Xây dựng và quy hoạch không gian xây dựng công trình ngầm tại hà nội

Thứ ba, 14/08/2012 20:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Hiện trạng về xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm tại Hà NộiTrong khoảng 15 -20 năm gần đây, Hà Nội thu hút được nhiều khoản đầu tư đáng kể từ nước ngoài và được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước nên đã thực hiện nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đặc biệt tập trung vào kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, cấp, thoát nước... Do là một thành phố cũ, cải tạo nên trên nhiều tuyến đường, các công trình ngầm chuyên ngành như cấp, thoát nước, điện thoại, cáp điện lực, cáp chiếu sáng... được xây dựng đơn lẻ, không được bố trí chung mặc dù có cùng một tính chất, do đó việc xây mới, cải tạo hoặc công tác duy tu, duy trì, bảo dưỡng... thường phải đào lên lấp xuống gây ảnh hưởng giao thông và sinh hoạt của người dân, mặt khác công tác quản lý hồ sơ các công trình ngầm chưa được thực hiện một cách có hệ thống và một đầu mối.

a. Xây dựng hào, tuy nen, cống bể cáp kỹ thuật: Trong thời gian vừa qua, thành phố đã thí điểm xây dựng hào và tuy nen kỹ thuật trên một số đường phố như Kim Mã, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh kích thước 3x3m hiện đã bố trí cáp điện lực, thông tin. Tuyến hào kỹ thuật hai bên đường Nguyễn Trãi kích thước 1x1m dài 2x4km hiện mới chỉ có 1 tuyến cáp 24KV đi trong hào bên phía Bắc... Tính đến cuối năm 2010, thành phố đã cơ bản hoàn thành hạ ngầm, sắp xếp đường dây nổi trong các cống, bể cáp trên 29 tuyến phố trung tâm.

b. Xây dựng các công trình giao thông ngầm

Xây dựng hầm cho người đi bộ: Cho đến nay thành phố Hà Nội đã xây dựng 14 hầm cho người đi bộ trên một số tuyến đường trục chính và đường vành đai của thành phố như trên các đường: Phạm Hùng (6 hầm), Khuất Duy Tiến (5 hầm), Nguyễn Trãi- đường Láng (vị trí Ngã Tư sở), Ngã tư Kim Liên - Đại Cồ Việt, Giải Phóng tại vị trí Ngã Tư Vọng (công trình này còn đang dở dang). Tuy nhiên, khi đưa các công trình này vào sử dụng thì chưa được người đi bộ hoàn toàn ủng hộ, việc sử dụng các hầm này hiệu quả chưa cao.

- Hầm cho người đi bộ trên đường Phạm Hùng (đoạn cắt từ đường Láng - Hòa Lạc tới đường Xuân Thủy) được khởi công xây dựng từ tháng 12/2002 với tổng số 6 hầm. Hiện các hầm đã hoàn thiện về cơ bản. Tuy vậy, lưu lượng người đi bộ qua đường bằng hầm còn ít, phần lớn người dân vẫn băng qua đường theo thói quen, mặt khác một số khu vực quanh hầm thường vắng vẻ, dân cư thưa thớt, vấn đề an ninh, an toàn, thông tin chưa được đảm bảo khi qua hầm.

Hầm cho người đường bộ Ngã Tư Sở được đưa vào sử dụng tháng 7/2007 với tổng chiều dài 500m. Hầm được thiết kế theo hình elip, nằm sâu cách mặt đất 8m, mặt cắt rộng 7.5m+3.5m, có hai làn đường cho người đi bộ và xe thô sơ với mặt cắt 2m+2.7m+3m, tổng chiều dài là 462m, không kể cầu thang. Hầm có 4 khu gồm 12 cửa lên xuống trong đó có 8 cửa ngách. Trong hầm có lắp hệ thống chiếu sáng, máy camera quan sát an ninh. Phía trên hầm có nhà vệ sinh và xung quanh khu vực có trồng thảm cây xanh. Đây là hầm đường bộ hiện đại nhất Việt Nam hiện nay nhưng phần thiết kế vẫn còn nhiều bất cập như đường lên xuống có độ dốc lớn, bề mặt trơn nhẵn, đường đi dài, hệ thống biển chỉ dẫn phức tạp… ngoài ra, các đối tượng người đi bộ khác như người ngồi xe lăn, người đẩy xe nôi không thể sử dụng hầm do vậy hầm xây xong vẫn có ít người đi bộ qua đường bằng hầm.

Xây dựng hầm đường ô tô trong đô thị: Đã được xây dựng tại trước cổng Trung tâm Hội nghị Quốc gia và tại nút giao thông Kim Liên... góp phần lưu thông thuận tiện và giải quyết ùn tắc giao thông tại các khu vực này. Hầm đường ô tô tại nút giao thông Kim Liên được kết cấu hầm kín bê tông cốt thép dài 140m và 405m tường chắn bê tông. Đường dẫn dài 99,69m; chiều rộng hầm là 18,5m, chiều cao hầm là 6,25m, chiều cao thông xe trong hầm 4,75m. Đường hầm nút giao thông Kim Liên là một phần của hạng mục Đường Vành đai 1 trong thành phố Hà Nội.

 

 

Hình 1: Hầm đường ô tô nút giao thông Kim Liên và trên Đại lộ Thăng Long


Ngoài đường hầm dành cho xe cơ giới cũng có hầm dành cho người đi bộ gồm hai nhánh cắt qua đường Lê Duẩn và Giải Phóng, cùng hệ thống thoát nước, chiếu sáng, tuy nen kỹ thuật...

c. Xây dựng hệ thống cấp nước: Mạng lưới cấp nước hiện tại được đặt ngầm dọc theo nhiều tuyến đường phố của thành phố và đã phủ khắp các quận nội thành và các khu vực tập trung dân cư tại vùng lân cận, ngoại thành và các khu vực mới phát triển. Mạng lưới được nối thông với nhau để hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết. Tổng chiều dài mạng lưới đường cấp nước như sau:

- Nội thành: Tổng chiều dài mạng lưới đường ống cấp nước khoảng gần 1170 km trong đó mạng đường ống truyền dẫn D300 – D1500 khoảng 167km và mạng đường phân phối khoảng 1.003 km (theo hồ sơ QHCXD Thủ đô Hà Nội). Theo báo cáo của Công ty nước sạch Hà Nội thì tổng chiều dài đường ống cấp nước (2010) khoảng 1382km trong đó ống truyền dẫn (D300-D800) dài 245km; Ống phân phối (D75-D250) khoảng 1137km.

- Thị xã Sơn Tây: Mạng đường ống cấp nước có đường kính D40 –D600 chiều dài khoảng 150km.

- Quận Hà Đông: Theo báo cáo của Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Đông thì mạng đường ống cấp nước có đường kính D150 –D600 khoảng 120km

d. Xây dựng hệ thống thoát nước

Hệ thống thoát nước hiện trạng của Hà Nội là hệ thống thoát nước chung và hệ thống này cũng mới chỉ được xây dựng tại các khu vực nội thành Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây và Đông Anh. Theo lưu vực, tổng chiều dài cống thoát nước ngầm bao gồm:

- Lưu vực sông Tô Lịch: khoảng 770km đường cống ngầm

- Lưu vực Hà Đông: 114km

- Lưu vực Đông Anh: 15km

- Lưu vực Sơn Tây: 49km.

2. Một số công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đã được xác định trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

a. Các công trình giao thông ngầm

Quy hoạch giao thông đô thị là một nội dung cơ bản trong Quy hoạch lần này. Hệ thống giao thông - bộ khung chính về cơ bản đã được xác định bao gồm trên cao, trên mặt đất và dưới mặt đất (giao thông ngầm). Một số hầm đường bộ qua sông Hồng cũng đã được xác định. Trong bản quy hoạch này rõ nét nhất vẫn là mạng lưới đường sắt đô thị (ngầm kết hợp trên mặt đất và có tuyến đi trên cao) cùng với hệ thống các nhà ga (ngầm, trên mặt đất) đi kèm, các tuyến tàu điện ngầm bao gồm:

Tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh): dài khoảng 38,7km, phục vụ các khu vực ngoại thành phía Đông Bắc và phía Nam Hà Nội đi qua khu vực trung tâm thành phố.

Tuyến số 2 (Nội Bài - Trung tâm thành phố - Thượng Đình): dài khoảng 35,2km, là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai. Tuyến số 2 nối sân bay Nội Bài và khu đô thị mới Đông Anh, Từ Liêm, khu Phố Cổ, khu phố có kiến trúc kiểu Pháp, đi dọc hành lang quốc lộ 6 và tới Thượng Đình. Trong đó đoạn tuyến phía Bắc sông Hồng sẽ đi dọc hành lang của trục chính đô thị Nhật Tân – Vĩnh Ngọc – Nội Bài.

Kết nối với tuyến số 2 có tuyến đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông, bắt đầu từ khu vực Cát Linh (giao với tuyến số 3), đi theo hành trình Cát Linh - Hào Nam - La Thành - Thái Hà - đường Láng - Ngã Tư Sở - Quốc lộ 6 - Thượng Đình (nối với tuyến số 2) - Hà Đông - Ba La. Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông có chiều dài khoảng 14km, sau năm 2020 sẽ phát triển tuyến này tới Xuân Mai.

Tuyến số 3 (Nhổn – Ga Hà Nội – Hoàng Mai): dài khoảng 21km, nối khu vực phía Tây với trung tâm thành phố và khu vực phía Nam thành phố. Trong đó đoạn tuyến từ Nhổn đến ga Hà Nội hiện đang được chuẩn bị xây dựng theo dự án của thành phố Hà Nội. Sau năm 2020 sẽ phát triển tuyến số 3 lên tới Sơn Tây, tổng chiều dài dự kiến của tuyến số 3 khi đó là 48km.

Tuyến số 5 (Nam Hồ Tây – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc): Dài khoảng 34,5km. Tuyến này có chức năng kết nối trung tâm thành phố Hà Nội với các khu đô thị dọc theo hành lang Láng – Hòa Lạc.

b. Mạng lưới cấp nước: Ngoài mạng lưới cấp nước hiện tại, một số tuyến truyền dẫn chính từ các nhà máy nước có công suất lớn cũng đã được xác định cụ thể với hướng tuyến và kích thước đường ống. Ví dụ:

- Hệ thống tuyến truyền dẫn chính từ nhà máy nước Sông Đà: Tuyến ống cấp nước trên Đại lộ Thăng Long D1600 – D2400; Tuyến ống cấp nước truyền dẫn chính D800 dẫn tới Sơn Tây; Tuyến ống cấp nước truyền dẫn chính D800 dẫn tới Xuân Mai; Tuyến ống cấp nước truyền dẫn chính vành đai 4 D800 và vành đai 3 D1200...

- Hệ thống cấp nước truyền dẫn chính từ nhà máy nước sông Đuống.

- Hệ thống cấp nước truyền dẫn chính từ nhà máy nước sông Hồng.

c. Hệ thống thoát nước: Đối với các đô thị cũ đã có hệ thống thoát nước – sử dụng hỗn hợp cống riêng và nửa riêng. Đối với các khu vực phát triển mới - sử dụng hệ thống riêng.

d. Mạng lưới cấp điện: Các khu vực nội đô, vùng phát triển đô thị các tuyến 220KV dự kiến xây mới đi ngầm; các tuyến 220KV, 110KV cải tạo cũng được hạ ngầm.

e. Thông tin liên lạc

Ngầm hóa mạng cáp ngoại vi đã có và đang khai thác trên toàn bộ các tuyến đường thuộc địa bàn đô thị trung tâm từ vành đai 4 vào nội đô và tất cả các đô thị vệ tinh; các khu dân cư mới xây dựng phải có phương án triển khai đồng bộ mạng cáp ngầm theo cống bể hoặc hào, tuy nen kỹ thuật.

Như vậy mặc dù chưa đầy đủ nhưng quy hoạch chung đã có định hướng lớn về bố trí sắp xếp công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.

3. Những nội dung còn thiếu trong Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội

Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu công phu, có giá trị khoa học, hầu hết các vấn đề có liên quan đến phần không gian trên mặt đất được nghiên cứu khá đầy đủ, do hạn chế thời gian Nhiều nội dung có liên quan đến sử dụng không gian ngầm chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ. Một số nội dung cơ bản được chỉ ra dưới đây:

- Thiếu phân tích, đánh giá một cách toàn diện về hiện trạng xây dựng công trình ngầm; các khu vực hạn chế, cấm xây dựng công trình ngầm.

- Thiếu dự báo phát triển và sử dụng không gian ngầm

- Mặc dù đã có định hướng phát triển không gian và phân khu chức năng đô thị cụ thể song thiếu sự kết hợp giữa phân khu chức năng trên mặt đất với phân vùng chức năng có sử dụng không gian ngầm đặc biệt cho các khu vực dự kiến xây dựng mật độ cao, trung tâm đô thị, khu vực lân cận hoặc khu vực mới dự kiến phát triển.

- Thiếu sự phân tích vai trò của các ga tàu điện ngầm trong việc kết nối không gian và ảnh hưởng của nó đến phát triển các khu vực xung quanh bởi vì ga tàu điện ngầm trong đô thị không chỉ là nhà ga giao thông mà cũng là một tổ hợp công trình ngầm công cộng đa chức năng.

- Thiếu dự báo về vị trí, quy mô của hầm đường bộ chính; hầm cho người đi bộ; hệ thống bến bãi đỗ xe ngầm trong đô thị.

- Mặc dù đã có quy hoạch mạng lưới tuy nen chính cấp đô thị và mạng lưới tuy nen, hào kỹ thuật nhánh cấp khu vực... Tuy nhiên qua thuyết minh và bản vẽ, mạng lưới này chưa thực sự gắn với việc bố trí các công trình cấp nước, điện, chiếu sáng, thông tin lên lạc

4. Quy hoạch không gian xây dựng ngầm Thủ đô Hà Nội

Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, một số nội dung có liên quan về quy hoạch, xây dựng công trình ngầm chưa được thể hiện đầy đủ như trình bày tại điểm 3 ở trên vì vậy cần bổ sung nghiên cứu để lập quy hoạch này theo hướng các nội dung sau:

- Phân tích, đánh giá bổ sung các điều kiện tự nhiên, địa chất công trình, địa chất thuỷ văn có liên quan đến các yêu cầu để xây dựng công trình ngầm; hiện trạng về xây dựng các công trình trên mặt đất và ngầm đô thị.

- Phân tích, đánh giá về quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt và tình hình xây dựng theo quy hoạch.

- Trên cơ sở định hướng phát triển không gian đô thị đã được xác định trong đồ án quy hoạch chung, bổ sung thêm:

+ Các khu vực hạn chế, khu vực cấm xây dựng công trình ngầm;

+ Dự báo nhu cầu phát triển và sử dụng không gian ngầm đô thị;

+ Phân vùng chức năng sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm (bao gồm: Vùng có tiềm năng, vùng thuận lợi để xây dựng công trình ngầm, vùng có mật độ xây dựng cao dự báo sử dụng không gian dưới mặt đất để xây dựng công trình ngầm…);

+ Xác định phạm vi các khu vực xây dựng dự kiến bố trí công trình công cộng ngầm, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật ngầm;

- Trên cơ sở các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật tổng hợp thể hiện:

+ Hệ thống giao thông ngầm bao gồm: tuyến tàu điện ngầm, quy mô nhà ga tầu điện ngầm; quy mô hầm đường ô tô và các bãi đỗ xe ngầm;

+ Hệ thống tuynen, hào kỹ thuật, cống, bể cáp kỹ thuật trên các đường trục chính đô thị để bố trí các đường dây, cáp điện, thông tin, chiếu sáng… đường cấp nước, thoát nước (nếu có).

5. Kết luận:

Quá trình xây dựng và phát triển đô thị trên thế giới đều liên quan đến sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình. Việc quy hoạch, xây dựng công trình ngầm là yêu cầu bắt buộc, là nhu cầu của cuộc sống và xây dựng công trình ngầm đang trở nên cấp bách. Hy vọng rằng cũng như các đô thị trên thế giới, không xa nữa hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, nhiều siêu thị, nhà hàng... sẽ được hiện diện dưới mặt đất của Hà Nội góp phần giải quyết các vấn đề hiện nay của Hà Nội.

 

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)