nhiên cả nước. Từ những định hướng trên cho thấy cần thiết phải chú trọng vào quy hoạch sử dụng đất trong các khu vực đô thị. Những năm qua đã có nhiều nghiên cứu, nhiều mô hình và thể chế đẻ quản lý đô thị. Tuy còn những bất cập nhưng không phủ nhận đô thị đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Để có đô thị bền vững không chỉ nhìn nhận trong xây dựng khu vực đô thị mà còn phải xem xét tạo sự hài hoà giữa vùng ngoại thành và nội thành trong đô thị. Điều này được xem là định hướng phát triển đô thị trong thời gian tới.

Xin nêu một ví dụ: trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội tới năm 2030 tầm nhìn 2050 được phê duyệt đã xác định chỉ tiêu dân số khoảng 9- 9,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá là 65- 68%. Như vậy, còn khoảng gần 3 triệu người ở nông thôn. Trong tổng số 159.600 ha đất xây dựng thì đất xây dựng đô thị chỉ khoảng 94.700 ha ( 28,3% đất tự nhiên), như vậy còn khoảng 65.000 đất xây dựng nông thôn.

Trong quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến 2025 được phê duyệt năm 2010, xác định các chỉ tiêu là dân số khoảng 10 triệu người (nội thành 7- 7,4 triệu người). Đất xây dựng đô thị 90.000- 100.000 ha cho ngoại thành. Từ ví dụ trên cho thấy rất cần quan tâm đến đặc thù trong xây dựng ngoại thành để tạo thành hợp thể thống nhất hài hoà với đô thị. Đặc thù của mỗi vùng đô thị sẽ quyết định tỷ lệ giữa diện tích phần nội thị và ngoại thị trong một đô thị thế nào là hợp lý để có thể giải quyết thoả đáng các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hoá và đảm bảo đô thị phát triển hài hoà hướng tới xây dựng các đô thị sinh thái bền vững cho tương lai.

Vùng ngoại thị chính là vùng đệm an toàn cho thành phố, là vũng sinh thái xanh tạo sự cân bằng trong nội thị, là vùng mềm tâm lý cho người dân tìm sự cân bằng sinh học, là vùng tái tạo văn hoá cho người dân giảm sức ép từ đô thị. Đây là các vùng dân cư truyền thống cần phải gìn giữ cấu trúc đô thị của nông thôn. Do đó, không gian kiến trúc cảnh quan các khu vực nông thôn phải là sự kết hợp hài hoà và chấp nhận lẫn nhau giữa không gian mang sắc thái đô thị với không gian mở mang sắc thái nông thôn. Lúc ấy người dân sống ở nông thôn sẽ hưởng được các tiện nghi, dịch vụ từ các khu vực đô thị còn các cộng đồng dân cư trong các khu vực đô thị sẽ hưởng được không gian mở trong lành.

Thực tế, trên địa bàn các huyện ngoại thành của các thành phố lớn hiện tại hầu như đã phủ kín các đò án quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc đã chấp nhận chủ trương đầu tư của nhiều dự án nên đò án quy hoạch xây dựng nông thôn trong đô thị mang tính tổng thể phải thật mềm dẻo để hết sức hạn chế những lãng phí không cần thiết do sự xung đột quy hoạch gây ra.

Công tác quản lý các hoạt động quy hoạch xây dựng phải chặt chẽ và năng động với sự phối hợp của tất cả các bên tham gia. Việc xây dựng các mục tiêu chiến lược phải bắt đầu từ cộng đồng địa phương. Các mục tiêu đó sẽ được chuyển hoá vào mục tiêu định hướng quy hoạch xây dựng nông thôn tại đô thị đó. Phải có sự thống nhất và chỉ đạo xuyên suốt từ các cơ quan Trung ương để áp dụng một cách có hiệu quả từ công cụ và phương pháp về quy hoạch chiến lược và đầu tư đa ngành cho đến công cụ và phương pháp chiến lược phát triển.

Trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011- 2020 đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định: quy hoạch phát triển nông thôn phải gắn với phát triển đô thị và bố trí các điểm dân cư những vấn đề trọng tâm tromg xây dựng nông thôn là:

- Phát triển kinh tế xã hội ngoại thành theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với chế biến, môi trường sinh thái gắn với du lịch.

- Quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường có tính đến các vấn đề toàn cầu hoá như biến đổi khí hậu.

- Giải pháp đào tạo nghề, tạo việc làm thích hợp cho lao động nông thôn nhất là những nơi bị thu hồi đất.

- Về văn hoá, nông thôn phải được tiếp thu những tinh hoa của cái mới đến từ đô thị nhưng theo hướng tiếp nhận chọn lọc, sáng tạo và có kiểm soát của lý trí theo 3 hình thức: tiếp nhận, chọn lọc những yếu tố những giá trị phù hợp, tiếp nhận cả hệ thống nhưng có sự sắp xếp lại hay tiếp nhận theo dạng mô phỏng và biến thể.

- Cải thiện đời sống nông dân, giữ gìn phát huy giá trị các nghề truyền thống, các sản phẩm có thương hieuẹ cạnh tranh trên thị trường.

Để thực hiện những vấn đề trên, bước đi đầu tiên là đảm bảo quy hoạch xây dựnh nông thôn mới có chất lượng và đúng hướng. Cũng như nhiều nước đang phát triển, nông thôn trong đô thị Việt Nam vẫn đang tồn tại bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của đô thị và đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Quy hoạch phát triển nông thôn trong đô thị nhằm phát triển hài hoà giữa đô thị và nông thôn theo hướng phát triển bền vững không chỉ là sự sắp xếp, bố trí các loại nhà ở, công trình công cộng, đường xá, cảnh quan, cơ sở hạ tầng… như thế nào cho phù hợp với nhu cầu hạn chế của người dân mà đang được mong đợi bắt nhịp với toàn cầu. Điều đó cần sự chung tay dồn sức cả cộng đồng vì một đô thị phát triển phù hợp với yêu cầu phát triển của thời đại.


Nguồn: Tạp chí Xây dựng, số 10/2012

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)