Quy hoạch nông thôn mới tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thực trạng và giải pháp

Thứ tư, 31/10/2012 15:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh 197.573ha, có các mặt tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận và Biển Đông. Dân số toàn tỉnh cho đến năm 2011 là 1.012 ngàn người. Toàn tỉnh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện gồm:thành phố Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa, các huyện Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc, Côn Đảo, Long Điền và huyện Đất Đỏ. Theo quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phê duyệt tại Quyết định số 3064/QĐ- UBND ngày 11/9/2008, tầm nhìn đến năm 2025 và sau 2025 Bà Rịa- Vũng Tàusẽ là: “ Một vùng không gian lãnh thổ phát triển bền vững, là trung tâm kinh tế biển năng động và thịnh vượng của quốc gia, một vùng có môi trường dịch vụ đô thị, dịch vụ du lịch và các hoạt động đầu tư có chất lượng cao, một vùng thiên nhiên duyên hải và biển đảo hấp dẫn của vùng Đông Nam Bộ, có vị thế quốc gia- quốc tế”.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã có 12 đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị với quy mô 37.685ha, 71 đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 các khu trung tâm đô thị, khu dân cư, du lịch, công nghiệp… đã được lập và phê duyệt với tổng diện tích khoảng 18.3000 ha, đạt 48% diện tích các quy hoạch chung.

Theo Quyết định số 193/QĐ- TTg ngày 2/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2011, trên phạm vi toàn quốc phải phủ kín quy hoạch nông thôn mới. Tuy nhiên hiện nay đối với tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu các địa phương mới đang tổ chức lập đồ án quy hoạch cho 21/43 xã, trong đó có 6 xã điểm cho giai đoạn 2010- 2015, trong đó huyện Đất Đỏ có 4 xã, huyện Long Điền có 3 xã , huyện Xuyên Mộc có 5 xã, huyện Châu Đức có 3 xã, huyện Tân Thành có 3 xã, thị xã Bà Rịa có 3 xã.

Từ thực trạng nêu trên, có thể nhận thấy rằng: tiến độ triển khai lập quy hoạch nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu được tổ chức thực hiện rất chậm so với yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên bao gồm cả khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu vẫn là các nguyên nhân sau:

1. Theo quy định trước đây của Luật Xây dựng, nội dung quy hoạch cho khu vực nông thôn được gọi là “quy hoạch điểm dân cư nông thôn”, yêu cầu: trước khi lập quy hoạch xây dựng cho từng điểm dân cư nông thôn phải tiến hành lập quy hoạch xây dựng mạng lưới các điểm dân cư nông thôn trong phạm vi ranh giới hành chính xã. Đồ án xây dựng điểm dân cư nông thôn yêu cầu: xác định động lực phát triển, xu thế đô thị hoá, dự báo quy mô dân số, dự báo sử dụng quỹ đất xây dựng cho toàn xã, trung tâm xã và từng điểm dân cư, các khu vực có khả năng phát triển, mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật toàn xã… Nếu các nội dung cần cải tạo, chỉnh trang hoặc xây dựng mới phù hợp với sự phát triển của mỗi điểm dân cư nông thôn trong từng giai đoạn. Xác định ranh giới, quy mô diện tích và dân số, các chỉ tiêu về dân số, đất đai xây dựng, hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cơ cấu sử dụng đất, phân khu chức năng, giải pháp tổ chức không gian và hạ tầng kỹ thuật, các dự án đầu tư xây dựng ưu tiên của trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn được lập quy hoạch…

Đến thời điểm cuối năm 2011, trên địa bàn toàn tỉnh có 22 xã đã được phê duyệt quy hoạch theo quy định trên của Luật Xây dựng mà chủ yếu là quy hoạch trung tâm xã.

Hiện nay, theo quy định Thông tư liên tịch số 13/2011 thì quy hoạch nông thôn mới bao gồm: Quy hoạch định hướng phát triển không gian; quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội- môi trường theo chuẩn mới; quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hoá tốt đẹp.

Như vậy, quan điểm về tư duy, cách làm quy hoạch xây dựng cho khu vực nông thôn đã đổi khác. Nghĩa là phải tổ chức nghiên cứu lại, làm lại, kể cả các xã có quy hoạch đã được phê duyệt trước đây mà chưa đạt 19 tiêu chí theo quy định. Muốn thực hiện được hoàn chỉnh một đồ án theo quy định mới này, buộc phải đồng thời có quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất trên địa bàn toàn xã. Ba lĩnh vực này có quan hệ gắn bó với nhau, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành các cấp với nhau và phải có một lộ trình nhất định.

2. Trong khi đó, lực lượng cán bộ các địa phương còn thiếu, kinh nghiệm chuyên môn còn hạn chế, quá trình triển khai quản lý quy hoạch xây dựng gặp khó khăn, công tác giám sát cộng đồng chưa được thực hiện triệt để. Đặc biệt, lực lượng tư vấn lập quy hoạch nông thôn mới rất lúng túng trong cách tiếp cận và tổ chức nghiên cứu, đề xuất giải pháp quy hoạch; lực lượng chuyên gia không có chuyên môn và kinh nghiệm về quy hoạch đất đai, quy hoạch sản xuất, buộc phải đi thuê chuyên gia hoặc đơn vị thứ hai để phối hợp thực hiện hợp đồng. Trong quá trình tổ chức nghiên cứu, thường là đơn vị tư vấn không nắm được sâu sắc về điều kiện tự nhiên, hiện trạng, tiềm năng lợi thế, phong tục tập quán của địa phương để từ đó đề xuất phương án quy hoạch tối ưu nhất.

3. Về phía chính quyền, có nhiều địa phương chưa nắm bắt được tinh thần của quy hoạch xây dựng nông thôn mới, thậm chí hiểu một cách mơ hồ, lẫn lộn giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch phát triển sản xuất, nên đi thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành nông lâm để tổ chức lập quy hoạch. Mặt khác, việc quy định cách tính toán chi phí cho công tác quy hoạch còn nhiều bất cập do Thông tư liên tịch số 13/2011 quy định chi phí lập quy hoạch tham khảo Sổ tay hướng dẫn xây dựng nông thôn mới của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (dựa theo Quyết định số 15/2008/QĐ- BXD của Bộ Xây dựng), trong khi Quyết định này đã bị thay thế bới Thông Tư só 17/2010?TT- BXD ngày 30/9/2010. Theo Sổ tay hướng dẫn thì chi phí khảo sát, lập quy hoạch xây dựng cho 1 xã chỉ khoảng từ 80- 150 triệu đồng, trong khi thực tế thì phải trên 300 triệu, thậm chí gần 400 triệu mới có thể thực hiện được. Kinh phí cho công tác lập quy hoạch cũng là một trong những trở ngại cho các địa phương khi phải đồng loạt triển khai trong thời gian gấp rút.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, nhằm đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt, đồng thời nanag cao chất lượng quy hoạch nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng, bao gồm Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên môi trường cần phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Đề án phát triển nông thôn mới của tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để UBND cấp huyện tổ chức thực hiện. Trong đó cần quan tâm đến những vấn đề chính sau:

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, thể hiện tại Quyết định số 491/QĐ- TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; Quyết định số 193/QĐ- TTg ngày 2/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới, Quyết định số 800/QĐ- TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dnựg nông thôn mới; Văn bản số 221/TB- VPCP ngày 20/8/2010 thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…

- Về năng lực đội ngũ cán bộ chuyên môn phải được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, đủ điều kiện nắm bắt công việc, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn và các ngành chức năng trong quá trình tổ chức khảo sát, nghiên cứu lậpq uy hoạch và quá trình tổ chức thẩm định quy hoạch.

- Về đơn vị tư vấn, phải lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch có đủ năng lực, kinh nghiệm để ký hợp đồng khảo sát, lập quy hoạch nông thôn mới. Theo đó, căn cứ Luật Xây dựng hiện hành, các tổ chức tư vấn lập quy hoạch xã nông thôn mới phải có tư cách pháp nhân, có đăng ký hành nghề quy hoạch xây dựng. Công tác quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch sản xuất nông nghiệp (sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ…) mang tính chuyên ngành, nên cần thiết có thêm ý kiến các chuyên gia về lĩnh vực này khi lập quy hoạch nông thôn mới (dưới dạng hợp đồng hoặc thuê chuyên gia)…

- Về vốn cho công tác lập quy hoạch xây dnựg nông thôn mới, UBND các huyện, thành phố phải chủ động dự toán chi phí cho từng địa bàn, báo cáo lên Ban chỉ đạo phát triển nông thôn mới để đề xuất UBND tỉnh bố trí đủ nguồn vốn cho công tác tổ chức, khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch.

- Về chất lượng đồ án, quá trình tổ chức lập, thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, cần tập trung lưu ý những yêu cầu cơ bản, gồm:

+ Quy hoạch không gian tổng thể toàn xã cần nghiên cứu các phương án cơ cấu tổ chức không gian, lựa chọn giải pháp phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và hiện trạng của xã. Đây là căn cứ để triển khai các quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất.

+ Định hướng tổ chức hệ thống khu dân cư mới và cải tạo thôn ấp cũ: xác định quy mô dân số, chỉ tiêu đất cho từng nhóm hộ, quy mô chiếm đất và nhu cầu của toàn ấp. Đối với vùng nhiều sự cố thiên tai cần cảnh báo và nêu rõ các giải pháp phòng chống cho người và gia súc.

+ Định hướng tổ chức hệ thống các công trình công cộng, bảo tóon công trình văn hoá lịch sử, xác định vị trí quy mô, định hướng kiến trúc cho các công trình công cộng cấp xã, các khu vực có tính đặc thù khác.

+ Định hướng tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối các ấp với vùng sản xuất, với trung tâm xã và vùng liên xã (bao gồm hạ tầng phục vụ sản xuất và phục vụ đời sống); đối với vùng nhiều sự cố thiên tai cần cảnh báo và nêu rõ các giải pháp phòng chống.

Trên đây là một vài suy nghĩ về thực trạng lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạhc nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Với một vài đề xuất thiết thực và cơ bản, mong rằng công tác xây dựng nông thôn mới sẽ khắc phục những hạn chế, tồn tại để hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, số 9/2012

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)