Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch xây dựng thành phố Vũng Tàu

Thứ sáu, 26/10/2012 17:11
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những điều kiện thuận lợiĐược sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và thành phố Vũng Tàu, phần lớn các khu vực của thành phố đã phủ kín quy hoạch chi tiết 1/2000; việc đầu tư xây dnựg công trình được thực hiện cơ bản tuân thủ theo quy hoạch xây dựng đô thị đã được phê duyệt. Thực tế cho thấy, bộ mặt kiến trúc đô thị Vũng Tàu hôm nay tương đối khang trang sạch đẹp, được người dân địa phương và du khách đánh giá cao, đặc biệt là về hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cây xanh. 

Những khó khăn thách thức

Về công tác quy hoạch:

Các đồ án quy hoạch xây dựng được lập và phê duyệt kịp thời đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Nhìn chung, nội dung các đồ án quy hoạch được lập và phê duyệt đều có chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đô thị đảm bảo theo quy định của Nhà nước và được chuẩn hoá tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và các văn bản liên quan hiện hành, đáp ứng yêu cầu về phát triển không gian, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và định hướng phát triển lâu dài của đô thị. Song, do thiếu nguồn lực triển khai nên đã không thể đầu tư xây dựng theo quy hoạch một cách đồng bộ (do thiếu vốn, không giải phóng được mặt bằng, người dân có đất cũng không thực hiện được…) dẫn đến tình trạng quy hoạch treo. Ngoài ra, do chất lượng đồ án quy hoạch còn chưa cao, chưa gắn với điều kiện triển khai thực tế của địa phương, thiếu thông tin quản lý, dẫn tới nhiều bất cập trong việc quản lý và đưa quy hoạch xây dựng vào cuộc sống.

Về công tác quản lý đầu tư xây dựng:

Việc quản lý đầu tư xây dựng hiện nay được thực hiện thông qua việc phê duyệt dự án và cấp giấy phép xây dựng công trình. Tuy nhiên, do các khu đô thị trên địa bàn được hình thành từ lâu nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã xuống cấp không đáp ứng nhu cầu; các công trình công cộng, nhà ở riêng lẻ được xây dựng ở nhiều thời điểm khác nhau (mặc dù tuân thủ dự án được duyệt, giấy phép xây dựng được cấp, đảm bảo phùu hợp với quy hoạch được duyệt…), song không thể tránh khỏi sự thiếu đồng bộ về cả hình thức kiến trúc lẫn màu sắc công trình. Thậm chí cả với các dự án nhà ở được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, song về hình thức kiến trúc vẫn chưa có sự đồng bộ do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau như dự án khu nhà ở Á Châu, Trung tâm Chí Linh…

Đề xuất giải pháp

1. Giải pháp đối với công tác quản lý quy hoạch đô thị:

Hầu hết các đồ án quy hoạch trên địa bàn thành phố Vũng Tàu được phê duyệt trong giai đoạn từ năm 1993- 2005, đến nay không còn phù hợp với tình hình mới. Vì vậy, cần tổ chức rà soát tổng thể, xem xét lại sự phù hợp và tính khả thi, từ đó tổ chức điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển thực tế.

Đồ án quy hoạch đô thị phải được lập bởi tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, được lựa chọn thông qua thi tuyển thiết kế hoặc đấu thầu trên cơ sở nhiệm vụ quy hoạch đã được duyệt. Ý kiến của nhân dân, của các nhà quản lý, chuyên môn, các nhà khoa học phải được tiếp thu một cách nghiêm túc ngay từ khi lập nhiệm vụ thiết kế. Đây cũng là cơ sở cho việc lập, thẩm định và trình duyệt đồ án quy hoạch đô thị.

Ngay sau khi đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt, chủ đầu tư phải tổ chức công bố công khai nội dung đồ án, kế hoạch thực hiện, thứ tự các công trình ưu tiên cần được đầu tư xây dựng theo các giai đoạn ngắn hạn- dài hạn, theo kế hoạch lộ trình đã được đặt ra; cách thức tổ chức thực hiện (phương án kêu gọi đầu tư, huy động vốn, phương án tái định cư…) bằng các thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, in thành ấn phẩm để phát cho nhân dân vùng quy hoạch biết để thực hiện và giám sát thực hiện. Tổ chức triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa, cấm mọi hoạt động xây dựng trong vùng quy hoạch; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm ngay từ khi bắt đầu có dấu hiệu vi phạm. Đối với các quy hoạch chậm triển khai hoặc không thể triển khai được phải tổ chức rà soát điều chỉnh hoặc huỷ bỏ theo đúng thời hạn quy định của Luật Quy hoạch đô thị.

2. Giải pháp quản lý thực hiện quy hoạch đô thị:

Trong giai đoạn chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị, giải pháp được đề xuất là sớm ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị (Hiện nay UBND thành phố Vũng Tàu đang tổ chức lập, dự kiến trình thẩm định phê duyệt trong quý IV năm 2012 hoặc quý I/2013). Theo đó, xác định một số chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc đơn giản nhưng mang tính quản lý tổng quát cho từng ô phố, dãy phố như: khoảng lùi, chỉ giới xây dựng, chiều cao tối thiểu- tối đa, chiều cao từng tầng, cao độ nền tầng 1, độ vươn ra của ban công, ô văng, màu sắc công trình theo từng tuyến phố…

Đối với các dự án nhà ở đang triển khai xây dựng dở dang, thời gian kéo dài, Nhà nước cần ấn định thời hạn và yêu cầu các chủ đầu tư phải hoàn thiện dự án theo kế hoạch. Trường hợp chủ đầu tư dự án vẫn không thực hiện, Nhà nước cần có biện pháp chế tài mạnh như: không cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình, không cho tham gia thực hiện các dự án khác, hoặc thu hồi lại giao cho nhà đầu tư có năng lực hơn…nhằm đảm bảo chương trình xây dựng phát triển đô thị đã đề ra.

Đối với các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở mới, căn cứ vào đồ án quy hoạch được duyệt, Nhà nước xác định những khu vực cần phát triển khu dân cư và khu đô thị mới; xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện theo từng giai đoạn ngắn hạn, dài hạn; thông báo rộng rãi cho nhân dân biết cùng tham gia thực hiện, tổ chức cắm mốc, cấm mọi hoạt động xây dựng, phân lô tách thửa đất…tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm; kêu gọi, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân có năng lực và kinh nghiệm cùng tham gia thực hiện đầu tư xây dựng các dự án thứ cấp. Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phải do Nhà nước thực hiện theo nguyên tắc: Nhà nước nhân dân cùng có lợi, nhà đầu tư sẽ tham gia đấu thầu dự án và được giao đất sạch (không nên để nhà đầu tư tự thoả thuận với người dân như hiện nay).

Đối với các khu nhà ở hiện hữu cần cải tạo, chỉnh trang: triển khai thực hiện cải tạo chỉnh trang đô thị với một số ô phố nhỏ, khu vực khép kín, làm mô hình thí điểm thông qua việc phân chia lại lô đất, xây dựng theo dự án đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho phù hợp với quy hoạch được duyệt, theo đó tăng quỹ đất cây xanh, tăng diện tích công trình công cộng. Chỉ cần 3 đến 4 vị trí thực hiện tốt sẽ tạo tiền đề và kinh nghiệm triển khai nhân rộng cho toàn đô thị.

3. Cải cách thủ tục hành chính

Áp dụng rộng rãi chế độ thi tuyển công chức, lựa chọn cán bộ có đủ phẩm chất năng lực; có chính sách tốt, đãi ngộ cao để thu hút nhân tài, có giải pháp khuyến khích khen thưởng…đòi hỏi cán bộ công chức phải luôn tự nỗ lực phấn đấu, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, tránh bị đào thải. Tin học hoá công tác quản lý để dần tiến tới chính quyền điện tử, thực hiện các giao dịch hành chính thông qua mạng, giúp cho bộ máy tổ chức tinh gọn và hiêu quả. Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý quy hoạch đô thị như hệ thống thông tin địa lý GIS.

Công tác quản lý quy hoạch xây dựng là lĩnh vực tương đói rộng lớn, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và đặc biệt là sự tác động trực tiếp của nó đến đời sống của người dân. Để công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị đạt được hiệu quả cao hơn, cần có sự điều chỉnh ở tầm vĩ mô, mang tính tổng thể quốc gia về chủ trương, chính sách và cần phải có thời gian để thực hiện…
 

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, số 9/2012
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)